Như đã phân tích
trong một bài viết trước, càng ngày phong trào tẩy chay game online tới từ Trung Quốc càng mạnh hơn trong cộng đồng tín đồ ảo Việt Nam. Một trong những lý do cốt yếu dẫn đến tình trạng ấy là vì chất lượng các sản phẩm nhập về nước quá thấp hoặc chỉ dừng lại ở mức trung bình. Ngoài ra cũng bởi tâm lý không ưa hàng "Tàu" sẵn có trong mỗi người.
Tuy nhiên để có thể thoát khỏi sự kiểm soát của game online Trung Quốc vẫn là điều quá khó, nếu không muốn nói là bất khả thi với thị trường trò chơi Việt Nam. Hãy cùng phân tích một số nguyên nhân dẫn tới sự thật phũ phàng này.
Game Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh 80% thị phần MMO Việt Nam.
Sự gần gũi về văn hóa
Có lẽ đây là nguyên nhân dễ nhận ra nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc các MMO Trung Quốc dễ được lòng người chơi Việt Nam. Sự phổ biến của văn hóa phương Bắc trong xã hội nước ta chắc chắn không thể phủ nhận, thậm chí nhiều người còn nói đùa rằng giới trẻ ngày nay biết sử Trung Quốc hơn cả sử Việt.
Các bộ phim kiếm hiệp (hoặc kể cả các thể loại khác như dã sử) được trình chiếu hằng ngày trên truyền hình với số lượng quá nhiều đóng góp phần lớn vào hậu quả trên. Chỉ cần nghe thấy những cụm từ như "võ hiệp", "tam quốc", "thiếu lâm", "võ đang"... là giới trẻ Việt đã cảm thấy rạo rực trong người.
Không phải ngẫu nhiên mà gamer Việt chỉ thích MMO Trung Quốc.
Đây là điều không thể tránh khỏi vì nó gắn liền với lịch sử quốc gia, nếu bảo rằng người Việt không còn quan tâm tới văn hóa Trung Quốc thì còn khó hơn... lên trời. Game cũng vậy, chỉ có thể bảo game thủ ngừng chơi game Tàu nếu họ không còn ham thích các mẩu truyện kiếm hiệp hoặc lịch sử, mà điều đó dĩ nhiên là bất khả thi.
Các NPH không dám và cũng không thể mạo hiểm
Dễ dàng nhận thấy việc MMO Trung Quốc về Việt Nam nhiều là do các NPH chỉ chăm chăm chọn loại mặt hàng này. Nguyên nhân dẫn đến điều ấy là vì chúng dễ ăn khách và cũng có doanh thu cao, nhưng trên thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Thứ nhất, thông thường với các NPH cỡ nhỏ hoặc ít tiếng tăm thì việc giao dịch với đối tác Hàn Quốc hoặc phương Tây khá khó khăn. Một số NPH còn tâm sự rằng họ gần như không có cơ hội mua game từ Hàn Quốc vì NSX tại đó rất khó tính, họ phải chắc chắn đối tác của mình làm ăn tốt thì mới gửi gắm "con cưng".
Đối tác tới từ xứ Gấu trúc bao giờ cũng "dễ làm ăn" hơn.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại khác, họ tương đối dễ tính trong vấn đề trên và sẵn sàng làm việc với cả những NPH không tên tuổi hoặc mới thành lập, miễn là "thuận mua vừa bán". Điều đó giải thích vì sao số lượng game Hàn, Nhật về Việt Nam thì ít mà Trung Quốc thì nhiều.
Thứ hai, với các NPH lớn thì mối quan hệ khăng khít của họ với các đối tác Trung Quốc lại khiến quá trình đàm phán dễ hơn. Ngay cả hợp đồng "ăn chia" cũng nhẹ nhàng hơn (thí dụ VNG với đối tác KingSoft chẳng hạn). Vì thế họ chẳng dại gì bỏ qua "người thân" để chơi với "kẻ lạ mặt" chưa biết tính cách ra sao.
Game nội còn chập chững
Game thuần Việt là một trong những niềm hy vọng sẽ chiếm lĩnh thị phần của game Trung Quốc trong tương lai, chúng ta đã từng chứng kiến chính Trung Quốc đánh bật các đối thủ Hàn khỏi quốc gia mình như thế nào. Vì thế nhiều người cũng hy vọng Việt Nam sẽ lặp lại được kỳ tích ấy.
Game thuần Việt còn quá non cơ trước đối thủ "Tàu".
Nhưng sự thật là hy vọng ấy quá mong manh, các sản phẩm "made in Việt Nam" lúc này còn chập chững, lại chưa có được bản sắc riêng. Ngay cả các NSX cũng bí bách trong khâu tìm đề tài hấp dẫn người chơi nội địa. Sự gần gũi về mặt văn hóa khiến đề tài văn hóa thuần Việt không gây được mấy thiện cảm hơn so với văn hóa Trung Quốc.
Thời gian qua chứng kiến hàng loạt dự án được đầu tư bài bản như SQUAD, G3, Jay Online, The King... nhưng xét về bản chất chúng vẫn có gì đó học tập theo những MMO ngoại quá nhiều, ngay cả SQUAD còn chấp nhận thay đổi góc nhìn súng kiểu Đột Kích thì đủ hiểu rằng các NSX chưa dám tạo nên sự độc đáo riêng.
Các game phương Tây và Hàn Quốc, Nhật Bản đã không cạnh tranh được với game "Tàu" thì dĩ nhiên mọi sự trông đợi chỉ còn dồn vào game thuần Việt. Có điều như phân tích bên trên thì cũng đủ hiểu chặng đường "tẩy chay" nan giải đến thế nào.
Không có quy chế bảo hộ
Một nguyên nhân nữa tuy không quá quan trọng nhưng cũng khiến khả năng loại bỏ game Trung Quốc khó hơn, đó chính là chúng ta chưa có một chế tài nào với mục đích thắt chặt nhập khẩu các sản phẩm tới từ quốc gia này. Nên biết rằng Trung Quốc chiếm lĩnh được thị trường nước họ là nhờ chính phủ quyết tâm "bế quan tỏa cảng".
Khó có được cơ chế siết chặt nhập game tại Việt Nam lúc này.
Ngay như các MMO nổi tiếng tầm cỡ World of WarCraft tuy miễn cưỡng được phép phát hành tại xứ Gấu trúc, thế nhưng bù lại nó bị cắt bỏ hàng loạt yếu tố đến mức tàn tạ, các bản cập nhật thì đợi kiểm duyệt cả năm trời. Mục đích việc này chỉ là để hạn chế tối đa người chơi ham thích nó.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, Trung Quốc thực hiện "bế quan tỏa cảng" mà không bị chính gamer nước họ phản đối là vì chất lượng các MMO nội địa đã phần nào ổn định, trong khi đó ở Việt Nam thì khác. Sự khó khăn này dẫn đến cái vòng luẩn quẩn không thoát ra nổi.
Có thực sự phải loại bỏ?
Có thực sự phải nói "Không"?
Với những phân tích bên trên, chắc hẳn mọi người đều hiểu rằng chặng đường tẩy chay game "Tàu" tại Việt Nam là bất khả thi, ít nhất là trong vòng 10 năm nữa. Thế nhưng chúng ta có thực sự phải nói không với dòng sản phẩm này? Câu trả lời xin nhường lại cho bạn đọc tự suy nghĩ.