Thành công và thất bại là 2 khía cạnh luôn gắn liền với nhau, nhất là trong thị trường kinh doanh nói chung và trò chơi trực tuyến nói riêng. Nhiều khi chúng xảy ra chẳng theo bất cứ quy luật nào, chẳng thế mà không hiếm tựa game ban đầu được dự đoán sẽ hút tiền, hút khách mạnh nhưng cuối cùng chỉ rước lấy sự ảm đạm não nề.
Nếu bạn đã
theo dõi phần 1, hãy cùng tiếp tục với những cái tên cuối cùng trong bản danh sách chẳng lấy gì làm tự hào này.
Cabal
Khác với phần đông những thành viên còn lại trong bài viết, Cabal không thất bại chóng vánh ngay khi mới ra đời. Thậm chí MMORPG này còn khá hút khách và trở thành một trong các game nhập vai 3D hiếm hoi tránh được sự đào thải của thị trường Việt, lượng fan của Cabal hết sức đông đảo và tâm huyết.
Thế nhưng bất ngờ, sự cố "trảm" 17.000 tài khoản do sử dụng hack đã thay đổi tất cả. Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc rốt cuộc vì sao mà Asiasoft lại "đột ngột" mạnh tay đến vậy nhưng không ai tìm được câu trả lời thích đáng. Một số gamer cho rằng do sức ép từ Thông tư 60 nên NPH phải "thanh lọc" những ai hack time.
Ngay sau khi thấy được sai lầm của mình, Asiasoft tuyên bố phóng thích phần lớn account bị khóa nhưng tất cả đã quá muộn. Cabal dần trở nên ảm đạm, doanh thu kém và phải nói lời vĩnh biệt hồi đầu năm 2010.
Special Force
Trong số 3 MMOFPS từng cập bến Việt Nam năm 2008, FPT Online đã nhanh chóng đi đầu với Special Force (Đặc Nhiệm Anh Hùng) cùng với chiến dịch quảng bá mạnh mẽ bằng khẩu hiệu "MMOFPS số một Hàn Quốc". Có lẽ lúc bấy giờ hãng rất tự tin vào thành công của mình, nhất là khi CrossFire của VTC Game chẳng có mấy tiếng tăm.
Tuy nhiên, một lần nữa sự khác biệt trong thị hiếu của gamer Việt đã làm đảo lộn tất cả. SF nhanh chóng thụt lùi trước đối thủ CF quá mạnh mẽ với lối chơi nhanh và không đòi hỏi trình độ cao, bất chấp việc nó bị không ít gamer phàn nàn hoặc tẩy chay với lập luận "chỉ dành cho... gà".
Sau 1 năm phát hành, thắng bại đã hoàn toàn rõ ràng, SF rơi vào ảm đạm cùng cực trong khi đó một đối thủ khác của nó là Sudden Attack (VNG) cũng chỉ khá khẩm hơn đôi chút. Đây có lẽ là ký ức chẳng vui vẻ gì với FPT Online trong chặng đường phát hành game của hãng, rất may SF cũng có cơ hội đóng cửa một cách danh chính ngôn thuận vào cuối năm 2010.
Vương Quốc Bay
Sau thành công tương đối với Silkroad, VDC-Net2E hừng hực khí thế với Vương Quốc Bay (FlyFF) - Một MMORPG khá nổi tiếng tại thị trường quốc tế. Thậm chí hãng đã dày công mời được hotgirl Tâm tít (nổi tiếng trong cư dân mạng thời bấy giờ) làm nữ đại sứ để hỗ trợ cho chiến dịch quảng bá mạnh mẽ.
Thế rồi thất bại đến quá sức chóng vánh với trò chơi, bất chấp việc nó sở hữu đồ họa kiểu ngộ nghĩnh đáng yêu và không đòi hỏi cấu hình quá cao. Sau đó mặc dù đã thay cả đại sứ cũ bằng một hotgirl khác là Trường Quỳnh Anh nhưng VDC vẫn không cải thiện được tình hình. Cuối cùng VQB đóng cửa năm 2010.
Thảm cảnh của tựa game này là kết quả của việc NPH không khắc phục hết lỗi vụn vặt trước khi ra mắt cùng với sự chậm chạp trong khâu triển khai thử nghiệm (lùi OB hơn 1 tháng). Hơn nữa, xu thế chuộng đồ họa kiểu anime tại Việt Nam còn chưa thực sự rõ ràng (hiện tại cũng không mạnh mẽ gì).
Maple Story
Sau một loạt những MMORPG kiếm hiệp thành công, VNG quyết định chuyển sang thể loại màn hình ngang 2D với Maple Story. Trên thực tế không ít game thủ Việt yêu thích thể loại này, hơn nữa trên trường quốc tế, Maple Story cũng cực kỳ ăn khách, ngay cả cho tới bây giờ.
Nhưng kết quả ra sao thì ai cũng biết rõ, thiếu sót chết người của trò chơi là thiếu chế độ "đồ sát" như các MMORPG khác khiến nó nhanh chóng thất bại. Dẫu sao, trong 2 năm vận hành thì Maple Story cũng giành được những thành công nhất định, nhưng chúng không đủ bù đắp cho sự đào thải của thị trường.
Với việc đóng cửa Maple Story, lần đầu tiên VNG phải nói lời vĩnh biệt 2 MMO (trước đó là CLTB). Có lẽ hãng đã học được nhiều bài học từ thất bại này.
Ran Online
Là MMO đầu tiên khai mào cho xu thế tuyển chọn đại sứ là người nổi tiếng, Ran Online của CyberWorld đã rất táo bạo khi mời được Minh Hằng làm người đại diện cho mình. Đồng thời sự kiện này cũng chứng tỏ nỗ lực rất lớn từ phía NPH non trẻ, chân thành mà nói, Ran là một MMORPG hay và đáng chơi.
Có điều, CyberWorld đã bỏ qua một sự thật rằng xu thế MMORPG 3D tại Việt Nam còn quá sức yếu đuối, trong khi thời điểm Ran ra đời thì VLTK và một số MMO 2D khác đang phát huy tối đa sức mạnh của nó. Thất bại đến với trò chơi có hơi bất ngờ nhưng phản ánh đúng thực tế thị trường.
Dẫu sao, dù thất bại thảm hại nhưng Ran và CyberWorld vẫn để lại thành quả khá lớn, đó là phong trào đại sứ game online. Mặc dù phong trào này chẳng mang lại được mấy lợi ích cho gamer, ít nhất nó cũng góp phần phát triển làng MMO nước nhà.