Cách đây khoảng 2 năm, khái niệm game "lậu" khá đơn giản với gamer Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có thể giải nghĩa ngay chúng là trò chơi do một hoặc nhiều người tạo dựng nên với tư cách cá nhân, chính vì thế chất lượng của server "private" khá thấp và quyền lợi của khách hàng luôn bị đe dọa nếu chẳng may đóng cửa.
Thế nhưng do những biến động của thị trường, trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, có một sự thật là nhiều tựa game được phát hành tại dải đất hình chữ S mà không ai biết nó... thật hay lậu! Nỗi khổ ấy vẫn đeo bám gamer nội địa đến nỗi họ phải miễn cưỡng chấp nhận hoặc đoán mò để chọn lựa được sản phẩm đúng ý mình.
Nỗi khổ mù mờ game thật giả vẫn hành hạ gamer nội địa.
Rủi ro vẫn phải cố chơi
Biết là nguy hiểm nhưng đa phần game thủ Việt không còn lựa chọn nào khác là nạp tiền vào những trò chơi không chính thống. Cụm từ "không chính thống" ở đây không ngoài ý nghĩa là tên tuổi NPH bị giấu kín một cách cố tình, thậm chí các đơn vị này còn tìm mọi cách để không bị "vạch mặt chỉ tên" trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong khi đó, thông thường trên diễn đàn, đội ngũ PR bắt đầu phát huy công dụng của mình khi khéo léo lồng ghép các chi tiết nhỏ để cho gamer lờ mờ thấy được tên tuổi NPH đứng sau dự án. Rõ ràng đây là chiêu bài rất khôn ngoan vì forum là kênh thông tin cộng đồng chứ không mang tính chính thống.
Gamer Việt phải lặn ngụp trong những thông tin không chính thống.
Chẳng thế mà, "đoán mò, nghe ngóng" vẫn luôn là phương án tốt nhất để gamer Việt nhận biết được game mình đang đổ tiền đổ của vào là thuộc về "ông lớn" nào. Khi đó, họ mặc nhiên công nhận một điều rằng trò chơi ấy là an toàn và khả năng nhận rủi ro ít hơn so với thông thường. Thế mới có chuyện nực cười là sau khi mất đồ, họ gọi điện tới trụ sở NPH và nhận được câu trả lời rất phũ phàng: "Chúng tôi không phát hành game bạn nói tới".
Cách làm trên ban đầu chỉ được thử nghiệm ở một số MMO, nhưng dần dần càn ngày số lượng game "không chính thống" mọc lên càng nhiều. Chúng không còn trực thuộc các NPH cỡ lớn nữa mà ngay cả các nhóm nhỏ tự tách ra từ hãng to cũng xắn tay áo làm vì lợi nhuận, và thế là thị trường game nội địa trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Không còn ranh giới "thật" và "lậu"
Nói tới các nhóm nhỏ tự tách ra làm game, có thể nhắc đến điển hình là trường hợp của đơn vị phát hành Gun3D, MMO với lối chơi gần giống Gunbound mới ra mắt tại Việt Nam hồi tháng 01/2012. Theo đồn đại, đây là nhóm "tách" ra từ VNG với nhiều thành viên dày dạn kinh nghiệm, trường hợp tương tự cũng từng xảy ra với WinGame, đơn vị phát hành Nhất Kiếm.
Gun3D được đồn đại là do đơn vị tách ra từ VNG quản lý.
Trường hợp khác là cổng Dzogame vẫn thường được cho là trực thuộc Asiasoft VN và nhanh chóng nổi lên với việc phát hành lại Hiệp Khách Giang Hồ. Thế nhưng hành tung có phần bí ẩn của đơn vị này, cộng với khả năng hỗ trợ gamer tương đối kém khiến nó từng bị quy chụp là một nhóm nhỏ nào đó mạo danh NPH lớn để chiếm lòng tin. Dĩ nhiên điều này còn quá sớm để có thể khẳng định.
Trong khi các hãng game "nửa chính thống" cứ thế mọc lên thì đội ngũ tạo dựng server lậu cũ cũng vẫn hoạt động mạnh. Hai lực lượng này trở nên không còn ranh giới trong mắt khách hàng, nhiều lúc chỉ là server private 100% nhưng lại khiến người ngoài lầm tưởng là game chính thống và ngược lại.
Dekaron, một server private mới xuất hiện tại Việt Nam.
Có thể đơn cử như trường hợp của MMORPG 3D Derakon khi mới đây, cộng đồng game thủ Việt đang khá xôn xao về việc nó sắp sửa được phát hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế thì đây chỉ là một server private do chính người Việt làm chủ cũng như hoàn thành khâu dịch thuật. Vấn đề là mặc dù chỉ là MMO lậu nhưng đơn vị chủ quản của nó cũng tiến hành alpha test, close beta, open beta như chuyên nghiệp.
Ngày hôm qua, việc Danh Tướng Online đột ngột sống dậy cùng trang chủ mới và cho gamer đăng ký cũng là điển hình cho một trường hợp không biết đây là game lậu hay thật. Xét trên lý thuyết thì vì không có tên tuổi NPH và cũng chẳng có quá trình truyền thông (mở cửa cho chơi ngay) nên nó có thể coi là hàng private, nhưng do trước đây NetGame Asia từng ký mua bản quyền nên nhiều người lại tin rằng đây là cách "lách" của hãng này mà thôi.
Danh Tướng hồi sinh vẫn chưa rõ là thật hay lậu.
Thị trường hỗn loạn
Trên bình diện tổng quan, thị trường MMO Việt Nam có vẻ như khá yên ắng trong nửa năm trở lại đây, hơn nữa nhiều hứa hẹn được kỳ vọng trong năm 2012. Thế nhưng với những phân tích bên trên, thực chất nó lại rơi vào cảnh hỗn loạn, mạnh ai nấy phát hành game mà không cần đếm xỉa tới quyền lợi khách hàng.
NPH khi làm vậy rõ ràng cũng chẳng an toàn gì, trong khi đó bản thân gamer thì phải sống trong cơn ác mộng mà không biết đến khi nào họ mới thoát khỏi. Chất lượng game nhập về đã kém mà ngay cả phân biệt thật giả còn không được thì ai cũng hiểu rằng chúng ta đang đi thụt lùi so với khu vực.
Chìa khóa để giải bài toán hóc búa bên trên chính là những quy chế mới về phát hành game tại Việt Nam, và nó cũng là điều gây tốn nhiều giấy mực nhất thời gian qua. Hy vọng một tương lai tươi sáng hơn sẽ đến với ngành MMO nội địa trong năm Rồng.