Nói đến sự phát triển của làng game Việt, cũng như một bản nhạc có đủ mọi cung bậc khác nhau. Kể từ khi khái niệm game online bắt đầu xâm nhập, len lỏi, thì giờ khái niệm này trở nên phổ biến vô cùng rộng rãi. Trong quãng đường phát triển của mình, nền tảng ban đầu đã dựng xây nên rất nhiều những cái tên.
Đối với game thủ, nguyên chỉ việc có thể biết được có bao nhiêu tựa game online đã là quá sức rồi. Có những cái tên chỉ vừa xướng lên rồi chìm vào quên lãng, và có những cái tên lên đến đỉnh cao rồi tụt dốc.
Tất nhiên, bên cạnh các sản phẩm ấy, những “tượng đài bất tử” của làng GO Việt cho đến nay vẫn vững chãi qua thử thách cũng tạo được vị trí đặc biệt trong lòng game thủ. Người ta thường nói tuổi thọ của game online chỉ thường tới vài năm, hay quãng thời gian để “ngôi sao băng” tỏa sáng chẳng quá lâu trong số đó, thì các tượng đài này thật sự chứng minh điều ngược lại bởi sức sống, sức nóng đi cùng năm tháng.
Bên cạnh sự dĩ nhiên bởi cách điều hành hợp lí, phù hợp với thị hiếu người chơi, bản thân các GO cũng phải có trong mình nền tảng vững chắc, một nét thật riêng, thật độc cho cính nó. Sự hoàn hảo thật khó để đạt được, khác nhau là làm thế nào phát huy ưu điểm và biến nhược điểm trở thành một điểm trừ nho nhỏ. Chưa chắc được xếp vào hàng “bom tấn” trên thế giới, khi về đến Việt Nam, nhiều cái tên “bất hủ” chỉ đơn giản là kẻ khởi đầu.
“Tại sao các game “lão làng” ở Việt Nam chưa thể tử nạn?” Đặt ra câu hỏi này, chúng ta cùng quay ngược thời gian và tìm hiểu xem rốt cuộc làm thế nào những GO này thoát được số phận đóng cửa sau vài năm vận hành.
Võ Lâm Truyền Kỳ
Nếu có bất kỳ ai chơi game online mà không biết đến cái tên này thì quả là… không phải người Việt Nam. Với trọng trách là kẻ tiên phong trong cuộc “cách mạng” được khởi xướng bởi người đứng đầu tập đoàn VNG, VLTK đã thực hiện một cách hoàn hảo và nhờ đó đưa tầm ảnh hưởng của nó lên tới con số quá nửa thập kỷ.
Với cả người chơi đã từng bỏ ra 20.000 đồng/tuần để thỏa mãn thú vui, những “thế hệ đầu” phải đánh vật với một núi công việc khổng lồ để vận hành game… quãng thời gian mà VLTK bùng nổ tại thị trường Việt thật khó để mà quên được.
Vào thời điểm đó, khi game online vẫn chưa có một hình hài nhất định, khi nền tảng và xu hướng vẫn còn chưa vững chắc, ông Lê Hồng Minh đã đi một bước tạo nên sự lột xác bất ngờ chẳng những cho sự nghiệp của bản thân mà cả ngành game nước nhà. VLTK – so với ngày nay, chẳng có gì nổi bật về đồ họa hay lối chơi, nhưng trong thời điểm 2004 – 2005, chẳng khác nào là “thế giới khác” với gamer.
Thế giới ấy in đậm đến nỗi nó trở thành biểu tượng của NPH, đưa trào lưu game 2D Kiếm Hiệp chính thức hình thành để tiếp tục giành thắng lợi rực rỡ. Trong quãng thời gian 7 năm, có rất nhiều đổi thay, rất nhiều những niềm vui, nỗi buồn… nhưng VLTK vẫn còn đó.
Lạ và chất
Hai từ này có thể miêu tả rõ ràng được cảm nhận của người chơi khi tiếp cận với VLTK. Sau thời đại MU thống trị cùng các máy chủ tự phát, không được quản lí và rối loạn, VLTK thay VNG lên tiếng như muốn nói rằng gamer hãy nhìn để thấy game được quản lí bởi NPH thực sự là như thế nào.
Được xây dựng trên nền đồ họa 2D (với lúc đó đã là quá xịn rồi) từ NSX của Trung Quốc, gamer được dịp tận tay “sờ” vào những cuốn tiểu thuyết, những chương anh hùng ca của thế giới Trung Hoa, biết thế nào là “giáng long thập bát chưởng”,… rõ ràng là với cốt truyện xoay quanh các cuộc phân tranh của giới “giang hồ” vốn rất thu hút các chàng trai đã phát huy ưu điểm một cách triệt để.
