Chu Hoàng Hải cho biết, Journey to Save Water là một game “câu rác” được mô phỏng dựa trên thú vui giải trí được mọi người yêu thích đó là câu cá. Người chơi sẽ đóng vai một anh chàng luôn nhận thức được tình trạng ô nhiễm của nguồn nước, và quyết tâm tìm ra các thông điệp hành động để bảo vệ nguồn nước.
Nhóm sinh viên Chu Hoàng Hải và Đỗ Thanh Hường. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Bằng thử thách câu rác bẩn tại những địa điểm ô nhiễm thực tế đang tồn tại như sông Tô Lịch (Hà Nội)… game sẽ khéo léo nhắc nhở người chơi về tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện tại. Các thông điệp về bảo vệ nguồn nước sẽ được hiển thị sau mỗi màn chơi, người chơi có thể chia sẻ thông điệp cho bạn bè qua facebook để nhắc nhở bạn bè cùng hành động bảo vệ nguồn nước.
Chọn thiết kế game để tham gia cuộc thi, Hải chia sẻ đây là sản phẩm kết hợp giữa đam mê lập trình và hoạt động xã hội của mình. Hoàng Hải nói thêm, đối tượng của game hướng đến chủ yếu là thanh niên ở thành phố. Bởi họ có nhiều bạn trẻ sống trong điều kiện có điện nước đầy đủ thì họ sẽ không nắm rõ được tình trạng ô nhiễm ở các vùng khác và chưa biết quý trọng nguồn nước.
Trailer Journey to Saving Water
Còn Thanh Hường cho biết, trong game người chơi xuất phát từ những địa điểm nhỏ bị ô nhiễm như là ao hồ cho đến biển và đại dương. Các địa danh này đều là những địa danh có thật và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước mỗi màn chơi, người chơi được cung cấp cụ thể thông tin về tình trạng ô nhiễm nơi đó. Điều này giúp cho người chơi ý thức được hiện trạng ô nhiễm xung quanh nơi mình sinh sống.
Hải cho biết thêm, đề án này chính là đồ án tốt nghiệp đại học vào cuối năm 2015 của anh nên chắc chắn sản phẩm sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.
Đánh giá cao ý tưởng của nhóm, ThS. Nguyễn Đình Thành – Giám đốc tư vấn chiến lược truyền thông công ty Le Bros, nhận định đây là một trong những cách hiệu quả để truyền tải thông điệp đến giới trẻ. Khi cải thiện giao diện, cách chơi… thì chắc chắn game sẽ có độ lan tỏa rộng và thu hút các bạn trẻ.
Theo Lan Ngọc/Đại Đoàn Kết