Tâm sự thắt lòng của phụ huynh có con hay ngồi quán net

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/01/2016 08:38 PM

Những tâm sự vô cùng chân thực đứng từ góc nhìn của những vị phụ huynh, những ông bố, bà mẹ khi thấy con mình quá đam mê game

Mới đây, chúng tôi đã nhận được một bức thư gửi từ địa chỉ email nguyen...@gmail.com, với những tâm sự vô cùng chân thực đứng từ góc nhìn của một ông bố, bà mẹ khi thấy con mình quá đam mê game. Chúng tôi xin phép được đăng tải nguyên văn bức thư này dưới đây, mời các bạn độc giả cùng theo dõi:

"Nhiều ngày qua tôi xem trên các phương tiện truyền thông nhiều đoạn clip những ông bố bà mẹ bắt được quả tang con cái họ đang ngồi chơi game ngoài quán điện tử mà cảm thấy xót cả lòng. Là người làm cha, làm mẹ, bản thân tôi hơn ai hết hiểu rõ những cung bậc cảm xúc của họ. Từ bất ngờ, khi thấy con mình ngồi ngoài một nơi như vậy thay vì đi học, như chúng đã nói dối cha mẹ, cho tới giận dữ vì bị con nói dối, và cuối cùng là thất vọng, từ đó dẫn tới những câu chuyện chẳng mấy hay ho mà nhiều cô bé cậu bé chia sẻ trên Facebook như những đoạn clip thư giãn.

Có thể trong cách nghĩ của các bạn, những cậu học trò bị phụ huynh bắt được ngoài quán net có thể rất vui, giống như cụm từ mà cậu con trai của tôi độ này rất thích dùng: “Hóng biến”. Nhưng trong tâm tưởng của chúng tôi, những người làm cha, làm mẹ, liệu điều đó có thật sự vui không? Thà rằng không tìm thấy con mình ngoài những quán net, rồi nhắc nhở chúng, còn hơn là phải thắt lòng nhìn thấy chúng đang mê mẩn những trò chơi vô thưởng vô phạt ngoài kia mà chểnh mảng học hành.

Nói đi cùng phải nói lại, trước khi ra trường, có công ăn việc làm, có gia đình và con cái, ai trong số chúng tôi cũng từng là những đứa trẻ, mà ở tuổi ăn tuổi chơi, thì cũng chẳng có gì cấm được những đứa trẻ có cho mình những niềm vui nho nhỏ cả. Ngày xưa tôi cũng từng bị ông bà đánh cho một trận nhừ tử vì mải đi đánh khăng không chịu về nấu cơm cho kịp bữa.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Game, dù có dùng cách nói văn hoa hay né tránh đến đâu đi chăng nữa, thì đối với chúng tôi cũng chỉ là những môn giải trí trong giờ nghỉ. Các bạn trẻ, các bạn có thể nói tôi già cỗi, không hiện đại, cũng chẳng thức thời, nhưng tôi buộc phải nghĩ rằng, game là thứ vô bổ để giết thời gian.

Cậu con trai của tôi đương nhiên phản đối. Cũng phải công nhận những gì hiển thị trên màn hình máy tính mà chúng tôi mua cho nó “để phục vụ việc học tập” kể ra cũng bắt mắt. Khi chúng tôi hỏi thì con trai trả lời đó là DOTA (phải hỏi lại 2 lần để viết đúng vì tiếng Anh hình như không có từ nào như thế này). Có những ngày thay vì làm bài tập buổi chiều, nó lại ngồi chơi game cùng bạn bè, thi thoảng văng một vài câu chửi tục. Ở nhà chúng tôi không dạy con văng tục, vậy mà cậu bé lại ngang nhiên văng tục trong nhà.

Có thể, rất có thể, chỉ trong cơn tức giận mà con tôi buột miệng nói ra những câu nói đó. Nhưng vì sao lại tức trong lúc chơi game? Chúng ta ngồi chơi là để thư giãn cơ mà? Vì sao lại cứ cố bấu víu những phút giây như vậy thay vì nghỉ ngơi một cách thoải mái bên cuốn truyện? Tôi có cấm con mình đọc truyện tranh và sách trong giờ nghỉ đâu cơ chứ?

