Những tựa game từng bị đổi tên "dị" nhất trong lịch sử

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 07/04/2015 0:00 AM

Việc một tựa game được phát hành ở quốc gia khác bị thay tên đổi họ là điều quá đỗi bình thường. Thế nhưng đôi khi việc đổi tên này lại đem đến những điều thú vị mà bạn ít khi nhân ra khi chơi game.

Thị trường game thế giới cực kì phát triển như hiện nay đã khiến cho việc mua bán, phát hành game được diễn ra dưới quy mô toàn cầu. Thế nhưng đôi khi, do được phát hành tại một đất nước khác mà các tựa game của chúng ta phải thay đổi tên của mình sao cho phù hợp và dẫn tới những tình huống dở khóc dở cười dưới đây.

1, Bully

Đổi tên thành: Canis Canem Edit

Bully (bắt nạt) đúng như tên gọi của nó là một tựa game về học đường, xoay quanh các cô cậu nhóc học sinh và rất phổ biến tại Mỹ. Đến khi được phát hành tại Anh, game đã được đổi tên thành Canis Canem Edit - tên của hiệp hội chống nạn bắt nạt học sinh. Hội này đã từng lập chiến dịch phản đối không cho game được phát hành tại Anh. Do đó, việc lựa chọn tên của hội này đặt cho game thực sự đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho game thủ thời bấy giờ.

2, Contra

Đổi tên thành: Gryzor và Probotector

Contra là một trong những tựa game arcade đời đầu và cũng vô cùng quen thuộc với game thủ Việt Nam. Sau đó, khi được phát hành tại châu Âu, game đã được đổi tên lại thành Gryzor. Đến khi game được ra mắt tại Đức, game đã bị đổi tên lại thành Probotector (Robot Protector) cho phù hợp với luật pháp nước này.

3, Elebits

Đổi tên thành: Eledees

Elebits là một tựa game do hãng Konami phát triển với nội dung kể về một sinh vật kì lạ có khả năng phóng điện. Sau đó game đã được đổi tên lại thành Eledees và đến nay vẫn chưa được nhà sản xuất công bố lý do rõ ràng. Nhiều người cho rằng đây là do nhà sản xuất muốn cố tình chơi chữ mà thôi.

4, Mortal Kombat: Deception

Đổi tên thành: Mortal Kombat: Mystification

Vào năm 2004, có một tin đồn cho rằng Mortal Kombat: Deception sẽ được đặt tên lại khi phát hành tại Pháp. Sau đó, nhà phát hành game Midway Games đã bác bỏ tin đồn này nhưng cuối cùng vẫn đổi tên game thành Mortal Kombat: Mystification. Lý do được đưa ra ở đây đó là từ Deception khi được "ném" vào google translate sẽ ra một từ tiếng Pháp nghĩa là thất vọng và điều này không ổn lắm.

5, Pac-Man

Đổi tên thành: Puck Man

Toru Iwatani, nhà phát triển của Pac-Man cho biết rằng ban đầu game có tên là Pakkuman, được lấy theo tiếng chép miệng Paku-paku. Sau đó, game được lấy lại tên thành Puck Man khi lần đầu ra mắt trên hệ máy Arcade vào năm 1980. Sau đó, khi được phát hành tại thị trường Mỹ, từ Puck dễ bị phát âm thành một từ bậy là F***, do đó nhà phát hành đã đổi lại thành Pac-Man.

6, Teenage Mutant Ninja Turtles

Đổi tên thành: Teenage Mutant Hero Turtles

Lý do cho sự đổi tên này khá buồn cười, đó là tại một số quốc gia châu Âu, từ Ninja bị cấm nên cuối cùng game đã phải dùng từ hero thay cho ninja trước khi ra mắt.

7, V-Rally

Đổi tên thành: Need For Speed: V-Rally

V-Rally là tên một tựa game đua xe trên Play Station, được phát triển bởi Eden Studios tại Pháp. Ở Bắc Mỹ, game đã được đổi tên lại thành Need For Speed: V-Rally mặc dù nó chẳng liên quan gì đến series Need For Speed.

 

>> Những game online bom tấn rục rịch bùng nổ dịp hè 2015