Toàn cảnh làng game Việt 2011

PV  | 01/01/2012 0:00 AM

Năm mới đã chính thức tới, và giờ là lúc để chúng ta nhìn lại 360 ngày vừa qua của làng game nước nhà.

Một năm trời không phải là quãng thời gian ngắn ngủi, nhưng có lẽ nhiều người vẫn thấy nó như vừa vụt qua khi nhận ra mình vừa bước sang ngày đầu năm mới. Có lẽ việc tổng kết lại những nét chính của làng game Việt 2011 sẽ khiến chúng ta vững vàng hơn trước khi kỳ vọng vào 360 ngày tiếp theo.
 
Game mới vẫn chưa được cấp phép
 
Giai đoạn cuối 2011, không ít gamer đã nghe phong thanh rằng cùng lắm là tới quý 2 việc cấp phép cho MMO về Việt Nam sẽ được thực hiện trở lại, tuy nhiên rốt cuộc tất cả vẫn chẳng đi tới đâu. Vì thế nếu nhìn một cách thẳng thắn thì bản chất thị trường game online nội địa 2011 không khác gì mấy so với 2010, ngoại trừ vẻ ngoài sôi động mà thôi.
 

Loong - Điển hình của một game online hút khách mà không biết NPH là ai.
 
Hậu quả của sự chậm trễ bên trên là sự xuất hiện của hàng loạt tựa game mới mà... không biết tên tuổi NPH là ai. Có thể điển hình như Loong, Thần Long Huyết Kiếm, Dragonica... Trên danh nghĩa chúng giống như các server "lậu" nhưng lại thu hút được cực nhiều game thủ tham gia.
 
Tới giai đoạn cuối năm, việc Goal! Cầu Trường Rực Lửa của Vivoo Games bất ngờ được cấp phép chính thức để phát hành tại Việt Nam gây bất ngờ không nhỏ cho giới chuyên môn. Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng sang năm 2012, mọi chuyện sẽ trở nên khả quan hơn.
 
Webgame thống lĩnh thị trường
 
Xuất hiện từ cuối năm 2009 và thu hút lượng lớn game thủ, nhưng chẳng ai dám tin rằng sang tới năm 2011 webgame lại đủ sức đánh bật các thể loại khác để thống lĩnh thị trường. Sự thật là trong hơn 20 đầu MMO mới trong 12 tháng qua, có tới 90% là webgame, và dĩ nhiên gốc gác của chúng tới từ Trung Quốc.
 

Gamer bội thực webgame nhưng vẫn phải chơi.
 
Việc chuyển đối tượng tập trung sang webgame khiến các NPH không lo bị lỗ lớn, quá trình triển khai dễ dàng và ít tốn kém cũng rất tiện lợi cho họ. Hơn nữa, game thủ Việt dù chán ngấy vì trò chơi nào cũng na ná nhau nhưng vẫn... phải gắn bó vì không còn món ăn nào khả dĩ khác.
 
Điều đáng nói là mặc dù năm 2011 đã qua đi nhưng trước mắt, tháng 01/2012 vẫn sẽ tràn ngập các webgame nhập vai gốc Trung Quốc (mà chủ yếu là từ cổng 4399). Điều này làm dấy lên lo lắng rằng cánh cửa dành cho các MMO 3D chính thống vẫn còn quá hẹp.
 
Ngành sản xuất game tiến bước lớn
 
Nếu như năm 2010 hầu hết game thủ mới chỉ nghe tới dự án SQUAD của VTC Studio, thì sang năm 2011 mọi chuyện đã khác. Sự xuất hiện của hàng loạt studio từ tự túc đến chuyên nghiệp liên tục xảy ra, mà trong đó dự án dẫn dầu chắc chắn là 7554 của Emobi Games.
 

Jay Online, Ủn Ỉn và Khu Vườn Trên Mây là 3 MMO made in VN được mang ra nước ngoài.
 
Có thể kể ra một số cái tên đáng chú ý khác như G3 (VTC Studio), Jay Online (FGame), The King (MusicKing), Bkool (FPT Online) hay Ủn ỉn Khu vườn trên mây của VNG Studio South... Tất cả chúng đều đã lộ mặt và góp phần tạo nên một năm cực kỳ sôi động dành cho ngành sản xuất game nội địa.
 
Tuy nhiên, sự thất vọng về mặt doanh thu của 7554 có lẽ sẽ khiến các studio lựa chọn cách đầu tư vào game online thay vì mảnh đất offline quá rủi ro. Dẫu sao, đây cũng là quyết định nên làm để tránh những thất bại tương tự trong tương lai gần.
 
Ý thức của game thủ vẫn yếu
 
Khác với năm 2010, sang năm 2011 chúng ta hiếm thấy có vụ việc scandal nào của gamer Việt tại server nước ngoài để bị cách ly (như vụ việc Cabal, SA NA hay Special Force Singapore). Đây là điều tạm đáng mừng, dẫu nó chưa cho thấy ý thức người chơi nội địa khá hơn một cách rõ ràng.
 

Hacker vẫn hoành hành gây đau đầu cho NPH.
 
Đó là đối với server ngoại, còn trong nước, đáng tiếc là tình trạng hack, gian lận vẫn quá nhiều. Có thể điển hình như nạn hack vô tội vạ trong Tank Ranger, Tru Tiên, CF... Thậm chí giờ đây với nhiều game thủ, họ đã quen với vấn nạn trên và chấp nhận sống chung với lũ.
 
Tới cuối năm, ý thức của gamer Việt lại được đưa lên thớt bàn luận khi xuất hiện trường hợp xin cracker Trung Quốc bẻ khóa 7554 - game FPS offline thuần Việt đầu tiên. Tất cả đều tỏ ra bất lực và cho rằng năm 2012 cũng quá khó để hoàn thành nhiệm vụ "tẩy não" cho giới trẻ nước nhà.
 
Vô vàn khó khăn, vẫn vượt lên tại ĐNÁ
 
Với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua bên trên, nhưng tới tháng 11 vừa qua, báo cáo thị trường của đơn vị uy tín Niko Partners khẳng định rằng Việt Nam đang là thị trường game có thu nhập lớn nhất trong 6 quốc gia được thống kê, 5 quốc gia còn lại bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
 

Việt Nam bất ngờ vươn lên đứng đầu ĐNÁ về doanh thu MMO.
 
Chừng đó đủ để thấy rằng tiềm năng của ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến tại Việt Nam to lớn đến thế nào. Hy vọng sang năm mới, lĩnh vực này sẽ được "mở cùm" để phát huy hết khả năng của mình, vươn xa ra tầm Châu Á chứ không gói gọn trong ao làng ĐNÁ.