Những liều thuốc có thể khiến gamer Việt tỉnh lại

PV  | 15/05/2012 0:00 AM

Tuy nhiên, đây có lẽ vẫn chỉ là những biện pháp mang tính "giả thuyết".

Hạn chế giờ chơi
 
Trước đây, nhiều NPH từng áp dụng biện pháp này để khống chế tình trạng game thủ ngồi cả ngày trước màn hình máy vi tính để chơi game online hay thậm chí là thức thâu đêm để cày kéo. Tuy nhiên, biện pháp này lại chưa thực sự hiệu quả khi người chơi vẫn có thể đăng nhập được vào game và kiếm kinh nghiệm từ việc hoàn thành nhiệm vụ hay kiếm tiền từ việc đánh quái.
 

Rất nhanh, biện pháp này đã không được khả thi và bẵng đi một thời gian, các NPH đã nhanh chóng "lơ" đi việc này và không áp dụng ở các game online mới. Có thể thấy, việc game thủ cả ngày cắm đầu vào thế giới ảo không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí óc và cả tương lai của họ mà nó còn khiến cho game online nhận phải sự kì thị hay những đánh giá khắt khe từ xã hội. Nếu được hỏi thì hiện nay, các bậc phụ huynh đều luôn luôn cho rằng cứ chơi game là hại và ngay cả các phương tiện truyền thông cũng rất hay đưa tin về việc này.
 
Chính vì vậy, việc áp dụng lại biện pháp hạn chế giờ chơi là rất cần thiết nhưng nếu muốn điều này thực sự hiệu quả thì nó cần được tất cả các NPH thực thi ở mọi game online của họ. Hơn thế nữa, người chơi cần phải không thể đăng nhập vào game được nữa khi đã quá số thời gian quy định cho hàng ngày.
 
Thành lập hiệp hội game thủ
 
Cũng giống như việc hạn chế giờ chơi, phong trào thành lập hiệp hội game thủ đã từng rất rộ lên ở nước ta. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở một số game online "khủng" của các NPH như Kiếm Thế, Fifa Online 2... chứ ở những MMO theo kiểu "mỳ ăn liền" (như Webgame) thì lại rất khó thực hiện.
 
 
Hãy nhìn lại làng game online thế giới, rất nhiều game thủ Việt từng sang chơi ở các server nước ngoài từng nói rằng đôi lúc, họ nhận được sự giúp đỡ đặc biệt từ các game thủ khác, dù cho họ là người nước ngoài và chẳng nhận được lợi lộc gì từ việc giúp đỡ. Không chỉ có vậy, các guild (bang hội) được duy trì và hoạt động khá tích cực và bền vững.
 
Việc thành lập hiệp hội game thủ cho từng game là khá quan trọng và chắc chắn nó sẽ mang lại những ý nghĩa thiết thực. Không chỉ giúp game được duy trì bền vững với một cộng đồng tâm huyết, hiệp hội game thủ còn giúp cho việc chơi game trở nên có ý nghĩa và thú vị hơn khi mà các giải đấu sẽ được thường xuyên tổ chức giữa các bang hội ở mỗi địa phương. Một ví dụ điển hình của việc này các câu lạc bộ Fifa Online 2 đang hoạt động rất tích cực ở nước ta. Thế nhưng, việc thành lập hiệp hội game thủ cho từng MMO vẫn cần phải nhận được sự hậu thuẫn chắc chắn từ phía NPH.
 
Từ bỏ nhập game rẻ tiền
 
Việc các NPH liên tục đưa về các Webgame "rẻ tiền" từ Trung Quốc với số lượng lớn đang khiến cho làng game Việt ngày càng "loạn". Các chiêu PR, quảng bá giật gân liên tiếp được tung ra nhưng cái cốt lõi là chất lượng game thì lại chẳng mấy thay đổi.
 
 
Như đã nói ở trên, chất lượng các MMO mới được đưa về nước ta đang dậm chân tại chỗ và điều này khiến cho tuổi thọ của chúng ngày càng giảm sút rõ rệt. Rất nhiều người bỏ chơi game đơn giản chỉ vì chán chứ không phải bị NPH đối xử tệ. Lúc mới đầu, các trò chơi trực tuyến này có thể rất hấp dẫn họ nhưng chỉ được một thời gian, khi mà lối chơi cũ mèm đã bị bộc lộ ra thì game thủ sẽ rất nhanh mất đi động lực khám phá, tìm hiểu thế giới ảo rồi sau đó là mất hẳn hứng thú khi chơi.
 
Điều đáng nói hơn là khi mà các MMO Trung Quốc với nội dung, lối chơi y hệt nhau đi kèm với các loại Auto tự đánh đã dần dần ngấm vào máu game thủ Việt. Game có auto, người chơi dễ cày kéo, cắm nhiều account, rồi lại ngồi chơi game cả ngày. Việc này vô hình chung khiến các NPH không dám đưa về nước những MMO đồ họa đẹp với lối chơi đổi mới, đơn giản là vì họ sẽ bị lỗ, nhiều người yêu thích MMO có lối chơi mới nhưng đa phần game thủ Việt lại vẫn chưa thể chấp nhận được những cái mới. Và nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn thì có lẽ, trong vài năm tới thì làng game Việt vẫn sẽ dậm chân tại chỗ với những game 2D hay Webgame mà thôi.
 
Việc thay đổi quan điểm chơi game của dân cày Việt sẽ có thể thay đổi nếu như lúc này, các NPH cố gắng đưa những MMO có lối chơi mới, hạn chế Webgame hay những game có đồ họa cũ kĩ về nước. Không cần chúng phải là bom tấn, phải là game nổi tiếng trên thế giới, và dần dần, đại bộ phận game thủ Việt sẽ có cơ hội được thích nghi với các MMO có phong cách đặc sắc, mới lạ.
 
Chế tài xử phạt với những hacker
 
Hack vốn là vấn đề gây nhức nhối đối với game thủ nhưng hầu như tất cả mọi người vẫn chỉ có thể tặc lưỡi "ừ thì thôi, đen thì phải chịu" mỗi khi bị những tên trộm ghé thăm tài khoản. Nếu may mắn hơn, họ có thể khiếu nại với NPH và được phục hồi lại những đồ đạc đã bị kẻ gian trộm mất.
 
 
Vấn đề ở đây là nạn hack vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng phổ biến hơn nếu như các hacker không tóm hay đơn giản là họ sẽ chẳng phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào. Vậy thì lúc này ta có thể hiểu là hack trong game online là chuyện hợp pháp, đơn giản vì người thực hiện điều này có bị phạt đâu?
 
Do đó, việc một chế tài xử phạt hacker trong game online được áp dụng có lẽ sẽ tạo nhiều tác dụng răn đe hơn với những kẻ "trộm cắp" này hay cả những kẻ viết ra các phần mềm hack. Khi mà con người biết sợ, họ sẽ biết suy nghĩ hơn về việc mình làm.
Xem thêm:

game online