Trong khoảng 2 năm trở lại đây, cụm từ "game thuần Việt" đã trở nên hết sức quen thuộc với giới trẻ nước nhà. Điều này một phần là nhờ số lượng các dự án được công bố (tính cả game đã ra mắt hoặc bặt vô âm tín) khá lớn và dồn dập nhau, nhất là trong năm 2011 với sự xuất hiện của một loạt cái tên đình đám (SQUAD, G3, 7554...)
Thế nhưng nếu theo dõi thị trường game nội địa từ đầu năm 2012 trở lại đây, ai cũng dễ dàng nhận ra sự vắng bóng bất thường của các dự án game made in Việt Nam. Tính ra sau gần 4 tháng (tức 1/3 năm), mới chỉ có đúng một cái tên Chinh Phục Vũ Môn xuất hiện, nhưng ngay cả MMO này cũng chưa để lại bất kỳ ấn tượng gì sâu sắc.
Game thuần Việt đang vắng bóng bất thường.
Sợ rồi sao?
Đây là giả thuyết có căn cứ khi hầu hết các game thuần Việt từng ra mắt cho đến lúc này đều chưa có được thành công (cả về doanh thu lẫn danh tiếng) nếu so sánh với sản phẩm ngoại nhập. Nói một cách chính xác thì chỉ có đúng Thuận Thiên Kiếm của VNG là MMO thuần Việt duy nhất tạo dựng được chỗ đứng, thế nhưng nó nhanh chóng trôi vào dĩ vãng vì quá lạc hậu về đồ họa.
Một số dự án đình đám như SQUAD (VTC), project S (VNG), B-kool (FPT)... vẫn chỉ dừng lại ở mức độ "đang phát triển". Bi kịch nhất là SQUAD khi mặc dù là game thuần Việt nhưng nó chỉ dám thử nghiệm tại quê hương chứ không thể mở cửa chính thức, theo nguồn tin từ NSX thì sắp tới nó sẽ cập bến 10 quốc gia Châu Âu và Mỹ la tinh, bất chấp niềm mong mỏi từ phía game thủ Việt.
SQUAD không thể phát hành tại quê hương là nghịch lý đáng buồn.
Đau xót hơn cả là trường hợp của 7554 - Điện Biên Phủ khi nó gặp phải sự lạnh nhạt của cộng đồng khi bán ra. Tính sơ sơ Việt Nam có tới vài triệu game thủ, thế nhưng game offline lịch sử đầu tiên này chỉ bán được trên dưới 4000 bản, chưa kể nó còn bị săn lùng crack trên mạng. Sau đó Emobi Games phải tìm tới các thị trường ngoại, tình hình có khả quan hơn nhưng rõ ràng vẫn là sự thất bại về mặt doanh thu của họ.
Thực ra, không phải chỉ mỗi 7554 thất bại về doanh thu, hàng loạt cái tên khác cũng nhận được sự thờ ơ từ thị trường nội địa như The King (của Music King) hay Xpet, Ping Online, Jay Online (của JAY Game)... Có lẽ chăng chỉ có vài game trên nền mạng xã hội là thành công tương đối như trường hợp Ủn ỉn và Khu Vườn Trên Mây.
Game thuần Việt đã và đang nhận được sự thờ ơ quá lớn từ cộng đồng.
Có điểm lại như thế, chúng ta mới thấy được rằng ngành game dev tại Việt Nam còn quá mong manh và dễ vỡ, khả năng giành được sự chú ý từ phía cộng đồng đã là khó chứ chưa nói đến có được lợi nhuận từ doanh thu. Nếu các NSX đang nản chí hoặc các nhà đầu tư cảm thấy e ngại thì cũng là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Chúng ta cần thời gian
Nhiều điều bất cập và khó khăn như vậy, nhưng cũng cần phải biết rằng ngành phát triển game nội địa còn quá thiếu cái "gốc" nên gặp thất bại ban đầu là điều không thể tránh khỏi. Nói về khía cạnh giáo dục, Việt Nam cách đây 1, 2 năm gần như chưa có bất kỳ trường lớp nào đào tạo nghề này, hầu hết thế hệ gamedev đầu tiên đều là "dân tay ngang".
Thậm chí cho đến tận hiện tại, các studio sản xuất game với quy mô lớn như VTC Studio, VSS.. vẫn còn vừa làm vừa học, mày mò thêm và tích lũy kinh nghiệm là chính. Ngay cả các hãng game cũng xác định phần nào rằng họ chịu lỗ ban đầu để xây dựng đội ngũ vững chắc đã, sau đó mới tính đến chuyện tung ra các dự án lớn thực sự.
Các studio còn trong giai đoạn tích lũy kinh nghiệm.
Thêm vào đó, một phần dẫn đến những thất bại bên trên là vì cách nhìn nhận thị trường của các studio còn tương đối lệch lạc, họ không biết rằng chất lượng game ở tầm quốc tế đã ở mức rất cao, trong khi công nghệ mình sự dụng lại thấp. Nói cho cùng thì ngoài 7554 và SQUAD ra, tất cả các MMO thuần Việt hiện tại đều có đồ họa dưới ngưỡng đạt yêu cầu.
Tất cả những thiếu sót trên đều tới từ việc chúng ta phát triển quá "nóng" trong thời gian ngắn. Ngành phát triển trò chơi có sự phức tạp và khó khăn không kém bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, vì thế phải có thời gian tích lũy thì mới thành công. Và thời gian "im ắng" vừa qua rất có thể là lúc để tất cả cùng nhìn lại chính mình.
Bất kỳ công việc gì mới cũng khó khăn, làm game cũng thế, ban đầu có thể chưa thuyết phục nhưng nếu biết rút kinh nghiệm thì sẽ thành công. Sự thật là cách đây khoảng 6, 7 năm Trung Quốc cũng như chúng ta, bị MMO Hàn Quốc lấn sân quá nhiều (chiếm tới 80% thị trường), nếu họ cũng khoanh tay đứng yên thì giờ đây chắc chắn không thể trở thành một trong các cường quốc game online Châu Á.
Ngành phát triển game Việt cần tồn tại vì sự tự tôn dân tộc.
Ít nhất thì phía Emobi Games cũng vừa thông báo trong 2 tuần tới họ sẽ công bố dự án game online mới của mình, phía VTC Studio cũng đang gấp rút hoàn thiện MMO đề tài robot... đó là tín hiệu cho thấy cộng đồng game dev nước nhà còn cháy âm ỉ và chờ thời bùng lên.
Hy vọng rằng chặng đường khó khăn đầu tiên sẽ sớm giúp chúng ta tìm thấy con đường đúng đắn cho mình. Việt Nam không thiếu những nhân tài trong nghề phát triển game, chỉ có điều chưa khai thác được nguồn nhân lực ấy mà thôi. Vì thế chẳng có lý do gì mà chúng ta phải từ bỏ ước mơ được đưa nền văn hóa nghìn năm vào thế giới trực tuyến để đưa đến bạn bè năm châu. Nghe qua điều ấy có vẻ xa vời nhưng dân tộc Việt đã vượt qua được nhiều thử thách còn cao hơn thế trăm lần.