Những kiểu game online chắc chắn sẽ thất bại tại Việt Nam

Ngọc Nga  | 05/05/2011 0:00 AM

Sự khó tính đến khác người của gamer và thị trường game Việt được phơi bày một cách rõ ràng.

Dù có một thị trường rộng lớn và được đánh giá là tương đối dễ tính nhưng không vì thế mà bất cứ game online nào cũng có thể có được thành công. Thậm chí, có những game online rất thành công trên thế giới nhưng lại phải chịu những thất bại cay đắng khi cố gắng tìm cách chinh phục người chơi trong nước.
 
Những yếu tố được liệt kê sau đây chắc chắn sẽ đem lại... thất bại cho game online tại Việt Nam (không kể những lý do quá chung chung như đồ họa xấu, lỗi quá nhiều... vì ở bất kỳ nước nào cũng thất bại). Vì thế, nếu như bạn hay công ty của bạn đang nhắm đến việc mang các sản phẩm này về nội địa thì hãy cẩn thận.
 
Cấu hình yêu cầu quá cao hoặc không phù hợp
 
Dù muốn hay không thì cũng phải thừa nhận rằng mặt bằng chung của PC tại Việt Nam còn chưa cao (nếu không muốn nói là thấp). Trừ một số ít các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh - những nơi có nhiều tiệm net cấu hình máy ở mức khá, không hiếm nơi hiện giờ Pentium 4 vẫn là cấu hình chủ đạo. Phải biết rằng thị trường tại các thành phố lớn hiện giờ đã gần như bão hòa nên sẽ là không sáng suốt nếu sản phẩm mới của bạn chỉ tập trung vào đây.
 

Cấu hình cao, game chắc chắn không có người chơi.
 
Vì vậy thật không sáng suốt nếu bạn đi nhập một game yêu cầu cấu hình quá cao về Việt Nam. Câu hỏi đặt ra như thế nào là quá cao? Tốt nhất, mức cấu hình yêu cầu của game chỉ nên dừng ở mức Core Duo, RAM < 2 GB và đặc biệt là không yêu cầu VGA.
 
Có một thực tế khá buồn là một số game không tương thích với một số thiết bị phần cứng nhất định. Ví dụ như Battle Star đã thất bại vì "lỡ" xung đột với main 945 - loại main phổ biến bậc nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề tương thích với hệ điều hành cũng rất quan trọng, đơn cử hồi Kiếm Tiên mới ra mắt đã chịu nhiều kêu ca vì không chơi được trên Windows 7.
 
Thu phí giờ chơi
 
Thực ra game online có rất nhiều cách thu phí khác nhau như: Thu phí giờ chơi, thu phí nội dung, quyên góp... Nhưng thực tế đã chứng minh rằng hình thức duy nhất có thể sống (và thành công) tại Việt Nam là thu phí bằng cách bán vật phẩm ảo.
 

Bỏ cash-shop sẽ rất khó tồn tại ở VN.
 
Đừng mơ tưởng về việc bạn hay game của bạn sẽ có thể thay đổi điều này trong một sớm một chiều. Nếu bạn nghĩ: game của bạn quá hay, quá hấp dẫn nên game thủ sẽ phải thay đổi thói quen hay vì tôi làm quá tốt nên game thủ sẽ "quyên góp" cho sự tồn tại của tôi. Những suy nghĩ này sẽ giết chết game của bạn.
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này nhưng quan trọng nhất trong số này là sự chi trả không cân bằng giữa các tầng lớp game thủ. Các đại gia có thể chi hàng tỷ đồng cho game nhưng bù lại, ngay cả 100.000 VNĐ mỗi tháng cũng là khoản đáng suy nghĩ với học sinh sinh viên hay những người chưa có thu nhập ổn định. Ngoài ra, việc mong chờ vào các khoản quyên góp cũng quá mạo hiểm.
 