Tôi không chơi game, không biết cảm giác trong game ra sao nhưng tôi coi nó là thú vui vô bổ là vì vậy. Nhưng con tôi luôn lấy những người (mà theo nó, có vẻ như là) nổi tiếng trong làng “thể thao điện tử” ra để dọa tôi, với thu nhập cả triệu Đô. Thôi nào con trai. Nếu thể thao điện tử của con nổi và ra tiền như vậy thì ti vi của bố cũng phải chiếu rồi chứ, sao quanh quẩn vẫn suốt ngày bóng đá với quần vợt?

Nếu chỉ chơi game ở nhà, thì chúng tôi đã dễ quản lý con mình. Thế nhưng đôi khi nó lại trốn ra quán game để tiếp tục chơi, một nơi toàn những kẻ xa lạ, ngoại trừ bạn học của nó. Mà thậm chí tôi cũng từng đọc những bài viết về những đứa trẻ bị bạn học của mình lôi kéo dụ dỗ làm nhiều việc xấu. Tôi không coi chơi game là xấu, nhưng trong một môi trường chẳng khác gì xã hội ngoài kia như quán net con tôi hay lui tới, một người làm cha không thể nào không lo lắng được.

Tôi vẫn cho con tiền tiêu vặt. Là một đứa trẻ, chắc chắn nó sẽ muốn có những món đồ bạn bè nó có. Tôi có thể mua cho nó một chiếc điện thoại hạng xoàng, đủ để nhắn tin, vào Facebook nhưng không quá đắt đỏ, mất thì không tiếc, và tương tự như vậy với khoản tiền tiêu vặt. Thà rằng chúng tôi mang tiếng chiều chuộng con mình, còn hơn là để nó kém bạn kém bè. Tôi cũng từng thấy những trường hợp ăn cắp để có được thứ mình muốn, và đó là thứ chúng tôi tuyệt đối cấm con trai mình làm theo.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quay lại với cái quán net gần nhà. Tôi từng một lần bước chân vào đó. Mùi mồ hôi, mùi khói thuốc ngay lập tức khiến tôi ngộp thở, và chỉ muốn gọi con về ăn cơm cho nhanh để được bước ra ngoài hít thở không khí trong lành. Làm cách nào mà một đứa trẻ có thể ngồi ngoài đó mấy tiếng đồng hồ mà vẫn dán mắt vào màn hình máy tính chơi điện tử được? Đó là câu hỏi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa có lời giải đáp.

Ấy là chưa kể những thành phần có mặt ngoài đó, có những cậu bé cũng trạc tuổi con tôi, nhưng đầu xanh đầu đỏ, mở mồm là văng tục giống như đó là một món “trang sức” cần có của thanh niên thời đại mới bên cạnh những món quần áo thời thượng nhưng trông không khác gì mấy cậu ma cà bông ngày xưa hồi thanh niên chúng tôi hay chỉ trỏ trêu đùa chăng? Thậm chí một số còn có cả hình xăm trên người nữa. Tôi không đánh giá người có hình xăm. Nhưng ở cái tuổi nổi loạn, chỉ muốn khẳng định bản thân, thì việc dám đi xăm, cùng với việc dám làm nhiều điều khác người ta không nghĩ tới đôi khi lại rất gần nhau.

Và tôi, trong nhiều lúc lo lắng hồ nghi, đã cấm con trai mình ra quán net chơi game, ngay cả khi đi cùng bạn bè. Tôi không muốn nó chểnh mảng học tập là một, và lý do thứ hai chính là do quán net kia. Người chủ quán không có lỗi, tôi biết điều đó, vì dù sao đó cũng chỉ là cần câu cơm của họ mà thôi. Thứ tôi lo sợ là con tôi sẽ giao du với đám bạn xấu, và thậm chí còn lo hơn nữa nếu nó lỡ va chạm với chúng ngoài quán net.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Con trai tôi từng kể về việc chơi game kiếm ra bao nhiêu tiền. Các bạn trẻ chơi giỏi ra sao thì tôi không biết, nhưng tôi có thể chắc chắn một điều như đinh đóng cột, rằng con tôi sẽ chẳng thể nào làm được “game thủ” kiếm ra tiền đâu. Đối với nó, đam mê game là một chuyện, nhưng định hướng nghiêm túc biến nó trở thành một nghề vẫn còn là một chặng đường dài và rất mông lung. Và cho tới lúc đó, thì tôi vẫn mong con mình học hành cho thật tốt trên trường trên lớp trước đã."