Những lý do khiến game thủ nên quên đi game lậu

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 03/09/2013 05:24 PM

Server lậu luôn có lợi thế nhất định với mức giá mềm nhưng gamer vẫn nên quên hẳn game lậu đi bởi những lý do rất thuyết phục.

Không thể phủ nhận được game lậu luôn có lợi thế nhất định với việc nhiều game online nổi tiếng thế giới đến tay game thủ với mức giá mềm hơn hẳn cùng điều kiện đường truyền ổn định hơn. Song vẫn còn đó vô vàn lý do khiến gamer nên hoàn toàn lãng quên đi các server private.
 
Ức chế về mặt ngôn ngữ
 
Có thể khẳng định rằng, ức chế về mặt ngôn ngữ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều game thủ không thích chơi ở các server lậu. Khi tham gia vào chơi một game online mà giao diện toàn là tiếng Anh mà thậm chí, tệ hại hơn là tiếng Trung Quốc thì chắc chắn, bạn sẽ phải... lè lưỡi, lắc đầu với giao diện quá rắc rối như vậy.
 
Những lý do khiến game thủ nên quên đi game lậu 1
 
Rắc rối lớn nhất ở đây chính là làm nhiệm vụ. Hãy thử hình dung xem, vừa làm nhiệm vụ, bạn vừa phải ke ke bên mình một Website từ điển để tra từ. Có thể, đối với những quest đi đánh quái thì không sao nhưng sang đến nhiệm vụ trả lời câu hỏi về hiểu biết trong game, liệu bạn có tự tin rằng mình đủ trình độ ngoại ngữ để có thể đọc hiểu hết nội dung trong đó mà trả lời cho chính xác? Chẳng lẽ cứ chơi game một lúc lại phải bật từ điển để tra từ?
 
Hiện tại, dù cho một số game đã có dịch một số phần nhưng việc vừa phải "dịch" tiếng Việt vừa phải dịch tiếng nước ngoài cùng một lúc cũng thật là mệt mỏi.
 
Cộng đồng quá ít
 
Một đặc điểm chung của các server lậu là chúng khá vắng người. Nếu bạn chịu khó chơi các server lậu ở bên nước ngoài thì số lượng người chơi còn có thể đông đảo hơn một chút (vì bao gồm rất nhiều người chơi đến từ khắp thế giới) chứ nếu chơi ở một số server lậu bên Việt Nam như Lineage II, Aion... thì thực sự, tình cảnh "chỉ còn ta với nồng nàn" khi đăng nhập vào game là chuyện rất bình thường.
 
Vì đây chỉ là một server lậu, server chui nên chắc chắn, nó không thể đảm bảo được một số lượng người chơi đông đảo như ở những tựa game online chính thống. Số lượng người chơi mới tham gia vào rất ít bởi server đã ra từ lâu, các game thủ cũ đã tạo được một cách biệt quá lớn với chỉ số level quá cao với những item cực khủng.
 
Những lý do khiến game thủ nên quên đi game lậu 2
 
Hơn thế nữa, phải họa hoằn lắm thì người ta mới chịu chơi ở những server lậu này, có thể là do tựa game cũ ở nước nhà đã bị đóng cửa hay cũng có thể là do nó không được phát hành ở Việt Nam. Do đó, số lượng game thủ biết đến sự tồn tại của các server này cũng khá ít ỏi. Đó là chưa kể đến chuyện các server lậu này khó lòng thu hút được một lượng lớn gamer trung niên vì rào cản ngôn ngữ.
 
Nỗi lo bị hack, bị ban nick
 
Một đặc điểm chí mạng khác của các server lậu mà người chơi thường phải kêu trời chính là việc tình trạng hack game, hack account và thậm chí là đột nhiên bị ban nick với không một lời giải thích diễn ra thường xuyên.
 
Những lý do khiến game thủ nên quên đi game lậu 3

 
Hack trong game thì khỏi phải nói, đây là server lậu, không có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp từ phía NPH. Hack tài khoản hay đột ngột bị ban nick thì khỏi phải nói. Không có ai phải chịu trách nhiệm mà thậm chí là bạn cũng chẳng tìm ra chỗ nào để tố cáo, để thắc mắc. Cái giá phải trả của việc chơi ở những server lậu chính là việc nó không thể đảm bảo cho bạn những quyền lợi về mặt tài sản khi như ở những game online được phát hành chính thức.
 
Server có thể đóng cửa bất cứ lúc nào
 
Như đã nói ở trên, chẳng ai có trách nhiệm trong việc quản lý một server lậu mà dù có admin thì bạn cũng chẳng thể truy cứu gì ở họ. Chính vì vậy, tính bảo đảm ở các server này rất thấp.
 
Những lý do khiến game thủ nên quên đi game lậu 4

Rất đột ngột, bạn có thể vô cớ nhận được một thông báo server sắp đóng cửa trong game hay trên diễn đàn. Một lời xin lỗi đơn giản không đi kèm giải thích. Hơn nữa, dù có lời giải thích thì liệu tính xác thực trong đấy được bao nhiêu phần trăm. Việc server lậu đột nhiên đóng cửa đã là chuyện rất bình thường dù nó là server ở nước ngoài hay là của Việt Nam.