Trong suy nghĩ của nhiều người, điều hành hay mở quán game là một công việc vô cùng nhàn hạ, đơn giản, không tốn nhiều công sức và chỉ phải đầu tư lớn lúc đầu rồi 'ngồi mát ăn bát vàng' chờ đợi các khách hàng đến nạp tiền, từ đó thu lợi nhuận qua ngày.
Thế nhưng, trên thực tế đây lại là công việc kinh doanh hết sức vất vả và đòi hỏi các chủ quán game phải bỏ rất nhiều công sức cũng như tâm huyết, chứ không phải cứ bỏ tiền đầu tư lớn là sẽ chắc chắn thành công.
Các chủ quán game thường phải đối mặt với những vô vàn những khó khăn, chông gai khi làm nghề. Gần đây một 'ông chủ' đã phải tuyên bố bỏ nghề, làm việc khác vì không thể chịu nổi những thách thức ngày một tăng lên đối với công việc của mình, đồng thời để lại những dòng tâm sự đầy buồn thảm.
Tâm sự buồn của một chủ quán game lâu năm muốn bỏ nghề.
Theo đó, ông chủ quán game này đã có tới 12 năm kinh nghiệm hành nghề, kinh doanh từ điện tử 4 nút (NET) tới PlayStaytion 1, 2 rồi game PC, online... nhưng cũng không thể trụ nổi nữa bởi tính cạnh tranh ngày một tăng trong khi lượng khách hàng không còn "dồi dào" như trước cộng với rất nhiều sự "ức chế" trong công việc:
"Kinh doanh ngành này từ thời điện tử 4 nút chơi contra... lên ps 1 + ps 2 + net đến giờ này, bao nhiêu lần cạnh tranh đua cấu hình, lúc thì main 945, chip 3.0; ram 1GB, không VGA mà đuổi chẳng hết khách, mấy năm kinh doanh phát đạt. Rồi cạnh tranh, bao lần lên đời, lần gần đây nhất thì lên i3 + LCD 23.6'' + GT730, 4GB, giờ họ cũng lên như mình và lên cả i5 + gtx650...
Nhưng giờ cảm thấy mệt mỏi, vì không còn dễ làm ăn kinh doanh như trước nữa. Quán ngày càng vắng, chán nản, đang muốn đầu tư mở điện tử điện lạnh, bán ti vi, tủ lạnh, máy giặt... làm nhỏ thôi, có vẻ dễ kiếm tiền hơn quán game..." - Tâm sự buồn, muốn bỏ nghề của một ông chủ quán game vì không còn kiếm được thu nhập lớn nữa.
Ngày nay quán game phải đầu tư nhiều mà lợi nhuận chẳng được bao nhiêu.
Bên cạnh đó, chủ quán game này còn có vô số "ức chế" khi ngồi trông quán vì gặp phải những tình trạng trớ trêu bởi khách hàng đến chơi và rất nhiều "nỗi niềm" chỉ người trong cuộc mới hiểu, đơn cử như bị quịt tiền, chửi láo hay bị mọi người ghét bỏ:
"Coi quán game như ngồi tù, đi đâu cũng không đi được, đóng cửa thì tiếc tiền, lúc ế thì sợ đóng cửa, nhỡ khách đến thì mình không có tiền. Cũng không có thời gian đi chơi với vợ con hay nhậu với bạn bè... Lúc huy hoàng thì chẳng nói làm gì, nhưng những lúc thế này, nhìn tiền trăm triệu đổ vào đầu từ, rồi ngày thu một hai trăm ngàn mà đau lắm...
Mình bằng tuổi bố chúng nó, mà chúng nó gọi anh, nhiều đứa học sinh lớp 3 lớp 4, cũng gọi anh, trong khi mình 38 tuổi rồi. Thậm chí nó gọi điện cho nhau, còn nói trống không, gọi thẳng tên mình như bằng vai phải lứa.
Khách vào chơi, ít khi chúng nó chào, thường như nhà ko có chủ, vào bật máy, ngồi chơi, chả thèm nói gì, nhiều lúc chỉ muốn ra đuổi hết chúng nó về. Đôi khi còn có đầu gấu vào toàn nợ tiền, cứ gọi mỳ tôm nước ngọt... đứng dậy, anh ơi, chiều em qua trả, rồi biệt tích luôn nhưng mình cũng chẳng dám làm gì, sợ chúng nó lại quăng gạch, phá quán lúc 12h đêm thì sao...
Làm quán game thì hàng xóm ghét lăm, họ chả ưa gì đâu, nhưng họ ko nói ra thôi. Nhất là những người có con chơi tại quán...".
Phải nói rằng làm nghề gì cũng có khó khăn thách thức, qua những lời tâm sự này chúng ta có thể hiểu thêm về tâm sự của những người "làm dâu trăm họ" tại các quán game mình thường lui tới và bớt những lời chửi láo tới người trông quán.
>> Nỗi khổ không phải ai cũng biết của các chủ quán game