Số phận bi thảm của trò ăn theo trong làng game Việt

Nghi Lâm  | 23/07/2011 12:02 AM

Tất cả diễn ra theo cùng một kịch bản, liệu điều này có tiếp tục xảy đến với Kiếm Thế Web của VNG?

Như đã biết, cách đây vài ngày đại diện VNG đã lên tiếng khẳng định hãng sắp ra mắt MMO mới với tên "dự kiến" là "Kiếm Thế web" (nói là dự kiến vì cho tới lúc này vẫn chưa có thông tin chính thức về tên thuần Việt thật của nó). Đây sẽ là webgame RPG đầu tiên của NPH lớn nhất miền Nam sau khi để nhiều doanh nghiệp nhỏ tranh giành thị phần thời gian qua.
 

Kiếm Thế web - Canh bạc tiếp theo của VNG trong lĩnh vực webgame RPG.
 
Hiện tại, có tới 99% khả năng "Kiếm Thế web" của VNG sẽ sử dụng tên tuổi của đàn anh Kiếm Thế đi trước để tự đánh bóng mình trong giai đoạn quảng bá, còn thực chất tên game gốc không phải như vậy. Tuy nhiên cách làm này có thực sự hiệu quả hay không thì vẫn cần thời gian trả lời, bởi vì trong quá khứ, những trò chơi tương tự đều thất bại thảm hại.
 
Võ Lâm web
 
Đóng cửa sau Tung Hoàng Thiên Hạ chừng 2 tháng, Võ Lâm web là webgame thứ 2 của VNG phải chịu thất bại cay đắng. Khá nhiều gamer phải tự hỏi rằng với tầm vóc một NPH lớn nhất miền Nam nhưng hãng lại mang về 2 webgame quá thua sút so với các đối thủ khác như vậy (đặc biệt là Linh Vương).
 
 
Gây chú ý chủ yếu nhờ cái tên dính dáng tới VLTK, Võ Lâm web ngay từ khi mới ra đời đã gây thất vọng vì chỉ là một webgame bình thường và không có gì đột phá, lại càng chênh lệch nếu so sánh với đối thủ Linh Vương phía VTC Game. Có chăng, nó chỉ có nhiều người chơi giai đoạn đầu vì chiến dịch quảng bá lấy hình bóng đàn anh quá nổi tiếng làm lá chắn.
 
Thực chất, Võ Lâm web chẳng có chút gì dính dáng với VLTK vì chúng là 2 tựa game khác nhau hoàn toàn từ cốt truyện tới gameplay. Gamer sau vài phút trải nghiệm là hụt hẫng và bỏ đi ngay.
 
Tiểu Đột Kích
 
Cũng giống như VNG với VLTK, VTC đạt được thành công vang dội với Đột Kích đến nỗi nó không có đối thủ trong làng MMOFPS. Có lẽ vì thế mà hãng chọn tên "Tiểu Đột Kích" cho tựa game TPS hồi đầu năm 2010, thậm chí trò chơi còn được kỳ vọng thành công đến nỗi cả VTC Game và VTCz-one cùng xắn tay áo hợp tác phát hành.
 
 
Thế nhưng kế hoạch trên phá sản hoàn toàn vì Tiểu Đột Kích không ăn khách bằng một phần... 10 đàn anh của nó. Mọi chuyện bi đát đến nỗi NPH đột ngột tạm ngừng vận hành 5 tháng và rồi chẳng hẹn ngày trở lại sau khi các game bắn súng bị thanh lọc hoàn toàn tại Việt Nam.
 
Thất bại này có thể lý giải là vì Tiểu Đột Kích không có được gameplay theo kiểu "for fun" như Đột Kích. Hơn nữa, những thiếu sót trong khâu phát hành như chậm update, lỗi nhiều cũng khiến nó khó trụ lâu.
 
Audition English
 
Lại là một sản phẩm của VTC Game với danh xưng gần gũi với "bà đầm già" Audition quá sức thành công của hãng, Audition English kể từ khi ra đời đến nay gần như mất tăm tích trong làng MMO nước nhà, bất chấp việc ban đầu hãng quảng bá khá mạnh mẽ và cũng dự tính nhiều kế hoạch lớn như mang vào giảng dạy trong trường học...
 
 
Sự ảm đạm của Audition English đã được báo trước vì trò chơi này quá thiên về giáo dục và sẽ chẳng mấy game thủ chơi được nó ngoài quán net. Hiện tại có lẽ không ít người phải ngớ người khi biết rằng tựa game này còn vận hành trong khi hàng loạt MMO khác đóng cửa trong 1 năm rưỡi gần đây.
 
Tuy nhiên, thực tế thì có lẽ VTC Game ngay từ đầu đã không mấy hy vọng vào Audition English, nếu không có danh xưng liên quan tới Audition thì có lẽ nó còn thất bại thảm hại hơn rồi.
 
... và những chiêu ăn theo khác
 
Ngoài những ví dụ điển hình bên trên, làng game Việt những năm qua cũng chứng kiến không ít chiêu quảng bá theo kiểu "ăn theo" các trò chơi nổi tiếng. Đơn cử như Thần Long Huyết Kiếm từng sử dụng sự kiện "Cửu" để làm cộng đồng phát sốt phát rét vì tưởng sắp được chơi Cửu Âm Chân Kinh, hay Tinh Võ  thường xuyên quảng bá với khẩu hiệu "kế thừa Street Fighter"...
 
 
Chưa hết, chắc hẳn nhiều người còn nhớ Asiasoft đã từng "cắt" Thiên Tử ra thành nhiều trang teaser như Tôn Ngộ Không, Anh Hùng Xạ Điêu... với mục tiêu đánh bóng tên tuổi, từ đó tạo nên trào lưu sử dụng teaser bí ẩn để thu hút người xem. Thế nhưng rốt cuộc số phận các MMO này ra sao thì ai cũng đã rõ, chẳng cái tên nào thành công cả.
 
Vậy còn Kiếm Thế web?
 
Với tiền lệ chẳng mấy tốt đẹp như trên, Kiếm Thế web đang đứng trước trách nhiệm tương đối nặng nề là phá vỡ quy luật cũ. Trên thực tế đây chắc chắn sẽ là một webgame RPG với đề tài kiếm hiệp - Món ăn không biết chán của gamer Việt Nam, vì thế cơ hội thành công của nó không phải là không có.
 
 
Thế nhưng việc chọn tên gọi "ăn theo" một sản phẩm thành công đi trước luôn là sự lựa chọn nguy hiểm, đơn giản vì người nghe dễ có suy nghĩ quá kỳ vọng, họ nhanh chóng so sánh MMO mới với MMO cũ và cảm thấy chán nản khi không giống nhau như mong đợi. Âu đó cũng là con dao hai lưỡi trong truyền thông.