Con Đường Tơ Lụa
Lại thêm một kẻ tiên phong trong sự phát triển của ngành game online. Một “kiến trúc sư” đã tạo nên những nền tảng vững chắc và lâu bền đầu tiên cho MMORPG 3D tại Việt Nam. Với rất nhiều game thủ Việt, 6 năm là chưa đủ để cái tên Con Đường Tơ Lụa (SRO) trở thành điều gì xa lạ.
SRO ra mắt game thủ nước nhà với sự ngỡ ngàng của các anh tài còn chưa thực sự chưa hiểu được những cái “thần kỳ” của MMORPG 3D. Game mang đến dải đất hình chữ S cùng với tiềm lực vô hạn tuyệt vời và quả là đã bùng nổ được một cách hiệu quả nhất. Chắc hẳn đối với NPH VDC-Net2E nói riêng thì chưa có sản phẩm nào đủ sức sánh ngang huyền thoại về Con đường tơ lụa ấy.
Trải qua thời gian, cùng với nhiều sự đổi thay, sự phát triển chóng mặt của làng game nước nhà chỉ trong vài năm và xu hướng MMO 2D Kiếm hiệp lên ngôi, MMO 3D liên tiếp vướng rớt thất bại, SRO vẫn tiếp tục bước đi. Những bước đi đầy gian nan thử thách không chỉ niềm yêu thích của người chơi, sự tận tụy của NPH mà cả quãng thời gian đã quá thời “hoàng kim” của một GO.
Người ta thường nói, khi đã lên đến đỉnh cao rồi tất sẽ phải tụt dốc, quan trọng rằng NPH phải làm thế nào để giữ cho sản phẩm của mình sau đó đi được một con đường bằng phẳng. Thật khó để nói rằng kể từ thời điểm thống trị với 5 triệu người chơi năm 2009, SRO đã bước đi những bước đều đặn và êm ả. Tất nhiên, việc tìm kiếm một sự bùng nổ khó để xảy ra, nhưng điều rõ ràng nhất rằng hiện tại trò chơi vẫn là một trong những đại diện thành công hiếm hoi của MMORPG 3D.
Hành trình huyền thoại
Những game thủ đầu tiên biết về SRO vào thời điểm năm 2006 và tên của NPH VDC-Net2E khi ấy nhiều cũng được “đắm chìm” với các cơn sốt game bấy giờ như VLTK, GunBound, HKGH,… năm 2006 quả có rất nhiều cái tên hay để gamer lựa chọn, nhưng SRO vẫn tìm được một vị thế vững chắc cho mình bởi một “đẳng cấp” rất riêng.
Xây dựng cốt truyện dựa trên con đường tơ lụa xuyên châu lục, SRO có một nền đồ họa 3D tuyệt vời. Bối cảnh rộng lớn kéo dài từ Trung Quốc đến Châu Âu rồi xuyên đến cả thế giới Hồi Giáo, người chơi SRO cứ mỗi lúc lại được khám phá nhiều hơn các vùng đất rất “thật” trong câu chuyện về sự giao thương của Đông – Tây không chỉ kinh tế mà còn là văn hóa, con người….
SRO ngay tại quê nhà Hàn Quốc cũng nhận được rất nhiều giải thưởng cho tựa game có tính giáo dục cao và đồ họa ấn tượng. Về Việt Nam, game tiếp tục giật các danh hiệu tương tự, trong đó có giải game có đồ họa đẹp nhất do chính game thủ bình chọn. Đây cũng là một ưu điểm đáng kể khi mà người chơi vừa có thể tận hưởng sự thú vị của SRO, lại đồng thời tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích. Trong khi nhiều game bị “soi” bởi sự kích động bạo lực thì việc SRO nhận “Giải thưởng Game Việt có tính văn hóa, giáo dục cao tại hội chợ ISGAF” là lợi thế đáng kể.
Về lối chơi, ngoài việc là một MMORPG đậm chất thì bản thân SRO cũng có rất nhiều nét độc đáo riêng. Trong đó, hệ thống nghề nghiệp Thương Nhân – Bảo Tiêu – Đạo Tặc vốn được coi như “kiềng ba chân” tạo nên sức hút đặc biệt cho game. Chu du trong thế giới SRO, chọn cho mình một nghề nghiệp và tận hưởng “huyền thoại” theo mỗi cách khác biệt, đây là yếu tố giúp gamer cảm nhận được rõ ràng hơn những dấu ấn mà thế giới thực đã được “ảo” hóa vẫn đậm nét nhường nào.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, SRO đã xây dựng nên được một cộng đồng vô cùng vững mạnh. Từ các hoạt động trong game đòi hỏi cần có sự tương trợ lẫn nhau như cày lever, làm nhiệm vụ, chiến đấu… rất dễ dàng để bao trái tim xa lạ xích lại gần nhau hơn, trở thành “chiến hữu”.
