Câu chuyện làm
game Việt Nam rốt cuộc không phải là một chủ đề mới. Trái lại, trên những trang tin về game, cũng như những diễn đàn về giải trí tương tác tại nước ta, chắc chắn những bài viết, những topic chia sẻ về việc tự làm game tại Việt Nam đều đã từng xuất hiện và thu hút sự chú ý của một bộ phận
game thủ Việt. Bộ phận game thủ này tuy rằng không quá đông đảo, nhưng sự hiện diện của họ cùng những đóng góp, không ít thì nhiều, luôn là những sự động viên khong hề nhỏ đối với cộng đồng làm game Việt.
Nhiều người nói rằng, với đam mê, con người sẽ có thể làm nên tất cả. Thế nhưng có lẽ, cụm từ “tất cả” ở đây nên loại trừ game ra. Bởi lẽ, tôi đã từng thấy không ít những dự án làm game của những sinh viên hay những game thủ đầy tâm huyết rốt cuộc đều đã bị dẹp vào một góc, mỗi người một nơi với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng hàng ngày.
Từ đó, câu chuyện làm game Việt Nam, đam mê và khát vọng làm giàu từ game lại được lật lại, đi kèm với đó là những lời khuyên từ những game thủ, những nhà làm game Việt, những người đã trải qua những thành công và thất bại trên con đường họ đã chọn.
“Đã làm game thì đam mê không đủ”
Nếu không có đam mê, thì những thứ bạn làm sẽ giống như việc bạn bị bắt ép hoàn thành một công việc mình không thích một chút nào. Điều này cố nhiên là chính xác. Thế nhưng với game, đam mê của bạn không thể nào được xếp vào vị trí thứ nhất trong số những điều kiện cần có để tạo ra một tựa game hay.
Lý do cho nhận định này bắt nguồn từ việc: Ngoại trừ việc bạn là một thiên tài theo đúng nghĩa đen, với khả năng tự hoàn thành một tựa game từ đầu đến cuối, ví dụ như Jasper Byrne với game kinh dị tâm lý Lone Survivor, hay Terry Cavanagh với Super Hexagon, thì hãy xác định sẵn tư tưởng, đừng mong chờ những đồng nghiệp khác trong dự án game cùng có được niềm đam mê như của mình.
Hãy lấy ví dụ một dự án game của những sinh viên sắp ra trường. Họ đam mê một thể loại game, và cùng ngồi với nhau bàn tính kế hoạch tạo ra một tựa game để một mặt thỏa mãn đam mê, mặt khác giới thiệu đến cộng đồng game thủ, và nếu thành công thì họ còn có thể kiếm tiền từ việc đó. Tuy nhiên những trở ngại sẽ xuất hiện, chẳng chóng thì chầy:
Rào cản năng lực
Bạn đam mê một thể loại game, hay một tựa game, không có nghĩa là bạn có khả năng làm được một tựa game xuất sắc từ những ý tưởng trong đầu mình. Làm game là thực hiện một chuỗi các quá trình, từ phác thảo ý tưởng, triển khai mặt hình ảnh, artwork, vật thể trong game, lập trình các tính năng trong game…
Giải pháp muôn thuở (phần lớn thời gian, nó tỏ rõ hiệu quả) cho việc này, chính là phân chia công việc cho từng thành viên trong nhóm phát triển. Mỗi người sẽ đảm nhận vị trí họ nghĩ mình có khả năng hoàn thành.
Thế nhưng không phải lúc nào “đời cũng như là mơ”, và không phải nhóm phát triển tự phát nào cũng quy tụ được đầy đủ những gương mặt có khả năng hoàn thiện phần việc cần thiết để hoàn thành một tựa game. Vậy là vạn bất đắc dĩ, họ sẽ có hai lựa chọn: Tự mày mò tìm hiểu, hoặc đi thuê người làm. Vấn đề thứ hai cũng nảy sinh.
Vấn đề tài chính
Nói một cách ngắn gọn, nếu không có tiền, những dự án game tự phát sẽ nghiễm nhiên biến mất chỉ sau một thời gian ngắn tồn tại và triển khai. Việc thực hiện một tựa game trong thời gian rảnh, như nhiều người chia sẻ, là vô cùng viển vông. Sẽ có những thứ khiến bạn ngồi cả ngày chỉ để tìm ra cách giải quyết thấu đáo, và nếu bạn có một công việc kiếm tiền khác, thì việc ôm thêm dự án game chưa biết chừng lại mang tác dụng ngược.
Việc thuê người làm, giống như việc mở một studio game, là hướng đi tất yếu của mỗi người có đam mê đặc biệt với game. Tuy nhiên điều này sẽ biến bạn từ vị trí một người phát triển game vì đam mê, trở thành một nhà quản lý theo đúng nghĩa. Bạn sẽ phải lo từng chi tiết từ lớn đến nhỏ như văn phòng, trang thiết bị, lương nhân viên, chưa kể tới những dự án game bạn đang ấp ủ. Công việc sẽ khó khăn gấp bội.
Một hướng khác có vẻ hợp lý hơn cho những người có đam mê, đó là mang ý tưởng của mình tới những nhà phát triển, nhà phát hành game lớn và cố gắng chứng tỏ cho họ thấy thứ mình đang ấp ủ hoàn toàn có cơ hội kiếm tiền. Không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, những trường hợp áp dụng thành công phương án này là một con số cực kỳ khiêm tốn.
Vì thế, bài học rút ra là, nếu không có tiền, thì cũng khó có game. Dĩ nhiên là khó chứ không phải là không thể.
Quảng bá dự án
Nếu không quảng bá rộng rãi tựa game của mình tới cộng đồng, thì lấy đâu ra game thủ thưởng thức, lây đâu ra những sự quan tâm động viên từ làng game. Chưa kể, nếu bước quảng bá game tốt, chưa biết chừng sẽ có những người chú ý tới dự án của các bạn và chấp nhận bỏ vốn đầu tư nếu cảm thấy thuyết phục.
Thế nhưng đây cũng lại là một mảng trong quá trình thực hiện game mà không phải nhóm phát triển hay nhà phát triển nào cũng thực hiện tốt. Một số người thì trông mong vào những công cụ xã hội hóa như Facebook, DeviantArt hay thậm chí là cả KickStarter để giới thiệu về tựa game của họ. Thật tiếc, những công cụ như vậy thường hiếm khi đem tới thành công cho những dự án.
Lý do là, bạn quảng bá game trên những công cụ mạng xã hội được, thì dĩ nhiên người khác cũng có thể. Chưa kể, với sức của nhóm phát triển, nếu không có kế hoạch cụ thể, thì việc quảng bá trên Facebook cũng chỉ như những người sử dụng bình thường chia sẻ một nội dung gì đó trên trang Profile của họ, hầu như không thu lại hiệu quả cao.
Trong khi đó, một giải pháp nghe có vẻ rất bình thường nhưng đôi khi mang lại hiệu quả không ngờ, chính là việc chia sẻ trên các diễn đàn về game. Với việc đưa ra nội dung cụ thể, những điều đặc biệt của game, hay cụ thể hơn nữa là công khai cả tiến độ dự án, cộng đồng game thủ sẽ có cơ hội biết tới dự án của bạn nhiều hơn. Thậm chí nếu may mắn, thì sức nóng của những topic giới thiệu như vậy sẽ có mặt trên cả những trang tin lớn về game.