Trong giới game thủ, chắc chắn ai cũng đã từng một lần chơi trò chơi dạng Tower Defense hay còn có cái tên thường dùng là Chống Cửa. Bạn có thể thấy chúng xuất hiện tại khắp mọi nơi, từ PC tới WebGame, Console Game, Mobile Game với hàng ngàn sản phẩm khác nhau.
Cách chơi của chúng hầu hết đều na ná như nhau nhưng lại được rất nhiều người ưa thích. Qua bài viết, hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về thể loại game Tower Defense rất phổ biến này.
“Tower Defense là gì?”
Tower Defense là một thể loại game chiến thuật, mục đích xuyên suốt trò chơi là chặn đứng bước tiến của kẻ địch, bảo vệ cứ điểm được giao. Cứ điểm ở đây không quan trọng lắm, nó có thể là một toà thành hoặc một con đường hay chỉ là một bãi đất hoang, nhiệm vụ chính của game thủ là cản bước và tiêu diệt toàn bộ quân thù trước khi chúng đạt được mục đích.
Để hoàn thành nhiệm vụ phòng thủ được giao trước quân địch đông đảo và hung hãn, bạn sẽ được cung cấp nhiều loại vũ khí có công dụng khác nhau như làm chậm kẻ thù, tấn công từ xa, gây dam trên nhiều đối tượng cùng một lúc… Với mỗi tên bị tiêu diệt, người chơi sẽ nhận được một số tiền (hoặc điểm) nhất định, chúng được dùng để mua thêm trụ hoặc nâng cấp những gì đã có. Nhiều tựa game còn cho phép bạn “mua” thêm những gì nhận được hay giảm thời gian xây dựng cũng như nâng cấp vũ khí.
Lịch sử ra đời
Có một sự thật khá thú vị đó là Tower Defense bắt nguồn từ các trò chơi tấn công chòi hay vượt chòi thường được gọi là Tower Attack hay Reverse Tower Defense – những game ngược hẳn lại với nó.
Tựa game đầu tiên cần phải kể đến đó là Bokosuka Wars, được ASCII đưa ra thị trường năm 1983. Trong trò chơi này, bạn sẽ phải tấn công vào lâu đài của kẻ thù bằng cách tránh né các tháp canh và tìm cách hạ gục chúng. Cũng trong năm 1983, tựa game phòng thủ đầu tiên mang tên Hoi Hoi của Koei ra mắt trên PC (sau này được làm lại thành “Stop That Roach” trên máy Game Boy). Đây là một trò chơi dạng Turn – base (đánh theo lượt), người chơi sẽ phải tìm cách bảo vệ đồ ăn, bánh kẹo trước lũ gián.
Tựa game đầu tiên khởi đầu cho dòng game Tower Defense có tên là Rampart, được phát triển bởi công ty Atari Games, ra mắt năm 1990 nhưng không gây được ấn tượng đối với giới game thủ thời bầy giờ. Phải đến năm 1997 mới tiếp tục có sản phẩm tiếp nối, đó là một minigame trong Final Fantasy VII.
Thực tế thì dòng game Tower Defense có những ngày đầu cực kỳ khó khăn khi bị giới game thủ ghẻ lạnh bởi cách chơi quá đơn giản, đem lại cảm giác dập khuôn nhàm chán. Nhưng rồi chúng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào sự trợ giúp của các game chiến thuật nổi tiếng khác là StarCraft, Đế Chế và nhất là WarCraft III.
Map X - Hero Seige, một trong những map TD được yêu thích trên WarCraft III.
Chính những custom map Tower Defense trên WarCraft III đã mang lại sự chuyển biến mạnh mẽ cho dòng game này, lối chơi được cái biến đa dạng hơn nhiều, đồng thời đem lại sự ganh đua giữa những người cùng chơi. Một vài cái tên nổi tiếng thường được nhắc đến là: X – Hero Seige, Green TD, Element TD, Azure TowerDefense…
Sau này, thể loại game Tower Defense có sức hút kỳ lạ đối với game thủ, nó trở nên cực kỳ phổ biến và xuất hiện trên tất cả các hệ máy, từ PC tới webgame, mobile game, console game… Những cái tên không thể không nhắc đến là Plant vs Zombie, Flash Element Tower Defense, GemCraft, Immortal Defense…
Đặc điểm gameplay và đồ hoạ
Như đã nói trong định nghĩa, một gameplay của dòng Tower Defense chỉ xoay quanh việc xây dựng tháp canh (mua vũ khí) để tiêu diệt kẻ thù trước khi chúng tới mục tiêu. Có 2 kiểu chống cửa chính. Trong kiểu đầu, bạn sẽ phải tính toán đặt các trụ có công năng khác nhau nhằm cản quân thù đi trên một con đường cố định cho trước. Với kiểu thứ hai, chính người chơi sẽ định hướng con đường kẻ địch phải đi qua đồng thời sắp đặt vũ khí để hạ gục toàn bộ chúng. Thông thường kẻ địch ở 2 thể loại này sẽ không tấn công được các đơn vị của bạn.
Ngoài những kiểu truyền thống trên còn có nhiều biến thế khác nhằm đem lại cảm giác mới mẻ cho người chơi, ví dụ như ngoài việc xây chòi, mua vũ khí, bạn sẽ phải điều khiển thêm một nhân vật nhằm dụ dỗ quân địch và sử dụng các loại vũ khí đã có để tiêu diệt chúng hay điều khiển một hero và nhóm lính chống lại đội quân địch đông đảo đang tiến đến cướp thành.
Orgs Must Die - một trong những biến thể của dòng game Tower Defense có lối chơi đa dạng rất thú vị.
Đồ hoạ của dòng game Tower Defense nhìn chung khá đa dạng và thường phụ thuộc vào chúng thuộc nhánh nào. Những trò chơi thuộc thể loại xây chòi cản địch thường có đồ hoạ cũng như lối chơi đơn giản, thường chỉ là minigame giết thời gian. Còn về phía những biến thể, chúng có đồ hoạ rất đẹp cộng với gameplay vô cùng thú vị, là sự kết hợp đa dạng với các thể loại game khác.
Tower Defense là một món ăn có vị khá lạ miệng trong số các thể loại trò chơi giải trí. Thay vì phải xông pha mở đường, tấn công tiêu diệt kẻ địch, giải đố… dòng game chống cổng có lối chơi an nhàn và thụ động hơn nhiều khi chỉ phải thao tác trong một không gian nhỏ quen thuộc. Đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của các trò chơi dạng này. Game thủ dễ dàng bị cuốn vào lối chơi mang nặng tính sắp đặt, thụ động của Tower Defense sau khi trải nghiệm quá nhiều trò dạng khác nhưng cũng sẽ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán khi vượt qua vài màn chống cổng gần như lặp đi lặp lại.
Plant vs Zombie - tựa game Tower Defense nổi tiếng, có rất nhiều phiên bản trên các hệ máy khác nhau.
Nói tóm lại, Tower Defense là dạng game không thể thiếu trên thị trường ngày nay, nó như là một món ăn giải ngán cho những thể loại khác. Có lối chơi khá thụ động, lặp đi lặp lại nhưng lại đòi hỏi tính chiến thuật khá cao. Mặc dù bạn không thể chơi những trò kiểu này suốt ngày tháng nhưng đôi khi nó lại có sức hút mãnh liệt đến kỳ lạ.