Ngày nay, có thể thấy các trò chơi dạng Tower Defense xuất hiện khắp mọi nơi, từ PC, Console, Mobile thậm chí là cả nền Web với hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Trong giới chơi game chắc chắn ai cũng đã từng một lần chơi dạng game này. Ít ai biết rằng Tower Defense đã từng có thời gian bị giới game thủ ghẻ lạnh vì lối chơi tưởng như hết sức đơn giản và nhàm chán.
Tower Defense – Từ đứa con bị bỏ rơi…
Tower Defense (TD) – dòng game chiến thuật quen thuộc được biết đến tại Việt Nam với nhiều cái tên như Thủ thành, Chống cửa… Tất cả trò chơi thuộc dòng này đều có lối chơi chủ đạo là chặn quái và bảo vệ cứ điểm bằng việc đặt những chốt tấn công khác nhau trên suốt chặng đường đi của quân địch. Điểm thú vị của game nằm ở việc nâng cấp và chọn lựa các loại chốt/vũ khi với công dụng khác nhau như làm chậm kẻ thù, tấn công xa, gây nhiễm độc hoặc tấn công nhiều đối tượng cùng một lúc… Dù được biến thể bằng nhiều loại chủ đề từ bánh ngọt, đến xe tăng hay quân đội, thậm chí cả côn trùng, nhưng về cơ bản lối chơi của dòng game này đều na ná nhau. Cũng vì tính đơn giản trong gameplay nên suốt một thời gian dài từ khi xuất hiện, dòng game này đã không nhận được sự ủng hộ của giới game thủ yêu thích những style trận đánh khốc liệt với hàng loạt các hoạt động liên tiếp.
Rampart - Game TD đầu tiên xuất hiện cách đây hơn chục năm
Tựa game nguyên thuỷ, khởi nguồn của dòng TD phải kể đến đó là Bokosuka Wars, xuất hiện từ trên thị trường từ năm 1983, có lối chơi hoàn toàn đối ngược với phong cách TD, đó là người chơi phải tấn công vào lâu đài kẻ thù bằng cách tránh né và hạ gục các tháp canh. Nhưng phải đến năm 1990, tựa game chống cửa thực thụ đầu tiên mới ra mắt: Rampart của Atari Game, nhưng game này đã nhanh chóng thất bại vì không hợp gu “năng động” của game thủ thời bấy giờ. Gây thất vọng bởi lối chơi đơn giản mang cảm giác dập khuôn nhàm chán của TD, tưởng như dòng game này sẽ hoàn toàn biến mất. Nhưng tận 7 năm sau, chúng lại một lần nữa quay lại bằng một mini game trong game nhập vai nổi tiếng Final Fantasy VII, và lại một lần nữa TD không gây được ấn tượng gì đặc biệt trong giới game.
… cho đến tượng đài huyền thoại
Nhưng chẳng ai nói trước được điều gì, sau khi được xuất hiện trong các game chiến thuật nổi tiếng StarCraft, Age of Empire II và nhất là WarCraft III dưới dạng các map tự chế, Tower Defense đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và dần được giới game thủ chấp nhận và yêu thích. Những custom map với lối chơi cải biến đa dạng, khốc liệt như X- Hero Seige, GreenTD, Element TD, Azure TowerDefense… đã thực sự mang lại sức hút mãnh liệt tới các gamer và đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng cho dòng game này.
GreenTD – Một trong nhưng map TD nổi tiếng của Warcraft
Sau thành công vang dội, game TD bắt đầu được các công ty game mạnh dạn đầu tư và trở nên phổ biến trên khắp các hệ máy từ PC, Console tơi webgame… và đặc biệt thành công trên Mobile Game với đặc trưng đơn giản và ít thao tác. Những cái tên đình dám nhất có thể kể đến như Plants Vs Zombies, Series game Sentinel, GemCraft, Immortal Defense…, đều được các fan của TD coi là những huyền thoại của làng game nói chung.
Lý giải chất gây nghiện của TD
Tuy có lối chơi thoạt nhìn tưởng chừng như an nhàn, thụ động, ít thao tác, nhưng dòng game này đòi hỏi người chơi phải thực sự vận dụng tối đa trí óc của mình nếu muốn chiến thắng. Nói ngắn gọn, game TD không dành cho những gamer lười suy nghĩ và thiếu tập trung. Đây cũng là lý do, dòng game này vừa có fan cuồng lại cũng vừa có nhiều người không thể ưa nổi.
