Những kiểu đóng cửa game kỳ lạ ở Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 23/12/2012 0:00 AM

Với dân số gần 90 triệu người, lượng người trong độ tuổi thành niên là hơn 35 triệu, Việt Nam được đánh giá là thị trường lớn nhất Đông Nam Á...

Với dân số gần 90 triệu người, lượng người trong độ tuổi thành niên là hơn 35 triệu, Việt Nam được đánh giá là thị trường lớn nhất Đông Nam Á với doanh thu cao nhất và lượng game thủ cũng đông nhất. Nắm bắt điều đó, hàng loạt công ty liên tục mở ra để phát hành game phục vụ người chơi nước nhà. Tuy nhiên, rất nhiều game online được phát hành ở Việt Nam đều chỉ được một chốc, một lát và có tính "thời vụ" khá cao. Sau khi hết "thời vụ", chúng đột ngột lặt mất tăm với các lý do khá buồn cười:
 
Game cứ thế... âm thầm đóng cửa
 
Nếu như trước đây, cứ mỗi khi đóng cửa một game thì NPH đều ra thông báo, gửi lời tri ân hay có chính sách đền bù cho game thủ thì hiện nay, khi hàng loạt Webgame được phát hành thì có vẻ như việc đóng cửa một game online ở Việt Nam đang trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
 
Những kiểu đóng cửa game kỳ lạ ở Việt Nam 1
 
Một tình trạng đáng suy ngẫm đó là việc một số NPH đột ngột đóng cửa game online mà chẳng có bất cứ một thông báo nào. Họ chỉ đơn giản là đóng cửa trang chủ của tựa game đó, khiến game thủ không thể nào vào chơi được là khiến cho người chơi tự hiểu rằng "game đã đóng cửa".
 
Trên thực tế, với cả trăm Webgame đang được phát hành ở Việt Nam hiện nay thì việc một Webgame ít người chơi đột ngột, lặng lẽ đóng cửa cũng không tạo được nhiều chú ý, thậm chí chẳng ai để tâm đến ngoại trừ một số rất ít game thủ từng trung thành và gắn bó với Webgame đấy. Dẫu vậy, điều này đã thể hiện một dấu hiệu cho thấy quyền lợi của game thủ đang ngày càng không được bảo đảm, và chất lượng dịch vụ của các NPH game Việt đang ngày càng sa sút.
 
Game đóng cửa vì... ngăn chặn hack thành công
 
Vào tháng 3/2009, Asiasoft đã chính thức đóng cửa Cabal Online ở Việt Nam. Nguyên nhân của việc này được NPH cho biết rằng đã xảy ra sự cố trên là rất đáng tiếc, bởi lý do không phải từ chính họ mà lại nằm ở phía đối tác. Hiện tại nhà phát hành này đã kết thúc hợp đồng với công ty phát triển game là ESTSoft của Hàn Quốc.
 
Những kiểu đóng cửa game kỳ lạ ở Việt Nam 2
 
Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là lý do chống chế vì ai cũng biết rằng vào thời điểm đó, Cabal vừa trải qua một cơn "đại hồng thủy" khi cùng lúc 17.000 tài khoản in-game bị khóa với lí do "hack" khiến mọi việc đã trở nên khó khăn do lượng người chơi giảm sút nghiêm trọng, game đã không còn đem lại lợi nhuận cho NPH nên việc Cabal bị đóng cửa cũng là điều không khó để lý giải.
 
Có thể nói, Cabal Online chính là ví dụ chính xác của câu nói "Đến lúc hết hack thì game cũng đóng cửa, vì ai chơi game cũng hack".
 
Game đóng cửa luôn mặc dù hứa sẽ quay trở lại
 
Vào tháng 8/2010, Danh Tướng Online đột ngột bị Net Asia dừng hoạt động ở Việt Nam. Lý do đóng cửa mà Netgame Asia đưa ra là nhằm tiết giảm yếu tố bạo lực trong game cho phù hợp với quy định của Nhà nước.
 