Không thể phủ nhận rằng VLTK có rất nhiều cái hay riêng mà mỗi người chơi đều có thể tìm ra được cho mình. Từ các hoạt động như săn boss, công thành, Tống Kim… sự mới lạ, hấp dẫn đòi hỏi phải thời gian để tìm hiểu, rèn luyện và tích thêm kinh nghiệm, đồng thời trong đó những người cùng mới bắt đầu quen biết nhau, trở thành bạn tốt.
Nói đến game online, ngoài sự thành công của việc điều hành, của cốt truyện thì còn bởi sức nóng mà cộng đồng có thể được duy trì. Cộng đồng VLTK được khởi đầu như thế phát triển vô cùng vững chắc, như ca khúc “Võ Lâm niềm tin và hi vọng” chính là bài hát thể hiện tinh thần của biết bao người gắn bó với game.
Có thể nói, đối với hãng Kingsoft nói riêng và với thể loại game kiếm hiệp được nhập về Việt Nam sau này đều có ảnh hưởng từ VLTK. Bắt đầu bằng việc tạo ra thế đứng vững vàng cho chính mình, VLTKI dẫn đường cho việc tạo ra VLTKII, VLTKII, tạo động lực cho VNG mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực MMORPG, trong đó thành công nhất tính tới hiện nay phải kể đến Kiếm Thế - một truyền nhân được hứa hẹn sẽ thế chỗ VLTK trong tương lai.
Hiện tại, cho dù VLTK không còn giữ được “phong độ” như thời hoàng kim nữa, nhưng chuyện game đóng cửa vẫn còn quá xa vời. Bởi lẽ, trước hết đó là biểu tượng gắn liền với cái tên VNG chẳng dễ gì phá vỡ, nhưng quan trọng nhất khi dù cho nhiều người rời bỏ, nhiều người chê trách, VLTK vẫn còn rất nhiều gamer tâm huyết.
Nhiều người chơi cả mới cả cũ để tận hưởng “cảm giác của huyền thoại”, để giữ những mối liên hệ với bạn bè, để chỉ giản đơn tham gia các hoạt động như một thói quen… hay bởi nó đã vô tình trở thành sự gắn bó mật thiết khó có thể thay đổi được.
Và có những điều đã không như trước
Thành thật mà nói, so với những thay đổi chóng mặt hiện nay của game online, VLTK thực sự chẳng có gì quá nổi bật. Tất nhiên, nếu là năm 2011 này chứ không phải 2005, chắc hẳn game chẳng thể được một phần như nó đã từng làm. Bộ mặt game không có gì quá đặc sắc, lối chơi thì na ná nhiều game khác (nếu không tính rằng VLTK đến trước) và NPH vẫn “hút máu” với tốc độ chóng mặt… nhiều người nói rằng VLTK đã tới lúc “tàn”.
Người chơi lúc nào cũng muốn đóng góp, đóng góp thật nhiều, có ý tưởng gì hay sẽ lập tức kiến nghị NPH thực hiện để vực dậy game, để tìm lại cái thời mà “nhà nhà Võ Lâm, người người Võ Lâm”, nhưng thật khó làm sao.
Những bất cập trong việc quản lí, tổ chức sự kiện, việc lạm dụng auto khiến trò chơi trở nên nhàm chán khi chỉ toàn những chiếc máy tính cắm chuột, những thay đổi về cách chia thưởng, về tỉ lệ rơi đồ, về việc cập nhật các trang bị cũng như phiên bản mới… rất nhiều rất nhiều điều thay đổi thông qua từng ngày VLTK phát triển. Chỉ có điều người chơi càng ngày càng thấy nó trở nên vô nghĩa. Do đội ngũ điều hành game kém sáng tạo? Hay bởi người chơi đã đến lúc “chán” game?
Thật khó để trả lời câu hỏi này, tuy nhiên hiện nay không chỉ VNG mà cả gamer cũng phải tham gia vào công cuộc vực dậy huyền thoại VLTK. Dù rằng cho tới giờ, chẳng có gì khác ngoài việc Võ Lâm không cạnh tranh được lượng người chơi đông đảo như Kiếm Thế, không có đại gia “một phút 35 triệu”… người chơi Võ Lâm vẫn đầu tư từng chút từng chút một, lâu dài và tâm huyết với niềm yêu thích của mình.
Đôi khi, ai đó tự cảm thấy nản, cảm thấy vô vị với một món ăn đã nhạt miệng, lại quyết tâm “bỏ game”, “từ game”. Thực hiện được cũng có, mà đổi ý quay lại cũng có… những khuyết điểm đang vấp phải sẽ còn tồn tại lâu, nhưng chẳng phải là tất cả lí do để VLTK bị người chơi ruồng bỏ. Minh chứng lớn nhất rằng nhiều gamer vẫn gọi nó là “Tựa game sô 1 Việt Nam”, và tất cả đều coi VLTK như một “tượng đài” mãi mãi vẫn còn đứng đó dù nó có bị năm tháng ăn mòn.