Có lối chơi quá phức tạp
 
Một sự thật là đa số game thủ Việt không thích chơi game (đặc biệt là game online) khó với quá nhiều thử thách. Minh chứng là những game đã chinh phục game thủ Việt tính đến thời điểm này (trừ Cabal) đều có gameplay cực đơn giản, dễ tìm hiểu, dễ làm quen và cả... dễ giỏi. Hơn nữa, phải biết rằng, đối tượng chi trả chính cho game online là những người không có quá nhiều thời gian và khả năng để nghiên cứu những "uẩn khúc" của game.
 

Gameplay sâu sắc + khó cày kéo = thất bại.
 
Những game có lối chơi hay nhưng quá phức tạp chắc chắn sẽ thất bại tại Việt Nam dù chúng có hay đến đâu đi chăng nữa. Hãy nhìn vào tấm gương của Atlantica hay GE bạn sẽ thấy. Hoặc đơn giản chỉ là lối chơi turn-base như TS Online thôi đã khó hút khách. Đây cũng là nguyên nhân rất nhiều game đỉnh không thể cập bến dải đất hình chữ S.
 
Không quan trọng level (hay giới hạn level quá thấp)
 
Có một điều khá thú vị là yếu tố game thủ Việt hay so sánh và "đua" là level của nhân vật, đồ đạc chứ không phải các chiến tích (thật ra cũng khó bởi game Việt hiện nay cũng không nhiều thử thách cho lắm).


Không được để max level quá nhanh.
 
Vì vậy, nếu game của bạn chỉ cần khoảng 2 tuần để max level và skill thì hãy quên ngay chuyện nó thu hút được nhiều game thủ đi. Phần đông sẽ nghĩ rằng: "Ôi, game chán, max rồi game khác thôi" và kết quả là sản phẩm của bạn sẽ ra đi nhanh chóng hơn bao giờ hết. Game thủ Việt khá dễ tính (thực tế đã chứng minh) tuy nhiên, nếu không biết chiều lòng các thượng đế "quái tính" này, bạn sẽ cầm chắc thất bại.
 
Bối cảnh, ngôn ngữ quá thuần phương Tây
 
Mấu chốt làm nên thành công của một số MMORPG ăn khách nhất Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại là vì chúng đi theo xu hướng kiếm hiệp, tiên hiệp hoặc ít nhất là chọn bối cảnh Á Đông (chủ yếu là Trung Hoa). Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa rằng nếu không phải là game kiếm hiệp thì sẽ thất bại, nhưng ngôn ngữ, bối cảnh quá thuần phương Tây thì gần như chắc chắn.
 

Quá khó để những hình ảnh như thế này thu hút gamer Việt.
 
Có thể thấy rõ trong lịch sử phát triển của game online Việt, rất hiếm MMO lấy bối cảnh Tây Phương (thần thoại Bắc Âu...) mà hút khách tốt. Ngay đối với webgame cũng vậy. Thông thường NPH phải "biến tướng" nó đi một chút, như trường hợp Kiếm Tiên khi VNG đã trổ nhiều tài nghệ trong việc dịch thuật ngôn ngữ để khiến nó mang nét gì đó Á Đông.
 
Vì thế, nếu một MMO mà toàn skil tiếng Anh, phong cảnh lẫn nhân vật đều mặc giáp trụ phương Tây thì gần như không có cửa thành công tại Việt Nam. Sự thật ấy khó mà chối cãi.
 
Không có auto
 
Vấn đề auto có phải là yếu tố thấp kém hay không vẫn đang gây tranh cãi trong cộng đồng game thủ Việt từ lâu, một bên khẳng định nó giúp ích cho người chơi, một bên mạt sát thậm tệ. Thế nhưng ai cũng phải công nhận một điều là nếu không có auto, các game nhập vai (kể cả webgame) sẽ thảm bại nhanh chóng tại Việt Nam.
 

Không có auto thì đừng mua game nhập vai về VN làm gì.
 
Auto ở đây không chỉ gói gọn trong việc luyện cấp, mà còn kiêm cả chức năng tìm đường, chúng càng thuận tiện bao nhiêu, tiết kiệm số lần "click" càng tốt thì càng được ưa chuộng. Không khó để nhận ra rằng tất cả các MMORPG ăn khách trong nước đều phải "pro" trong khía cạnh này.
 
Còn bạn, bạn có đồng ý với những gì kể trên không?