Những xu hướng đang thoái trào của làng game Việt

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 08/05/2013 0:00 AM

Chúng ta sẽ nhìn lại những chiêu thức quảng bá trong làng game Việt đang dần thoái trào tính từ đầu năm 2013 cho đến nay.

Trong số đó, webgame có, client có, bom tấn có, bom xịt… cũng có. Tuy nhiên trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ không đề cập đến chất lượng của những tựa game ra mắt làng game Việt từ đầu năm đến nay, vì dù sao chủ đề lớn này cũng đã được chia năm xẻ bảy để bàn luận nhiều trong những bài viết trước đây.

Những xu hướng đang thoái trào của làng game Việt 1

Thay vào đó, chúng ta sẽ nhìn lại những chiêu thức quảng bá game online tại Việt Nam đang dần thoái trào tính từ đầu năm 2013 cho đến nay.

Đại sứ game đi đâu hết

Một trong những cách PR giành được hiệu quả rất lớn đối với mỗi nhà phát hành game Việt chính là thuê những người mẫu, ca sĩ hay đơn giản hơn chỉ là những… hot girl trong cộng đồng mạng và phong cho họ danh hiệu đại sứ của một tựa game. Sau đó thì sao? Vị đại sứ này sẽ cộng tác với nhà phát hành trong một vài bộ ảnh cosplay hay phục vụ cho mục đích quảng bá game. Hình ảnh của những kiều nữ này sẽ xuất hiện trên các quán internet trên khắp mọi miền tổ quốc dưới dạng những poster quảng bá cho tựa game online nọ.

Những xu hướng đang thoái trào của làng game Việt 2

Thế nhưng gần đây, có vẻ như trào lưu quảng bá game online với những vị đại sứ đã không còn xuất hiện với tần suất cao như trước đây. Chúng ta vẫn được diện kiến những bộ ảnh đầy quyến rũ, thậm chí là bỏng mắt được các nhà phát hành game tung ra một cách đều đặn để làm bước chạy đà cho ngày ra mắt một game online. Thế nhưng những nhân vật trong bộ ảnh đó hầu như chỉ là những nhân vật được đại diện nhà phát hành mời cộng tác, trách nhiệm của hai bên chỉ gói gọn trong bộ ảnh nêu trên.

Những vị đại sứ game online Việt trước đây luôn gắn bó một khoảng thời gian không hề ngắn với những nhà phát hành game, từ event trong game đến những sự kiện offline ở ngoài game. Một số người cho rằng, vì lý do tài chính, mà cả những vị đại sứ game, cũng như số lượng những sự kiện offline được nhà phát hành tổ chức đã và đang ít dần đi.

Fanpage bị “bỏ mốc”

Trong năm 2012, fanpage trên một số mạng xã hội như Facebook hay Zing Me là một kênh truyền tải thông tin cũng như tiếp cận game thủ cực kỳ hiệu quả đối với các nhà phát hành. Thậm chí có thể nhận định rằng, trong năm ngoái, fanpage trên các MXH là một xu hướng của các nhà phát hành từ lớn đến nhỏ tại thị trường nội địa.

Nhưng trong 4 tháng trở lại đây, hầu như các fanpage trên Facebook của những tựa game online mới ra mắt tại nước ta đều chỉ xuất hiện… cho có. Vẫn có một số lượng tương đối những trang fanpage đã làm tốt nhiệm vụ của chúng, đó là tạo ra một kênh tương tác giữa nhà phát hành và cộng đồng game thủ, hoặc đóng vai trò làm một công cụ PR hiệu quả.

Những xu hướng đang thoái trào của làng game Việt 3

Trong khi đó, theo ghi nhận của GameK, không ít những fanpage của những game online đã ra mắt lại rơi vào cảnh đìu hiu chợ chiều, khi số lượng like ngày một ít dần, cũng như nội dung trên trang không còn được đại diện các NPH chú trọng. 

Không ít những fanpage game online nhộn nhịp một thời, giờ đây chỉ có lượng độc giả duy nhất là những người muốn quảng cáo cho shop bán hàng trên MXH, hay một page nào đó do họ làm admin. Một thực trạng đáng buồn, một thị trường bị bỏ phí nếu xét đến con số 12 triệu người dùng Facebook tính đến cuối tháng 3/2013.

Teaser nhảm, tên game phản cảm đã không còn nhiều

May mắn thay, vẫn có những xu hướng quảng cáo game online khi thoái trào lại tạo ra hiệu ứng lạc quan cho thị trường game Việt. Trong năm 2012, cộng đồng game thủ đã ghi nhận không ít những trang teaser nhảm nhí, quảng cáo một đằng, game ra một nẻo của các nhà phát hành, mà phần lớn trong số đó là những webgame đến từ Trung Quốc.

Những xu hướng đang thoái trào của làng game Việt 4

Chưa kể, năm 2012 cũng là khoảng thời gian đánh dấu những cái tên game hết sức táo bạo của các nhà phát hành, đại loại như Chân Long Giáng Thế hay Vấn Kiếm Loạn Chưa, những cái tên được nhà phát hành quảng bá bằng những cụm từ viết tắt không mấy hay ho mà giới trẻ đang dùng hàng ngày.

Những xu hướng đang thoái trào của làng game Việt 5

Trong khi đó, tính từ đầu năm 2013 tới nay, cái tên ‘đình đám’ nhất được cộng đồng game thủ chú ý tới và ‘dành tặng’ cho cái nhìn không mấy thiện cảm chính là game Rồng. Câu chuyện đặt tên game của nhà phát hành cho đến nay vẫn là một câu chuyện cười đậm chất tình ngay lý gian của làng game Việt.