Bài viết phản hồi ghi nhận của game thủ: |
Ngay sau đó, đã có không ít những bình luận chia sẻ thêm về những “tệ nạn” được đề cập trong bài viết, những điều khiến cho cộng đồng game thủ MMO Việt nói chung bị gán cho không ít điều tiếng. Tuy nhiên cũng cần phải nhắc lại, vơ đũa cả nắm là một chuyện, chúng ta cũng cần phải nắm rõ một điều, thứ khiến cho cộng đồng phải chịu tiếng xấu là một vài cá nhân (thực tế đáng buồn, một vài ở đây nghĩa là rất nhiều). Chính vì thế, đã có không ít những chia sẻ tâm huyết của game thủ để phần nào có thể gột rửa được tai tiếng.
Độc giả Tân Nguyễn chia sẻ một comment khá dài, trình bày về những vấn đề bất cập của người chơi game online Việt Nam: “Thứ nhất là vấn đề tinh thần đồng đội . Trong các game đòi hỏi tính chiến thuật cao như Liên Minh Huyền Thoại, DotA… teamwork được xem như yếu tố quyết định chiến thắng. Thế nhưng một điều đáng buồn là hầu hết những game thủ Việt Nam hễ có chuyện gì là chửi bậy và còn có thể cãi lộn vs nhau trên kênh chat thoải mái và ko để ý ai hết! Trong game, mỗi khi lỡ để nhân vật bị chết mình thường xuyên thấy những dòng chat chửi bậy vô tội vạ và còn rất nhiều từ ngữ "thuần Việt“ khác khiến những người chơi mất tập trung và khó có thể phối hợp vs nhau để thắng được!”
Với số lượng hơn 30% trong tổng số 2.400 lượt độc giả bình chọn trong công cụ poll, vấn nạn sử dụng từ ngữ không phù hợp, hay nói cách khác là văng tục chửi bậy trong game đã trở thành một tình trạng nhức nhối. Thực tế là tình trạng này xảy ra trong không chỉ những game online Việt Nam, mà còn ở những cộng đồng chơi game online server quốc tế. Khái quát mà nhận định, việc spam nhảm trên kênh chat thế giới cũng như chửi bậy trong game ở một bộ phận game thủ Việt Nam còn nghiêm trọng hơn tình trạng hack, cheat. Lý do rất đơn giản là nhiều người cho rằng việc văng tục là vô thưởng vô phạt, không gây hậu quả xấu cho ai.
Nhiều người nêu lên ý kiến chủ quan của mình: “Dĩ nhiên chửi bậy là không hay, tuy nhiên trong nhiều cuộc chơi, việc văng tục đôi khi khiến cho việc chơi game thoải mái hơn, bớt ức chế”. Thế nhưng các bạn quên mất một điều, đây là cuộc chơi của nhiều người chứ không phải mình bạn. Việc văng tục hoàn toàn có thể gây khó chịu, thậm chí ức chế sang những người chơi khác, ngay cả khi đó là những đồng đội trong cùng team game.
Tiếp đến tình trạng hack, cheat tràn lan, thậm chí là “theo phong trào” trong game online. Game thủ Tân Nguyễn tiếp tục: “Về vấn nạn hack & cheat trong game. Mọi người đều muốn thắng game bằng bất kì cách gì nên đã lao đầu hack , sao không thể cố gắng tự lực chơi nhỉ? Có khi bạn còn có thể phát huy khả năng bí ẩn của bạn nữa đấy! Game CF từng là game mình rất là mê nhưng nó đã bị hack và theo mình thấy NPH không hề để ý đến, hoặc để ý rất mờ nhạt.”
Như đã đề cập trong một vài bài viết trước đây, rất nhiều game thủ chơi MMO tại Việt Nam rơi vào độ tuổi từ 8 đến 16, thậm chí việc một cậu bé sáng đi học mẫu giáo, tối về xin tiền bà xuống quán net chơi CF cũng là điều không hề hiếm gặp. Khi tư duy cũng như ý thức chưa phát triển một cách toàn diện, thì việc các em cố gắng chiến thắng tựa game bằng mọi cách, thậm chí là sử dụng hack cheat theo lời xúi bẩy của bạn bè cùng chơi âu cũng là điều dễ hiểu.
Gần 20% số người bình chọn cho rằng thói tư lợi, ích kỷ, không có tinh thần đồng đội mới là “đức tính” đáng lên án nhất của người chơi game online nước ta. Công bằng mà nói, việc phô diễn kỹ thuật cá nhân trong game không hề xấu. Thế nhưng không ít người trong lúc cố chứng tỏ bản thân bằng cách “xông pha” nơi chiến trận mà bỏ mặc đồng đội đang cần giúp đỡ, từ đó đem lại thất bại cho cả đội thì quả thật không nên chút nào, đặc biệt là trong những game cần tư duy chiến thuật và khả năng tương tác đồng đội cao.
Chia sẻ về vấn đề này, một độc giả lên tiếng có phần bức xúc: “Không có tính đồng đội: mình là gamer eSport nên ghét nhất trò này. Tính đồng đội thì chẳng có, toàn mỗi thằng đi một nẻo, mình kêu cứu không thèm ra, đến lúc nó chết thì chửi sao không cứu nó. Toàn suy nghĩ thích làm siêu nhân, đến lúc thua thì kêu tại tụi mày gà chứ còn tao thì bá đạo rồi, nhiều lúc muốn đập cho một phát.”
Nhìn chung, cộng đồng game thủ Việt vẫn còn rất nhiều người chơi với thói quen chơi game không được hay cho lắm. Dĩ nhiên, nhiều người có thể lên tiếng “việc tôi chơi game ra sao là quyền của tôi”, thế nhưng tư duy đó chỉ đúng với những người chơi game offline. Còn về game online, việc gamer có ý thức cũng như tuân thủ những quy tắc của cuộc chơi cũng là điều hết sức cần thiết.