Ở thời điểm hiện tại,
game online đã trở thành một trong những thứ không thể thiếu đối với cộng đồng
game thủ Việt nói riêng cũng như làng game toàn cầu nói chung. Khi những tựa game trực tuyến ngày càng có chất lượng gameplay cũng như đồ họa cao hơn, cũng như sự phát triển của internet ngày một sâu rộng, từ những thiết bị để bàn như máy tính đến cả các thiết bị di động như smartphone hay tablet, thì sự phát triển của game online ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Tuy nhiên trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng GameK thử nhìn nhận lại, nếu như không có game online, làng game thế giới cũng như Việt Nam giờ sẽ ra sao. Thiếu một thứ gì đó định hình làng game là điều chắc chắn, nhưng liệu thiếu game online, đời sống
game thủ có nhàm chán?
Không có những trận thư hùng hoành tráng
Hãy cùng công nhận với nhau một điều, PvP là một trong những thứ tinh túy nhất mà game online từng tạo ra. Nó cho phép các game thủ ở cách xa nhau hàng vạn dặm có thể so tài phân tranh cao thấp. Dĩ nhiên, nhờ có PvP, chúng ta mới biết được nhu cầu đối đầu với những game thủ khác của con người chơi game online lớn tới đâu, vì không thiếu những MMO chỉ dành cho những game thủ so tài với nhau.
Nếu game online không tồn tại, thì những trận thư hùng sẽ chỉ diễn ra tại những LAN party lớn, giống như những giải đấu DotA hay CS 1.6 đầu tiên, trước khi mạng internet đem lại điều kỳ diệu cho làng game. Game thủ sẽ phải chờ đón những giải đấu offline để được chiêm ngưỡng thần tượng của mình “tỏa sáng”, chứ không như giờ đây, khi những giải đấu xuất hiện hàng loạt với cơ chế tham dự kiểu online tiện lợi (nhưng cũng nhiều bất cập không kém offline).
Party game tại gia lên ngôi
Thuở bé, chắc chắn những lần thưởng thức game tại các quán game điện tử băng hay PlayStation 1 luôn là những ký ức không thể phai nhòa trong ký ức của game thủ Việt chúng ta. Những người bạn thân giành nhau chiếc tay cầm khi đến lượt hoặc một người trong game vừa mất một mạng, hay những tràng cười sảng khoái khi có những tình huống kỳ quặc trong game.
Giờ đây, khi game online lên ngôi, đa số game thủ đều lựa chọn cách “tự kỷ” một mình để nhìn vào màn hình máy tính, vừa chat với bạn bè trong game, vừa điều khiển nhân vật. Đành rằng tương tác giữa người với người vẫn còn, nhưng chúng đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực cho mỗi người chơi.
Chính vì lẽ đó, nếu game online chưa từng được phát minh, thì những bữa tiệc chơi game tại gia của game thủ sẽ được dịp lên ngôi. Những cuộc chơi như vậy chẳng bao giờ trở nên nhàm chán, đặc biệt là khi bạn thưởng thức game cùng bạn bè thân thiết.
Chẳng có cả… internet
Game online là sản phẩm của kỷ nguyên internet, điều này là không cần bàn cãi. Ngay từ khi những cái tên đầu tiên như Runescape hay EVE Online ra mắt vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, nhiều chuyên gia trong ngành game đã đưa ra dự đoán rằng, internet sẽ ngày càng phổ biến sâu rộng, và việc chuyển dịch xu hướng game sang online sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Họ đã đúng. Ngay cả những game bom tấn đình đám giờ đây cũng buộc phải đi theo xu hướng này. Một trong những lý do chủ yếu chính là vì nhu cầu được kết nối, được so tài và được tương tác với những game thủ khác thông qua game online, với sự hỗ trợ tuyệt đối của mạng toàn cầu.
Nếu game online không tồn tại, bạn có thể chắc chắn một điều rằng, ngay cả mạng internet cũng sẽ chẳng thể nào phổ biến. Kết nối toàn cầu này sẽ chỉ như một công cụ dành riêng cho nhu cầu chuyên biệt như quân sự hay kinh tế. Cũng sẽ chẳng có những hình thức giải trí qua mạng như nghe nhạc, xem video… Khi đó, làng game sẽ chỉ có những tựa game offline, và cách duy nhất để game thủ chia sẻ những khoảnh khắc đẹp với nhau chính là những party tại gia được mô tả ở trên đây.
Làng game sẽ vô cùng tù túng
Chốt lại, nếu game online không tồn tại, kéo theo những hệ quả cũng như lý do trên đây như internet không có, hoặc PvP không được ra đời, thì những tựa game sẽ chỉ xoay quanh những câu chuyện cụ thể với mục chơi đơn sẽ dần trở nên nhàm chán nếu các nhà phát triển game không biết cách khai thác sản phẩm của mình.
Dĩ nhiên ở một khía cạnh tích cực, thì game online không tồn tại sẽ khiến game thủ tương tác trực tiếp với nhau nhiều hơn, nhưng làng game cũng sẽ khó lòng có thể phát triển được như ngày hôm nay, khi internet trở thành một trong những công cụ quảng bá cho giải trí tương tác mạnh chưa từng thấy.
Thật may mắn cho chúng ta, nhờ có những thành tựu của công nghệ, chúng ta đang được sống giữa một làng game đầy màu sắc và đầy những lựa chọn.