Có lẽ cho đến thời điểm này, câu chuyện cash shop, nôm na tạm gọi là cửa hàng vật phẩm ảo trong những tựa game online đã được cộng đồng game thủ làng game Việt bàn luận đến tận cốt lõi của vấn đề. Đương nhiên, với một tựa game miễn phí hoàn toàn giờ chơi, thì cửa hàng ảo chính là cứu cánh của mỗi nhà phát hành.
Nó được sinh ra với mục đích thu lại lợi nhuận từ một bộ phận game thủ thưởng thức và quyết định gắn bó với nhân vật trong game của họ. Thế nhưng chẳng có gì là đơn giản, một chiều, và câu chuyện cash shop đương nhiên chưa thể dừng lại ở đó. Ở không ít thị trường, kể cả thị trường Việt Nam, “nguồn thu” của không ít game online bị cộng đồng game thủ lên án với những từ ngữ kiểu như “hút máu” hay “pay to win” (tạm dịch dùng tiền đổi lấy chiến thắng, hay nói đúng hơn là đổi lấy sức mạnh trong game).
Nếu là một game thủ gắn bó với nền công nghiệp game online Việt ngay từ những ngày đầu, ắt hẳn bạn sẽ chẳng xa lạ gì với hệ thống cửa hàng ảo. Vào lúc bấy giờ, số lượng những game miễn phí giờ chơi không áp đảo tuyệt đối những game thu phí như hiện tại (hiện tại thì gần như chẳng còn game online nào thu phí tại nước ta). Những cửa hàng ảo dành cho những game casual như Audition hay Gunbound vẫn là nguồn thu của những NPH.
Thế nhưng những món vật phẩm người chơi bỏ tiền ra sở hữu trong game kỳ thực chỉ mang ý nghĩa trang trí và hoàn toàn không tác động gì đến khả năng của mỗi nhân vật trong game, ví dụ như tăng sức mạnh hay tốc độ của nhân vật chẳng hạn… Thế nhưng công bằng mà nói, những game kể trên đều là những game casual, khi kỹ năng của game thủ khá quan trọng.
Quay trở lại với những game nhập vai hay những webgame RPG hiện tại. Có vẻ tư duy của các nhà phát hành là như thế này: “Game thủ đã bỏ tiền ra ủng hộ game, thì nhân vật trong game họ cũng nên có được những lợi thế so với những người chơi miễn phí.” Và thế là rồng rắn những chức năng mới lạ được tung ra, đại loại như teleport, dịch chuyển tức thì đến địa điểm làm nhiệm vụ, nhân đôi nhân ba điểm kinh nghiệm trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc chí ít cũng là sở hữu được một món vũ khí với sức mạnh hơn người…
May mắn thay (cho các nhà phát hành game), những chức năng kể trên lại đánh đúng vào tâm lý hám danh và hiếu thắng của không ít game thủ, vốn là những học sinh cấp hai cấp ba. Chỉ nạp vài chục, vài trăm nghìn là game thủ đã có không it công cụ đắc lực để yên tâm cày top. Đó là khi khái niệm “pay to win” hình thành. Mặt khác, không ít game cũng tỏ ra khá tận thu với cái giá game thủ phải bỏ ra để có được thứ họ cần không hề rẻ chút nào.
Và rồi cứ như thế, cộng đồng game thủ của một tựa game rất có thể sẽ bị chia làm hai: Trong khi bộ phận người chơi nạp tiền thì cứ yên tâm đua top, thì số còn lại, thưởng thức game mà không cần lo nghĩ đến cash shop sẽ phần nào cảm thấy sự không công bằng của tựa game, khi người bỏ tiền đôi khi có tất cả, đặc biệt là khi những event ra mắt. Lạc đề một chút, kỳ nghỉ hè đã tới rất gần, chắc chắn rằng sẽ có không ít những sự kiện trong game sẽ bùng nổ tại Việt Nam.
Tình trạng game thủ “pay to win” và nhà phát hành “hút máu” tại nước ta, may thay, vẫn chưa xảy ra với tất cả những game online đang hoạt động. Vẫn còn đó những game miễn phí giờ chơi, mà nơi đó NPH dành sự tôn trọng cho cả game thủ nạp tiền lẫn game thủ thưởng thức một cách miễn phí. Vật phẩm trong cash shop của những game này hoặc có cái giá tương đối dễ chịu, hoặc không tạo ra ảnh hưởng quá lớn đến mỗi người chơi.
Thế nhưng số lượng những game như vậy e rằng đã và đang co hẹp dần, với lý do chủ yếu là lối làm ăn chộp giật của một bộ phận NPH tại thị trường nội địa. Cũng chính vì cách kinh doanh như vậy mà tình trạng game thủ bỏ tiền để trở thành siêu nhân trong game chắc chắn sẽ không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai.