Game đang là thị trường hứa hẹn đem lại doanh thu cao.
Theo báo cáo mới đây của cơ sở nghiên cứu thị trường Niko Partners, các nước Đông Nam Á sẽ mang lại khoản doanh thu không hề nhỏ là 784,4 triệu USD (khoảng 16,700 tỷ VNĐ) cho ngành game trong năm 2014. Top 6 nước trong khu vực được tiến hành nghiên cứu bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Với con số này, rõ ràng thị trường game có nhiều hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận, hiện game mobile phát triển rất nhanh và lợi nhuận thu về lớn. Tuy nhiên, thị trường này có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp khác đang làm rất tốt, Viettel tham gia vào cũng không thể xuất sắc hơn họ. Có rất nhiều việc khác để Viettel theo đuổi thay vì cứ lao vào chỗ người khác đang rất thành công. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn cả khiến Viettel không đầu tư vào game là sự lo ngại cho thế hệ trẻ sẽ mất cân bằng trong cuộc sống bởi những rủi ro từ thú giải trí này. Quan điểm của Viettel là đặt lợi ích quốc gia lên trước. Vì vậy, Viettel chỉ làm những việc mang lại giá trị hữu ích cho đất nước và người dân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, xu thế mọi người bắt đầu rời bỏ PC, đưa ứng dụng CNTT trên nền tảng di động (Smartphone, Tablet) đã phổ biến. Rất nhiều doanh nhân bắt đầu điều hành chủ yếu bằng “văn phòng di động” trên smartphone, tablet... Vì vậy, Viettel sẽ phải đẩy mạnh, đẩy nhanh hướng dịch chuyển này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Viettel sẽ là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam kết hợp “3 trong 1”: CNTT, viễn thông và thiết bị thông minh (smart device). Ví dụ: công tơ điện là một device, Viettel gắn vào đó một SIM 3G, sau đó dữ liệu được đưa về máy tính để xử lý, với việc tích hợp này, Viettel sẽ xác định mức tiêu thụ, công suất, điện áp, thu tiền điện giống như với điện thoại di động. Viettel sẽ biến CNTT không phải là sản phẩm mà thành dịch vụ như dịch vụ viễn thông.
“CNTT tại Việt Nam hiện nay phát triển còn chậm, muốn đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… phải có đột phá. Viettel chấp nhận rủi ro đầu tư trước để các ngành, các tổ chức của Việt Nam dùng thử, để ứng dụng CNTT thúc đẩy các ngành phát triển. CNTT của Viettel cũng có thể góp phần tạo ra các công cụ cho khách hàng sử dụng smartphone, giúp họ tạo ra các giá trị, tạo công ăn việc làm hoặc giúp công việc tốt hơn, từ đó có thu nhập cao hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo phân tích của Viettel, hiện có 4 tập khách hàng chính: thứ nhất là Chính phủ, thứ hai là 400.000 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, thứ ba là 4 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ và thứ tư là 90 triệu người dân Việt Nam. Hàng trăm các công ty CNTT đi trước Viettel đang cạnh tranh ở tập khách hàng doanh nghiệp và tập trung ở các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Quan điểm của Viettel là không tranh miếng bánh của người khác. Những gì người khác đang làm rất tốt thì Viettel không làm nữa. Viettel chỉ làm những việc nếu làm tốt như người khác bằng một cách khác đi hoặc những việc khó mà chưa ai dám làm. Vì vậy, Viettel tập trung vào những doanh nghiệp siêu nhỏ và đặc biệt là toàn dân. Nếu mỗi khách hàng trả 1USD/tháng, Viettel sẽ có gần 1 tỷ USD/năm. Sứ mệnh của ngành CNTT Việt Nam là phổ cập CNTT tới mọi người dân, giống như cách Viettel đã làm với dịch vụ di động. Trước mắt, Viettel sẽ nhắm đến cung cấp dịch vụ cho hơn 50 triệu khách hàng hiện có. Cơ hội và sức mạnh về CNTT của Viettel nằm ở tập khách hàng này.
>> Thăm trụ sở công ty chuyên làm game bom tấn của thế giới