Những hoạt động cả in-game và out-game của người chơi SRO, những CLB trải dài trên cả ba miền tổ quốc… gamer kì cựu của SRO có người cũng đã đến hai thứ tóc trên đầu. Cả người mới, người cũ, với một cộng đồng hoạt động vô cùng nhiệt tình và sôi nổi nên trò chơi vẫn có thể giữ được sức nóng trong từng ấy thời gian.
Tất nhiên, một điều phải kể đến là việc VDC-Net2E đã dành sự quan tâm đúng mực đến game thủ. Từ việc chăm chỉ lắng nghe ý kiến người chơi, tiến hành nhiều cập nhật mới và tổ chức những sự kiện thú vị… bên cạnh sức hút vốn có của nó thì chẳng ai khác chính NPH đã đưa SRO lên đến đỉnh vinh quang với danh hiệu là MMORPG 3D thành công tại Việt Nam.
Đây âu cũng là để đáp lại sự nhiệt tình của game thủ, những người đã bỏ rất nhiều tâm huyết ra đóng góp cho game, những người mong muốn SRO vẫn luôn luôn là kẻ đứng đầu, để mọi game thủ đều được trải nghiệm sự tuyệt vời khi tham gia vào hành trình trên Con đường tơ lụa.
Khi huyền thoại gần hơn với “đời thực”
Huyền thoại luôn là một từ ngữ gợi người ta nghĩ đến một cái gì đó thật tráng lệ, thật hoa mỹ và hoàn hảo. SRO khó làm sao nếu muốn xứng đáng với danh xưng ấy. Nhưng nếu chẳng nói tới bao nhiêu bất cập mà trò chơi gặp phải, bản thân người “lữ khách” khi dấn thân vào một thế giới khác hẳn cũng phải chuẩn bị tinh thần.
Trong thời gian khoảng cuối năm 2009, sau khi đạt mốc 5 triệu người chơi thì SRO cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm đã âm thầm tồn tại từ lâu. Và quả là chẳng còn gì xa lạ với gamer Việt khi nạn hack, cheat, bot tràn lan, vấn đề trong khâu điều hành xử lí sự cố… những người chơi bắt đầu rời bỏ game để đi tìm cho mình một “miền đất hứa” khác.
Thách thức lại xuất hiện, bởi những vấn đề khiến NPH đau đầu một thì càng làm game thủ khó chịu mười. Sự mất cân bằng ngày một tăng trong game báo hiệu rằng VDC-Net2E cần phải dành sự quan tâm gấp đôi cho một SRO đã bắt đầu có dấu hiệu bị “cảm cúm” do tuổi tác.
Trong thời gian gần đây, một vấn đề khác nhức nhối không kém là việc game quá nhạy cảm với thị trường mà sinh ra… lạm phát. Phát kiến ra cách cày tiền mới, gamer rủ nhau cắm hàng đội cày tiền khiến gold không biết để đâu cho hết. Lạm phát đẩy giá vật phẩm leo thang, tiền mất giá… tình cảnh càng thêm ảm đạm.
NPH cũng đã từng có động thái khắc phục tình trạng này bằng event với hình thức trả phí bằng gold, nhưng nó được tổ chức quá ít và quá rời rạc nên tình hình chẳng cải thiện được là bao. Vì Net2E có những GM “thiếu sáng tạo”, vì công ty “lo bị lỗ” hay vì tình hình lạm phát của SRO chưa đáng phải xử lí triệt để…
Trên diễn đàn trò chơi, mọi ý kiến vẫn tiếp tục được đưa ra, tiếp tục được bàn luận và chờ đợi một điều gì đó từ những người quản lí game. Hiện tại, có thể nói SRO chẳng phải bị bỏ bê gì (thậm chí còn sắp được cập nhật phiên bản mới) nhưng vì vẫn còn sự bất cập nên gamer vẫn chưa thể an tâm mà thưởng thức niềm yêu thích của mình. Điều đó không chỉ bởi nó ảnh hưởng tới quyền lợi người chơi, mà nó còn do những ai tâm huyết chẳng bao giờ muốn nhìn thấy người bạn đồng hành của mình xuống sức.
Đôi lúc, nhiều “người cũ” hoài niệm lại cái thời server đầu tiên Thái Dương với những đông vui, nhộn nhịp, những kỉ niệm thuở ban đầu… Và lại mong ước làm thế nào quay về quá khứ huy hoàng ấy để rồi thở dài nhìn vào thực tại và để hiểu rằng SRO giờ cũng đã “già”.
Nhưng trên tất cả, dù thời gian có bào mòn những đường nét của game, đù thị trường khốc liệt có đè bẹp bao nhiêu tham vọng vươn lên hay bành trướng… SRO vẫn mãi mãi là một huyền thoại bất tử trong lòng người yêu mến nó.