Những kiểu đóng cửa game kỳ lạ ở Việt Nam 3
 
Một điều khá buồn cười là vào thời điểm đó, NPH hứa chắc với game thủ như đinh đóng cột rằng sẽ chỉ dừng hoạt động game một thời gian để chỉnh sửa, update nhằm loại bỏ yếu tố bạo lực và sẽ sớm quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tức hơn 2 năm sau khi đóng cửa thì Danh Tướng Online vẫn chưa hề có bất cứ động thái nào thể hiện rằng mình sẽ được mở cửa trở lại, ngoài việc một vài server private từng được khai mở.
 
Điều đáng chú ý hơn là vào thời điểm đóng cửa, vì rằng với lời hứa sẽ sớm quay trở lại nên hầu như việc "đền bù" cho các game thủ từng nạp nhiều tiền vào game gần như không được đả động tới...
 
Game bị bắt đóng cửa
 
2010 có thể coi là năm "đen tối" nhất của làng game Việt trong lịch sử khi không chỉ sở hữu lượng game online đóng cửa đáng nể (hơn 20 game), làng game Việt còn bắt đầu chìm vào giai đoạn trầm lặng khi việc phát hành game online trở nên khó khăn hơn khi yếu tố "bạo lực" trong game bắt đầu được quản lý sát sao hơn.
 
Những kiểu đóng cửa game kỳ lạ ở Việt Nam 4
 
Vào thời điểm đó, chúng ta có lẽ sẽ không thể quên được 2 MMOFPS vẫn còn đang khá "hot" ở Việt Nam là Biệt Đội Thần Tốc và Đặc Nhiệm Anh Hùng đã đột ngột bị đóng cửa. Trên thực tế, các MMO này đều bị xếp vào danh sách "game có yếu tố bạo lực" và đã bị buộc phải đóng cửa ở Việt Nam. Thậm chí, trước khi game chính thức đóng cửa thì NPH còn phải "chặn" không cho game thủ đăng nhập vào chơi. Tất nhiên, điều này cũng là một nguyên nhân giúp cho Đột Kích trở thành MMOFPS "đông khách" nhất Việt Nam.
 
Game đóng cửa vì lý do "nhạy cảm"
 
Theo tin mới nhận, VNG đã chính thức công bố việc đóng cửa Chinh Đồ 1 & 2 từ ngày 19/12 tới. Đây là động thái tương đối bất ngờ vì đây vẫn là một trong những MMO hái ra tiền của hãng và có tuổi đời lên tới 4, 5 năm.
 
Những kiểu đóng cửa game kỳ lạ ở Việt Nam 5
Thông báo đóng cửa Chinh Đồ.
 
Trên trang chủ game, VNG giải thích lý do đóng cửa Chinh Đồ có liên quan tới việc bản đồ mới của trò chơi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (bản đồ này mới cập nhật ngày 14/12 vừa qua). "Đây là nội dung cập nhật không đúng với cam kết cũng như yêu cầu của VNG", đại diện hãng cho hay.

Phía VNG còn không quên khẳng định họ "kiên quyết không thỏa hiệp và chấp nhận các động thái làm ảnh hưởng đến văn hóa, pháp luật, con người và tinh thần dân tộc Việt Nam". Tuy nhiên một số gamer cho rằng việc đóng cửa Chinh Đồ ngay tức khắc là điều khôn ngoan khi game mắc phải sự cố nghiêm trọng bên trên.
 
Điều may mắn là mặc dù đóng cửa vì sự cố khá "nghiêm trọng" nhưng NPH VNG vẫn hứa sẽ đền bù thỏa đáng cho các game thủ. Cần phải biết rằng trong Chinh Đồ, số lượng người chơi nạp từ chục triệu cho tới hàng trăm triệu VNĐ vào game không hề ít tí nào.