Ở một thị trường nơi việc phát triển game vẫn chưa có được những bước tiến đáng kể, cũng như chưa được đầu tư một cách thỏa đáng, thì việc đầu tư mua những tựa
game online do nước ngoài phát triển đã và đang trở thành lựa chọn gần như duy nhất để các nhà phát hành tìm được cho mình thành công tại
làng game Việt.
Rất nhiều những sản phẩm ngoại (phần lớn là từ Trung Quốc) đều đã gặt hái được không ít thành công tại thị trường
game online Việt Nam. Tuy nhiên nhiều điều ít người biết đến, đó chính là những góc khuất trong làng game, hay cụ thể hơn là chính trong nội bộ những
nhà phát hành game Việt đã và đang khiến cho chúng ta có những bước tiến chậm lại so với tốc độ vốn có.
Từ việc cạnh tranh không lành mạnh
Trước đây GameK từng có một bài viết phân tích về thực trạng các NPH Việt đi mua game khó khăn ra sao.
Không ít những game online đang trên đường về với dải đất hình chữ S đã và đang được cùng lúc nhiều nhà phát hành đàm phán một cách độc lập với đơn vị sở hữu bản quyền phát hành tại nước sở tại.
Điều này có nghĩa là, một tựa game đôi khi (có vẻ như đã) trở thành mục tiêu của nhiều NPH, tất cả (lại có vẻ như) đều muốn đưa tựa game này về mái nhà của chính mình bằng mọi giá. Thế nhưng liệu có đôi chút phi lý, khi số lượng những game online được đánh giá tích cực tại thị trường Trung Quốc là không hề nhỏ, thế nhưng vì sao các nhà phát hành lại cố gắng giành giật với nhau một tựa game online?
Kỳ thực, theo đại diện một số NPH game Việt, đây là một chiêu thức “dìm” đối thủ mới của một bộ phận những cái tên đã trở nên quen thuộc trên bản đồ MMO Việt. Thông thường, sau khi “đánh hơi” thấy mục tiêu mà một nhà phát hành đối thủ đang nhắm tới, một số nhà phát hành Việt Nam cũng sẽ bước vào một cuộc đua ảo mà chính họ đã tạo nên.
Họ vẫn sẽ ngồi vào bàn đàm phán với đơn vị nắm giữ bản quyền, phía đối tác. Tuy nhiên mục đích của những nhà phát hành này hoàn toàn không phải để nẫng tay trên tựa game đầy hứa hẹn nọ, mà đơn thuần chỉ là gây khó khăn cho nhà phát hành thực sự mong muốn phát hành sản phẩm này.
Đến cả khai khống giá mua game
Mới đây, đại diện một nhà phát hành đã có trao đổi với GameK, qua đó những góc tối trong nội bộ khác của làng game đã dần được hé lộ. Cụ thể hơn, nhà phát hành này đã đàm phán thành công với một nhà phát triển game Trung Quốc để đưa một sản phẩm của họ về Việt Nam với cái giá vào khoảng gần 30.000 USD.
Thế nhưng, một nhà phát hành khác lại nhảy vào cuộc chơi. Đại diện tham gia thương vụ này đưa ra cho chủ sở hữu thương hiệu cái giá 100.000 USD, nghĩa là gấp hơn 3 lần! Dĩ nhiên, vì lý do lợi nhuận, bản hợp đồng đã được ký kết với nhà phát hành trả giá cao hơn.
Thế nhưng câu chuyện chưa dừng lại tại đây. Về sau sự thật mới vỡ lở, nhà phát hành game Trung Quốc chỉ nhận được 80.000 USD, trong khi đại diện NPH Việt nghiễm nhiên bỏ túi riêng 1/5 khoản tiền bỏ ra mua game. Đại diện NPH Việt đã đưa ra một thỏa thuận với phía Trung Quốc, khi họ vừa bán được game với giá hời, cá nhân kia vẫn nhận được một khoản “lót tay” kha khá. Lợi cả đôi bên.
Có thể nói, trong những trường hợp như thế này, thiệt thòi nhất vẫn cứ là nhà phát hành Việt và chính chúng ta, những game thủ Việt.
Gây hại cho thị trường
Trong hóa đơn mua bán game, dĩ nhiên khoản tiền lót tay kể trên giữa đại diện Trung Quốc và đại diện của NPH Việt Nam không hề được đề cập tới, và giá mua game do đại diện này báo về Việt Nam vẫn là con số 100.000 USD tròn trĩnh. Điều này có nghĩa là NPH Việt không hề hay biết tới số tiền lớn kể trên đã rơi vào túi của một vài cá nhân.
Đó cũng là một trong số những lý do khiến cho các nhà phát hành game online Việt Nam luôn phải mua game Trung Quốc với cái giá trên trời. Điều này ảnh hưởng khá nhiều tới doanh thu cũng như chính sách kinh doanh game của họ.
Ngay cả cộng đồng game thủ cũng bị ảnh hưởng. Vì đã phải mua game với cái giá cao, nên các NPH cũng cần tính tới những sách lược “hút máu” game thủ để mau chóng thu hồi vốn. Những món đồ trong cash shop hay những event cũng vì thế mà xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Nếu mua được game đúng giá, có lẽ những lời than thở về NPH “hút máu” sẽ ít đi rất nhiều.
Điều đáng buồn ở đây là trong ngành game Việt, không ít người biết được sự thật này, nhưng họ cũng ngại ngần và không muốn tiết lộ ra. Từ đó, làng game Việt nói chung đã và đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tư lợi bất chính của một số cá nhân.