Nhiều người cho rằng lối chơi mang nặng tính sắp đặt và thụ động cùng với không gian chơi nhỏ hẹp của TD thực sự là nhàm chán, nhưng với các fan cuồng của nó thì ngược lại, sự đơn giản đó sẽ tạo hiệu quả tối ưu cho người chơi khi tập trung suy nghĩ. Người chơi sẽ rất dễ bị cuốn hút vào trò chơi đến không rời khi các lượt quân cứ liên tục xuất hiện ngày một mạnh hơn, đông đảo hơn, tinh quái hơn, buộc họ phải liên tục tư duy và mưu mẹo hơn để vượt qua. Việc lựa chọn vị trí trên map và sử dụng sức mạnh đặc trưng của từng loại chốt là vô cùng quan trọng, vì có tác dụng thay đổi hẳn cục diện trận đấu và chứng tỏ khả năng của người chơi.
Thực sự, TD mang đầy đủ nét tinh hoa của dòng game chiến thuật và dòng game giải đố, nhưng nhất định sẽ không phù hợp với các game thủ chỉ ưa thích dòng game hành động, nhập vai. TD có riêng cho mình một thế giới những gamer thật sự yêu và đam mê dòng game này, đặc biệt, sau sự ra đời của Plants vs Zombies của hãng PopCap, game TD đã thoát khỏi cộng đồng game thủ nhỏ hẹp để tấn công đến tận nhóm nữ giới và trẻ em.
Tuy vậy, khi đến Việt Nam, sợ rằng game TD vẫn khó tìm được đường bùng nổ. Game thủ Việt, với tính thích cưỡi ngựa xem hoa, họ rất khó dành quá nhiều thời gian để tìm tòi khám phá một dòng game quá trí tuệ như TD.
Tower Defense tại Việt Nam, có quay lại được thời GreenTD?
Tuy chưa thực sự từng làm mưa làm gió được như các dòng game Nhập vai, kiếm hiệp, nhưng tại Việt Nam, số lượng fan của dòng game TowerDefense cũng vẫn hết sức đông đảo.
Dù ngày nay có đến hàng trăm tựa game lớn nhỏ khắp nơi, nhưng đối với nhiều game thủ, họ không bao giờ có thể quên được cái thời hò nhau đánh từng trận GreenTD, chia nhau ra thủ từng cửa và bảo vệ con đường huyết mạch mà mình chịu trách nhiệm. Hay ngồi say sưa cả đêm để nâng cấp Gem và đánh đám quái đông nhung nhúc trong GemCraft. Đó sẽ là những khoảng thời gian khó thể lãng quên trong trái tim của từng game thủ. Cộng đồng game thủ yêu thích TD, nay đã ít nhiều tản mát, không còn họp thành một cộng đồng thực sự. Phần đông họ giờ đây chỉ còn tìm đường giải trí trên các game offline.
Với mức thành công của dòng game này suốt hơn mười năm qua, nhiều công ty game đã bắt đầu đầu tư phát hành các game TD online. Năm 2011, có đến hai game TD đã được trình làng là Cuộc Chiến Quê nhà của VNG và Anh hùng Tam Quốc của Soha Game, nhưng chỉ mới có Anh hùng Tam Quốc là thực sự làm nên chuyện. Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có game TD nào xuất hiện thêm để tạo nên được thế cân bằng, Anh Hùng Tam Quốc vẫn giữ vị thế độc tôn trong làng TD Việt Nam.
Có thể, khi chán ngán với các game Nhập vai kiếm hiệp, game Chiến thuật na ná nhau, thị trường Việt Nam cũng đang cần dần tìm kiếm những đường đi mới, và TD có vẻ sẽ là một sự lựa chọn không hề tồi vì cộng đồng những game thủ yêu thích dòng game này vẫn còn rất nhiều.
Mới gần đây, người viết có nhận được thông tin sắp có một game TD sẽ được ra mắt tại Việt Nam, cộng đồng game thủ hoàn toàn có quyền chờ đợi một làn gió mới sẽ thổi đến với làng game Việt đang dần nhàm chán. Hãy cùng chờ đợi xem TD có làm nên được cơn sốt trong giới game thủ Việt Nam như cái thời của GreenTD hay Plant vs Zombie hay không.