Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 15/03/2013 12:20 AM

MMO Việt vẫn chưa có chỗ đứng cho những game online phức tạp, nơi sở hữu nhiều tính năng sáng giá.

Năm 2013 hiển nhiên là một năm thị trường game online cũng như người chơi MMO Việt Nam mong chờ những tựa game online có chất lượng cập bến dải đất hình chữ S. Khi nói đến “chất lượng” ở đây, chúng ta phải tính đến tất cả những gì làm nên một sản phẩm giải trí tương tác được ưa chuộng: Đồ họa, cốt truyện, lối chơi,… Ở thời điểm hiện tại, việc các nhà phát hành đã có thể rất thoải mái chọn lựa những game online được phát triển ở nước ngoài với chất lượng đồ họa cao cấp, cử động nhân vật mượt mà nhờ vào việc game thủ Việt nay hầu như đã không còn “canh cánh nỗi lo” game nặng.
 
Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp? 1
 
Trong khi đó, cốt truyện của game online là một thứ gì đó khó có thể đụng hàng theo kiểu y xì đúc. Vì vậy chủ đề bàn luận của chúng ta ngày hôm nay sẽ là về phong cách gameplay của những tựa game online. Sở dĩ chúng ta cần phải bàn luận về vấn đề này, đó là trong thời gian vừa qua GameK ghi nhận được một số lượng rất lớn những góp ý của người chơi Game online Việt gửi gắm tới các NPH, qua đó mong mỏi các nhà phát hành game Việt ngừng nhập những tựa game với lối chơi quá đỗi đơn giản cùng sự can thiệp có phần quá tay của hệ thống auto để game thủ có thể thoải mái thưởng thức một MMO theo ý của họ.
 
Tuy nhiên, một tựa game online với nền tảng phức tạp, hệ thống skill đa dạng, cộng với lối chơi có chiều sâu liệu có trở thành một cú hit lớn và là một thành công tài chính tại Việt Nam? Chúng ta hãy cùng bàn luận chủ đề này thông qua một vài tính năng cơ bản để một game online có thể được tạm gọi là “có chiều sâu” và đáng chơi: Hệ thống nhiệm vụ, loại bỏ hoàn toàn tính năng auto và Auction House, tạm gọi là nhà đấu giá vật phẩm trong game. Đây cũng chính là những đề tài đang được không ít các game thủ, thành viên các diễn đàn bàn luận.
 
Nhiệm vụ nhiều liệu có hay?
 
Cách nhanh nhất, đơn giản nhất và chính thống nhất để người chơi ở những cấp độ đầu tiên có thể nhận được điểm kinh nghiệm, vật phẩm chất lượng tốt và dĩ nhiên là… vàng trong mỗi tựa game chính là đi làm những nhiệm vụ mà NPC trong game đặt ra. Chưa dừng lại ở đó, hệ thống nhiệm vụ của một game online cũng là nơi nhà phát triển game gửi gắm tới người chơi những tinh hoa của cốt truyện mà họ đã dày công tạo ra.
 
Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp? 2
Hoa mắt vì quest
 
Thế nhưng một danh sách dài dằng dặc những nhiệm vụ từ khi người chơi mới bắt đầu làm quen với game, cho đến khi nhân vật trong game đã lên đến cảnh giới cao thủ cũng chưa chắc đã được cộng đồng hưởng ứng. Đối với dân cày Việt, phần lớn thời gian đáng lẽ phải bỏ ra làm nhiệm vụ, họ hoàn toàn có thể bỏ mặc chúng, thay vào đó là đi cày cuốc đánh quái hoặc party với những người chơi cấp cao hơn để được “kéo, đơn giản vì lượng điểm kinh nghiệm cũng như tiền trong game có được khi thực hiện hai cách kể trên thường luôn nhiều hơn so với việc chạy loanh quanh bản đồ chỉ để hoàn thành những nhiệm vụ rối rắm.
 
Bỏ auto, chưa chắc game thủ đã chịu
 
Phần mềm auto tại Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản đầu tiên vẫn còn đang làm mưa làm gió tại thị trường trong nước. Thế rồi chức năng mà nhiều người đã từng nghĩ là “gian lận”, “lười biếng” hóa ra lại biến thành một trong những trào lưu không thể không có đối với mỗi game online mới ra mắt nào tại Việt Nam. Người chơi cũng vô tình bị auto tạo ra tư duy chơi game kiểu “lười”. Đi tìm nơi nhận, trả nhiệm vụ cũng auto, đánh quái cũng auto, vân vân…
 
Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp? 3
"Auto vẫn tiện, tội gì bỏ?"
 
Sau vài năm chức năng gây khá nhiều tranh cãi này thống trị thị trường MMO Việt, ngay cả các nhà phát hành cũng trở nên khá e ngại nếu một tựa game lọt vào mắt xanh của họ, với những ưu điểm thấy rõ, mỗi tội… thiếu auto! Sau ngần ấy thời gian, việc game bắt người chơi tự đi tìm đường, tự thực hiện nhiệm vụ từ a đến z, tự đánh quái vật hay tự mình thao tác những chiêu thức trong game bỗng nhiên đã trở nên quá xa xỉ đối với thị trường game online tại Việt Nam.
 
Auction house: Trung tâm thương mại, hay Chùa bà Đanh?
 
Hầu hết những game online hiện đang được đánh giá cao trên thế giới, ví như Vindictus chẳng hạn, đều có hệ thống nhà bán đấu giá, nơi người chơi có thể “gửi gắm” những món đồ xịn mà họ kiếm được nhưng không có nhu cầu sử dụng để người chơi khác, đúng theo phong cách của những nhà đấu giá chuyên nghiệp. Người chơi nào trả giá cao nhất, hay thậm chí là trả bằng hạn mức cao nhất người bán đặt ra sẽ sở hữu món vật phẩm ảo đó.
 
Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp? 4
Auction House của World of Warcraft
 
Thế nhưng, với tư duy “tiền trao cháo múc”, không ít game thủ Việt đã thẳng thắn nêu lên quan điểm của họ về Auction House. Một số người cho rằng nếu món hàng ế ẩm, nhiều kẻ trục lợi chờ đến thời điểm cuối cùng mới bỏ một khoản tiền rất nhỏ so với giá trị vật phẩm ra để mua. Thậm chí cũng có thể, chính người bán tạo ra một account game khác, vào “kéo khống” giá hàng để người chơi mắc bẫy, nghĩ rằng đang có người chơi khác tranh giành món hàng với họ…
 
Thị trường Việt liệu có hợp với những game online phức tạp? 5
Rất giống một cái chợ theo nghĩa đen
 
Vì thế, tình trạng người chơi đứng kín bản đồ và treo biển mở shop, sau đó thương lượng giá cả vật phẩm ảo với người chơi khác trong game sẽ vẫn còn đó, và sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu của các “thương gia ảo” của làng game online Việt Nam.