Tại sao game online đè bẹp eSport ở Việt Nam

PV  | 19/06/2012 0:00 AM

Kể từ trước năm 2005, hầu như game thủ Việt vẫn chưa có khái niệm về game online và khi đó, hầu như mọi người chỉ biết tới những tựa game eSport như AoE, StarCraft: Brood War, Counter-Strike, WarCraft III: Melee hay DDay. Thế nhưng...

Kể từ trước năm 2005, hầu như game thủ Việt vẫn chưa có khái niệm về game online và khi đó, hầu như mọi người chỉ biết tới những tựa game eSport như AoE, StarCraft: Brood War, Counter-Strike, WarCraft III: Melee hay DDay. Tuy nhiên, sau khi những tựa game online huyền thoại được về nước là Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunbound và MU, ngay lập tức, cục diện của làng game Việt đã thay đổi tới chóng mặt, khi mà những trò chơi trực tuyến ảo nhanh chóng phủ sóng khắp mọi cửa tiệm Internet và có lẽ, việc Việt Nam có tốc độ phủ sóng Internet tới các hộ gia đình thuộc hàng top trên thế giới cũng không thiếu công sức của những tựa game online này.
 
Cho tới nay, sau gần 10 năm kể từ ngày xuất hiện ở Việt Nam, MMOG (Massively Multiplayer Online Game) đã trở thành thể loại game được ưa chuộng và phổ biến nhất mảnh đất hình chữ S, hoàn toàn loại bỏ vị trí độc tôn mà những tựa game eSport đã từng nắm giữ trước đó. Và tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của việc này.
 
Những tựa game eSport không còn sức hút
 
Nếu nói rằng nguyên nhân của việc này là do những tựa game eSport không còn sức hút thì không hoàn toàn đúng. Các game eSport mới, phổ biến ở Việt Nam hiện nay như DotA, HoN hay LoL đều là những trò chơi được ưa thích trên thế giới. Lối chơi của những game eSport này được hàng chục triệu người yêu thích và hâm mộ. Không chỉ có vậy, việc các giải đấu với mức giải thưởng lên đến vài chục ngàn USD được tổ chức thường xuyên đã cho thấy sự quan tâm của công chúng cũng như những nhà tài trợ, giới truyền thông tới chúng. Tuy nhiên, đó là trên thế giới, còn ở Việt Nam thì lại không được như vậy.
 
DotA - Tựa game eSport được yêu thích nhất Việt Nam hiện nay.
 
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các tựa game eSport mất đi vị thế độc tôn ở Việt Nam chính là việc chúng không có được một tổ chức nào dẫn dắt và phát triển. Nếu như trước đây, eSport.vn từng là một đơn vị chuyên tổ chức những giải đấu để phát triển cộng đồng thì sau khi công ty này bị giải thể, làng eSport Việt trở thành một mảnh đất hoang không ai chịu chăm sóc, và theo thời gian, nó dần bị lãng quên và trở nên cằn cỗi.
 
Cộng đồng không được phát triển
 
Cần phải biết rằng, đối với bất kì tựa game nào thì nếu muốn phát triển thì việc chăm sóc, vun vén và phát triển cộng đồng là điều quan trọng nhất. Đối với eSport, để phát triển cộng đồng thì các giải đấu cần phải được tổ chức thường xuyên để hâm nóng bầu nhiệt huyết, bên cạnh đó, các clan, gaming cần phải được duy trì và hoạt động ổn định để giúp đỡ, khuyến khích những newbie mới đến với trò chơi. Thế nhưng, như đã nói ở trên, sau khi eSport.vn ngừng hoạt động thì các giải đấu dần mất đi ở Việt Nam và thậm chí, cho tới nay, World Cyber Games - Giải đấu eSport lớn nhất trong năm của Việt Nam cũng đã không còn tập trung vào thể loại game này.
 
Các giải đấu eSport Việt ngày càng ít dần.
 
Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rằng eSport là những game có lối chơi rất khó. Để có thể chơi tốt hay giành chiến thắng, bạn cần phải tập luyện và không ngừng động não để tìm tòi, nâng cao trình độ của mình. Không chỉ có vậy, ở những game đồng đội, người chơi còn phải tìm cho mình đủ một team (thường là 5 người) thì mới có thể phát huy đầy đủ sức mạnh trong game và tất nhiên, không phải ai cũng có đủ thời gian và nỗ lực để hoàn thiện tốt điều này. Bên cạnh đó, việc giúp đỡ, hỗ trợ các newbie mới để giúp họ tập tành, chơi tốt hơn trong thời gian đầu gần như không tồn tại ở Việt Nam, và khi này, việc cộng đồng eSport ngày càng thu hẹp cũng không phải là điều quá khó hiểu.
 
Game online chơi hay hơn eSport
 
Có thể đúng, có thể sai, mỗi người sẽ có một cảm nhận nhưng chắc chắn, về mặt kết nối cộng đồng thì game online rõ ràng bỏ xa eSport và đây cũng chính là yếu tố chính giúp thể loại game này được ưa chuộng nhất Việt Nam. Khác với eSport, game online luôn có NPH nâng niu, chăm sóc và phát triển nó. Các sự kiện, event cả trong lẫn ngoài game liên tục được cập nhật để hâm nóng cộng đồng trong khi đó, những phiên bản Update cũng thường xuyên được cập nhật để tạo thêm hứng thú đối với game thủ. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi càng chăm sóc tốt khách hàng, các NPH càng có cơ hội thu được nhiều lợi nhuận trong khi điều này lại không xảy ra ở những tựa game eSport, khi mà những tựa game này không thể giúp cho đơn vị bảo trợ cho nó kiếm ra "tiền" để nuôi sống họ.
 
 
Yếu tố tiếp theo giúp game online "thắng thế" đối với eSport chính là lối chơi đơn giản. Trong khi eSport gần như chỉ phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên thì các game online lại có thể được chơi và ưa chuộng bởi bất cứ lứa tuổi nào, từ trẻ đến già. Lối chơi đơn giản, không đòi hỏi sự luyện tập liền mạch hay tư duy chiến thuật đã giúp cho game thủ dễ tiếp cận hơn. Khi này, họ có thể giải trí một cách dễ dàng, thoải mái thông qua game online và hơn thế nữa, càng cày game nhiều, nhân vật của họ càng mạnh với chỉ số level cao, item khủng... Cứ như vậy, người chơi có thể liên tục bị cuốn vào thế giới ảo trong game online chứ không nhanh buồn, chóng chán như eSport.