Phân loại game bạo lực tại Việt Nam: Quá khó!

PV  | 28/11/2011 0:00 AM

Chặng đường thành lập một tiêu chí phân loại game tại thị trường nội địa còn nhiều gian nan cần bước qua.

Như vậy là năm 2011 sắp trôi qua, đánh dấu hơn 1 năm rưỡi làng MMO Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn, mọi kế hoạch phát hành đều ngừng trệ và quyền lợi game thủ cũng theo đó mà mất dần sự đảm bảo. Nhiều người lạc quan đã bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh đẹp năm 2012, khi thị trường trò chơi trực tuyến được nhìn nhận khách quan hơn, điều đó phụ thuộc khá nhiều vào việc ra đời một bảng phân loại game thực thụ.
 
Còn nhớ năm 2010, đã từng xuất hiện một bảng tiêu chí phân loại game online nội địa với các mức độ như "Bạo lực cấp 1", "Bạo lực cấp 2"... thế nhưng rõ ràng nó chưa phản ánh đúng thực tế. Chúng ta vẫn thường "mơ" đến một ngày mọi MMO nhập về Việt Nam đều được đánh giá đàng hoàng để thị trường thoát cảnh "bát nháo" trước nay, thế nhưng, mọi chuyện còn rất đỗi gian nan.
 
 
Khó khăn trong đánh giá
 
Rõ ràng, để đánh giá được một tựa game đòi hỏi đơn vị thực hiện tiến trình này phải có kiến thức sâu sắc về trò chơi. Thế nhưng tại Việt Nam điều này là không dễ dàng, game online mới chỉ gia nhập dải đất hình chữ S khoảng chục năm, game offline có trước đó lâu hơn nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với các thị trường quốc tế, vì thế số lượng chuyên gia trong ngành còn hết sức hạn chế.
 
Trước nay, thông thường một MMO nhập về nước được xem xét thông qua tài liệu mà phía NPH cung cấp, nó rõ ràng không thể phản ánh đầy đủ nội dung trò chơi. Hơn nữa, nếu như các game tại thị trường phương Tây hầu hết đều được phân loại theo các chuẩn (ESRB, PEGI...) sẵn thì game mua về từ Trung Quốc (chiếm 80% thị trường nội địa) lại gần như chưa bao giờ được phân loại sẵn.
 
 
Kiến thức về trò chơi còn nghèo nàn rất dễ dẫn đến chuyện đánh giá sai lầm, có thể giả dụ như Street Fighter 4 tại phương Tây được đánh giá theo chuẩn ESRB ở mức "Teen" (PEGI là 12), thế nhưng trong con mắt nhìn nhận của người chưa từng chơi game thì sẽ thấy ngay nó chỉ có... đánh và đấm. Nếu phân loại thì ắt hẳn không tránh khỏi mác "bạo lực mạnh".
 
Do vậy, người đánh giá bắt buộc phải bắt tay vào chơi thử, tiến trình này lại càng khó khăn hơn vì game online thường xuyên được update nội dung và phải gắn bó thường xuyên thì mới phát hiện ra những thay đổi so với phân loại ban đầu. Điều này là cực kỳ nan giải đối với các ban ngành chức năng.
 
Dĩ nhiên, vẫn còn một phương thức khả dĩ là áp nguyên tiêu chí đánh giá đã có sẵn ở các thị trường game nước ngoài vào Việt Nam, do đó không cần phải mất thời gian xây dựng bảng phân loại chuyên biệt. Thế nhưng rõ ràng vẫn phải chơi, phải hiểu game thì mới áp dụng được chuẩn xác, mà chúng ta lại đang thiếu các chuyên gia trầm trọng.
 
 
Hiện tại, đa phần những người hiểu về game đều đang làm trong công ty phát hành trò chơi trực tuyến, việc thành lập một tổ chức dựa trên các thành viên như họ rõ ràng chưa thể đáp ứng được khía cạnh khách quan. Đơn giản vì không ai muốn phân loại MMO mà mình vừa mất cả chục nghìn USD mua về lại bị xếp vào hàng 16+ hoặc 18+.
 
Khó khăn trong triển khai
 
Hãy tạm xếp hết những khó khăn trong khâu đánh giá phân loại game sang một bên, giả sử như chúng ta giải quyết nó một cách dễ dàng đi chăng nữa thì vẫn còn đó vô vàn nan giải trong vấn đề triển khai. Đơn giản vì hiện tại vẫn chưa có bất kỳ hệ thống nào để kiếm tra, giám sát người chơi có thỏa mãn tiêu chí đề ra hay không.
 
Còn nhớ cách đây không lâu, vấn đề "chứng minh thư điện tử" từng được đưa ra bàn luận. Mục tiêu của ý tưởng này là tạo ra cho mỗi cá nhân một "profile" trong thế giới ảo, mọi hành động như đăng ký tài khoản, đăng nhập game đều có thể kiểm soát nhanh chóng. Nói một cách đơn giản là nếu trẻ em sẽ không thể login vào một MMO không dành cho chúng.
 
 
Thế nhưng tính đến khía cạnh trên có vẻ như còn quá xa vời, không phải nói đâu xa, ngay việc tổ chức được một hệ thống như thế đã ngốn không biết bao nhiêu tiền của lẫn công sức, chưa kể còn đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải ở mức cao ngang bằng các quốc gia phát triển. Chúng ta chưa thể làm được chuyện đó ít nhất là trong 5, 7 năm nữa.
 
Thứ hai, dù có thành lập được cái gọi là "chứng minh thư điện tử" chăng nữa thì sợi dây kết nối giữa đơn vị phát hành game với đơn vị giám sát cũng khó giữ được độ tin cậy. Đơn giản vì việc quản lý tài khoản gamer là do NPH đảm nhiệm, họ phải chân thực báo cáo, không mảy may dối trá thì mới mong thực hiện phân loại gamer chính xác, đây là điều rất khó vì đã là doanh nghiệp thì mối quan tâm hàng đầu chắc chắn là lợi nhuận, họ sẽ không dễ gì tự "chặt mất" khách hàng tiềm năng.
 
Giải pháp ý thức
 
 
Nói chung, chúng ta vẫn còn một "giải pháp" sau cùng, hiệu quả nhất và cũng ít tốn kém nhất, tránh được mọi khó khăn kể trên. Đó chính là đánh vào "ý thức" người chơi. Nếu tuyên truyền để các bậc phụ huynh tự biết kiểm soát con em mình trước thế giới ảo thì chắc hẳn những vụ việc đáng tiếc đã không bao giờ xảy ra.
 
Nhưng để xây dựng được ý thức ấy là điều không hề dễ dàng, nói đơn cử như ngay đến chuyện chống hack, cheat và gian lận đã là điều nan giải đối với cộng đồng game thủ nước nhà. Nói chung, còn quá nhiều rào cản để game Việt có thể được đánh giá và triển khai phân loại như nhiều người hằng mơ ước.
 
Hãy xây dựng ý thức trước khi chúng ta mơ đến nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
 
(Theo Mask Online)