Có thể nói tôi là một trong số không nhiều người gắn bó với thị trường game Việt từ khi nó ra mắt cho đến bây giờ dưới nhiều vai trò: GM có, phóng viên có, phát triển game có, phát triển nội dung có... Thị trường game Việt đã thay đổi quá nhiều từ cái ngày tôi còn miệt mài tìm cách làm server MU lậu cho đến ngày hôm nay.
Tạm thời không nhắc đến những thay đổi về chất lượng, lối chơi, xu hướng, thể loại. Một thay đổi rõ ràng nhất, dễ thấy nhất và đáng tiếc lại là buồn nhất: thị trường game Việt đang ngày càng hỗn loạn và nói một cách nặng lời hơn: càng ngày càng rẻ tiền.
Số lượng game tăng theo... cấp số nhân, chất lượng thì...
Trong vài năm đầu chỉ có một game online hoạt động mạnh ở Việt Nam là Mu Online, game này thậm chí còn không phát hành dưới dạng chính thức mà hầu hết chỉ là các server lậu hoạt động cầm chừng. Mãi đến năm 2004, Asiasoft với Gunbound mới nổ phát súng đầu tiên khai mào thị trường game online Việt. Vài năm tiếp theo, thị trường chỉ có khoảng vài game mà hầu hết trong số chúng đều thành công rực rỡ: Võ Lâm Truyền Kỳ, Audition...
Rồi cơn bão game online bùng nổ: Năm 2008 có khoảng 50 tựa game chính thức lưu hành và cho đến thời điểm này, tôi gần như bó tay trong việc thống kê số lượng game online đang hoạt động trên thị trường. Con số gần nhất tôi đọc được ở đâu đó là khoảng trên dưới 300 game, quá nhiều cho một thị trường như Việt Nam.
Điều đáng nói, trừ những tựa game thuộc dạng hàng đầu thu hút phần đông người chơi thì đến 90% đang trong tình trạng "chộp giật" và lay lắt. Được xây dựng trên một cộng đồng nhỏ, lòng trung thành không cao, rất khó để phát triển được mạnh mà hầu hết chỉ được tung ra với mục đích "kiếm chút nào hay chút đó".
Được đầu tư ít, ít quan tâm, xác định vòng đời thấp nên không khó để nhận ra sự bất cập trong khâu phát hành. Hầu hết các game hiện nay bỏ qua các bước trình tự của công tác phát hành một GO nên vì thế, chất lượng phiên bản chính thức, thậm chí thương mại hóa thường ở mức rất thấp. Thật ra, cũng khó mà làm tốt được khi cốt lỗi của game không tốt.
Khi cộng đồng không còn là chỗ dựa
Làm game online, nếu nghiêm túc luôn phải xác định cộng đồng chính là chỗ dựa để phát triển của game. Đây là điều mà ai làm game trong giai đoạn đầu cũng tâm niệm và luôn cố gắng để đạt được. Tuy nhiên, đời không như mơ.
Giai đoạn đầu, công tác cộng đồng được làm rất tốt, một phần có lẽ cũng do chính sách phát triển bền vững khi đó. Cho đến thời điểm này, tức là ngót nghét 1 thập kỷ bắt đầu chơi VLTK, tôi vẫn có những cuộc gặp mặt thường xuyên với anh em chơi cùng ngày trước. Thật ra, nếu không phải vì một sự cố về tài khoản, có lẽ tôi cũng chưa nghỉ VLTK. Sức hút từ chính cộng đồng quá lớn đã giữ chân những người chơi cũ một cách tuyệt đối. Đến thời điểm này, không ít người chơi VLTK từ những giai đoạn đầu vẫn mải mê hành hiệp.
Nhưng, trong một thị trường mỳ ăn liền, không có chỗ cho công tác phát triển cộng đồng xuất hiện. Đơn giản, bởi tình cảm bạn bè cần nhiều thời gian để phát triển, mà game online bây giờ thì không có. Vòng đời của một GO đặc biệt là webgame tại Việt Nam đang ở mức khoảng 6 tháng đến 1 năm, quá ít để nói câu chuyện cộng đồng.
Đối với game online, sức mạnh cộng đồng cũng như độ vững chắc của móng trong một ngôi nhà. Khi ngôi nhà được xây trên một nền móng yếu, chỉ cần một chấn động nhỏ nó sẽ biến mất. Game online bây giờ cũng vậy. Với tâm lý "ăn nhanh", các NPH sẵn sàng để một tựa game chết hoặc ngắc ngoải, mặc cho game thủ nghĩ gì thì nghĩ.
Thực thế, hiện tại rất nhiều game đang sống theo cách này: bật server mặc game thủ tự chơi và... tự nghỉ game. Vì chi phí duy trì các webgame ít người chơi rất nhỏ, hoặc thậm chí coi như không đáng bởi có thể "chạy ké" một cụm server, các NPH không cần đóng cửa game mà chỉ cần không làm gì với những tựa game đã hết tuổi. Và khi đó, quyền lợi của các game thủ đang gắn bó với game sẽ ra sao? Không ai quan tâm. Họ sẽ cảm thấy như thế nào? Cũng không ai quan tâm. Mà cộng đồng không còn, ai sẽ kêu? Không ai.
Và một thị trường chộp giật sẽ tiếp diễn như thế nào?
(còn tiếp)