Phụ huynh đừng lỡ cấm con cái chơi game nếu không muốn hậu quả tai hại

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 05/04/2016 0:00 AM

Khi bị cấm chơi, các em, những đứa trẻ đang sẵn bản tính tò mò sẽ tìm ra mọi cách để được thỏa mãn tình yêu với việc chơi game của chúng

Đã là những bậc làm cha, làm mẹ tại Việt Nam, thì cứ 10 người lại đủ cả 10 đều muốn con em mình học giỏi, chăm chỉ, hoàn thành tốt bài tập trên lớp cũng như đạt được điểm số cao trong các kỳ thi. Và đối với họ, "kẻ thù" lớn nhất của tư tưởng "lấy cái chữ làm đầu" của họ không gì khác hơn chính là game, thứ trò giải trí đối với nhiều cậu bé đang trong độ tuổi đến trường nhưng lại làm sao nhãng việc học tập vì chúng quá cuốn hút và "dễ gây nghiện", nói theo cách của nhiều bậc phụ huynh.

Ở một chừng mực nhất định, những thứ được coi là “định kiến”, đáng buồn thay, lại xuất phát từ chính những tư duy chưa thỏa đáng, hay thậm chí là từ những câu chuyện các bậc phụ huynh truyền tai nhau về những tác hại của game. Ít ai để ý rằng, những tác hại hiển hiện đó lại xuất phát từ chính việc nơi lỏng quản lý con em mình.

Không chỉ game thủ Việt mà cả những game thủ nước ngoài hầu hết cũng phải sống với sự thực, rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc con cái họ ngồi nhà chơi game là lãng phí thời gian trầm trọng. Ngay cả những người có niềm đam mê lớn đối với game nhiều khi bị cho là “Nerd” hay “No life” (không có đời sống xã hội phong phú).

Thế nhưng sự thật, theo những số liệu được điều tra một cách cụ thể lại chứng minh điều ngược lại. Vào tháng 04/2012, trang tin webpronews đã đưa ra một bảng kết quả điều tra, trong đó cho thấy 63% trong số các bậc cha mẹ được hỏi cho rằng game là thứ có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của con cái họ.

Chưa dừng lại ở đó, 66% phụ huynh cho biết họ có chơi game cùng con cái. Theo họ, việc chơi game vừa giúp họ cập nhật những thứ mới lại, vừa cho phép cha mẹ hòa nhập cùng con cái tốt hơn thay vì cấm đoán chúng thưởng thức game.

Cũng cần nói một chút về nói về chủ đề game bạo lực. Nếu như ở phần đầu của bài viết, 83% gamer nhí tại Mỹ phải hỏi ý kiến cha mẹ trước khi mua game, thì tại Việt Nam, con số đó có lẽ chẳng thể thống kê nổi. Với việc game lậu (crack) xuất hiện tràn lan, chỉ cần vài bữa ăn sáng tiết kiệm được, là những cậu bé đã có đủ tiền mua về bất kỳ tựa game nào mà họ muốn.

Hệ quả là, phụ huynh tá hỏa khi thấy con cái mình chơi những tựa game không phù hợp với lứa tuổi, và rồi lại… đổ lỗi cho game, trong khi trách nhiệm quản lý con cái, thứ quan trọng nhất lại bị bỏ quên. Điều tương tự cũng xảy ra với những game online hiện nay. Với số lượng game online miễn phí rất nhiều tại làng game Việt hiện tại, có lẽ chỉ cần vài đồng lẻ, những game thủ nhí đã có thể chơi bất kỳ game nào ngoài tiệm internet, nơi hiếm khi có sự theo dõi của các bậc cha mẹ. Và rồi câu chuyện nạp thẻ hình thành với không ít những hệ lụy xấu có thể xảy tới cho các em cũng như cho gia đình.

Và vì lý do chểnh mảng học hành, cũng như quá ham mê chơi game đến độ trốn học ra quán game, mà nhiều ông bố bà mẹ đã ngăn cấm con em họ chơi game, và thậm chí là có những cách trừng phạt rất nặng nề khi họ phát hiện ra con em mình trốn đi chơi game. Kỳ thực, ở nhiều khía cạnh cả lý thuyết lẫn thực tế, thì việc các em trốn học chơi game cũng xuất phát chính một phần từ việc các bậc phụ huynh cấm con em mình chơi game.

Khi bị cấm chơi, các em, những đứa trẻ đang sẵn bản tính tò mò sẽ tìm ra mọi cách để được thỏa mãn tình yêu game của chúng. Và việc ăn cắp tiền cha mẹ, hay trốn học ra quán chơi game sẽ là điều hiển nhiên nếu thời gian biểu của chúng quá chặt chẽ, vốn là một cách để các bậc làm cha làm mẹ quản lý con em họ. Rắc rối từ đây cũng sẽ nảy sinh.

Không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy tiền để đi chơi game, không phải khi nào cũng có thể bỏ học ra quán. Và các em rất có thể sẽ sa ngã vào những cạm bẫy của xã hội, mà khởi nguồn chính là từ việc các em không được chơi game. Đã có quá nhiều những vụ việc đau lòng liên quan tới game những vì các bậc phụ huynh chưa hiểu đúng, hiểu đủ và tạo ra một môi trường chơi game lành mạnh, an toàn cho các em.

Một điều cần khẳng định, việc học luôn phải được đặt hàng đầu. Thế nhưng bên cạnh đó những giây phút nghỉ ngơi, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể "thưởng" cho con mình vài phút chơi game thoải mái. Họ cũng hoàn toàn có thể coi game như một phần thưởng vào cuối tuần trong trường hợp điểm số của con em họ đủ tốt.

Bản thân việc chơi game không hề có hại, điều này đã được chứng minh. Tuy nhiên thứ gây hại nếu đi kèm việc chơi game chính là việc thiếu quan tâm tới con em của các bậc phụ huynh. Nếu có được sự theo dõi sát sao, lựa chọn game một cách hợp lý, chưa biết chừng chính những sản phẩm giải trí tương tác sẽ là liều thuốc kết nối hai thế hệ lại với nhau, một liều thuốc tràn đầy niềm vui.

Chưa hết, việc cân bằng giữa game ảo và những trò chơi vận động trong đời thực cũng là thách thức không hề nhỏ cho bất kỳ bậc cha mẹ nào.