Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 04/03/2014 0:00 AM

Cạnh tranh là chất xúc tác cần thiết, nhưng cũng không thiếu những chiêu trò cạnh tranh gây hại đến toàn bộ thị trường game Việt Nam.

Từ trước tới nay, không ít những chiêu trò của các nhà phát hành game online nước nhà đã bị cộng đồng game thủ của làng game Việt lên tiếng chỉ trích. Có thể nói, không ít vấn đề, hay nói đúng hơn là những chiêu trò của một bộ phận các NPH đã và đang khiến cho cộng đồng có cái nhìn phiến diện và sai lệch về thị trường game trong nước.

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 1

Có thể lấy một vài ví dụ như các nhà phát hành game Trung Quốc sử dụng không ít những chiêu trò, từ việc phát hành game không phép tới việc núp bóng các cổng phát hành game để dễ dàng tiếp tục công việc kinh doanh của mình.

Trong một số trường hợp khác, NPH lại lạm dụng cái tên của những game online đình đám thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ Việt để quảng bá cho sản phẩm của mình. Đến khi game ra mắt, game thủ mới tá hỏa trước chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” của NPH.

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 2

Hay cũng có thể, những cuộc tranh cãi nổi lên gay gắt khi một game thủ nghi ngờ một hay một vài GM lạm quyền, trục lợi cho bản thân.

Thế nhưng đó mới chỉ là vẻ bề ngoài. Giữa chính các nhà phát hành game trong nước cũng tồn tại không ít vấn đề còn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Những góc tối này hiện hữu ngay trong nội bộ các doanh nghiệp, hay thậm chí là trong cả cách các NPH cạnh tranh lẫn nhau.

Dìm hàng đối thủ

Trong những bài viết trước đây mà GameK có đề cập, không ít những game online đang trên đường về với dải đất hình chữ S đã và đang được cùng lúc nhiều nhà phát hành đàm phán một cách độc lập với đơn vị sở hữu bản quyền phát hành tại nước sở tại.

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 3

Điều này có nghĩa là, một tựa game đôi khi (có vẻ như đã) trở thành mục tiêu của nhiều NPH, tất cả (lại có vẻ như) đều muốn đưa tựa game này về mái nhà của chính mình bằng mọi giá. Kỳ thực số lượng những game online được đánh giá tích cực tại thị trường Trung Quốc là không hề nhỏ. Điều khó hiểu chính là, vì sao game nhiều như vậy mà các NPH lại cố gắng giành giật duy nhất một tựa game?

Kỳ thực, theo đại diện một số NPH game Việt, đây là một chiêu thức “dìm” đối thủ mới của một bộ phận những cái tên đã trở nên quen thuộc trên bản đồ MMO Việt. Thông thường, sau khi “đánh hơi” thấy mục tiêu mà một nhà phát hành đối thủ đang nhắm tới, một số nhà phát hành Việt Nam cũng sẽ bước vào một cuộc đua ảo mà chính họ đã tạo nên.

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 4

Họ vẫn sẽ ngồi vào bàn đàm phán với đơn vị nắm giữ bản quyền, phía đối tác. Tuy nhiên mục đích của những nhà phát hành này hoàn toàn không phải để nẫng tay trên tựa game đầy hứa hẹn nọ, mà đơn thuần chỉ là gây khó khăn cho nhà phát hành thực sự mong muốn phát hành sản phẩm này.

Việc cùng lúc phải đàm phán với nhiều bên chắc chắn sẽ khiến quá trình đạt được thỏa thuận hợp tác giữa hai phía, với một bên là nhà phát hành game online Việt Nam bị đình trệ. Chưa dừng lại ở đó, việc đàm phán cũng vô tình tạo ra tình trạng  khi đơn vị sở hữu bản quyền luôn muốn bán tựa game cho bất kỳ bên nào sẵn sàng trả cái giá cao nhất để sở hữu tựa game của mình.

Khai khống giá mua game online

Đại diện của một nhà phát hành đã từng có lần trao đổi với GameK, qua đó những góc tối trong nội bộ các NPH cũng đã dần được hé lộ. Cụ thể hơn, nhà phát hành kể trên đã đàm phán thành công với một nhà phát triển game Trung Quốc để đưa một sản phẩm của họ về Việt Nam với cái giá vào khoảng gần 30.000 USD.

Thế nhưng, một nhà phát hành khác lại nhảy vào cuộc chơi. Đại diện tham gia thương vụ này đưa ra cho chủ sở hữu thương hiệu cái giá 100.000 USD, nghĩa là gấp hơn 3 lần! Dĩ nhiên, vì lý do lợi nhuận, bản hợp đồng đã được ký kết với nhà phát hành trả giá cao hơn.

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 5

Thế nhưng câu chuyện chưa dừng lại tại đây. Về sau sự thật mới vỡ lở, nhà phát hành game Trung Quốc chỉ nhận được 80.000 USD, trong khi đại diện NPH Việt nghiễm nhiên bỏ túi riêng 1/5 khoản tiền bỏ ra mua game. Đại diện NPH Việt đã đưa ra một thỏa thuận với phía Trung Quốc, khi họ vừa bán được game với giá hời, cá nhân kia vẫn nhận được một khoản “lót tay” kha khá. Lợi cả đôi bên.

Có thể nói, trong những trường hợp như thế này, thiệt thòi nhất vẫn cứ là nhà phát hành Việt và chính chúng ta, những game thủ Việt.

Mạo danh NPH khác đi hỏi mua game

Để tranh giành miếng bánh doanh thu thì trước nay đã xuất hiện không ít kiểu làm game chộp giật, xấu chơi với đối thủ để đạt mục đích của mình. 

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 6

Có thể điển hình như cách đây không lâu một số hãng game gốc Trung Quốc cố tình mua quảng cáo trên Google dưới tên sản phẩm đối thủ để cạnh tranh SEO, hay thậm chí là giả mạo cả hình ảnh trò chơi để gây hiệu ứng trong cộng đồng để rồi cuối cùng lộ mặt ra game của họ chỉ là webgame 2D cũ kỹ.

Trong thời gian qua, thị trường game Việt Nam cũng manh nha xuất hiện thủ đoạn "mạo danh thương hiệu" các NPH có tiềm lực để đi mua game dễ dàng hơn. Nói một cách dễ hiểu thì doanh nghiệp mạo danh sẽ tự nhận mình sở hữu thương hiệu tốt, họ đi rêu rao ra khắp các đối tác nước ngoài mà không cần biết đến hậu quả cho nạn nhân.

Những góc tối còn tồn tại của ngành game Việt Nam 7

Với chiêu trò trên, hậu quả dễ thấy đầu tiên là "nạn nhân" dễ dàng bị mất thương hiệu dày công xây dựng vào tay đối thủ. Trong khi đó kẻ mạo danh thì ung dung chẳng phải tốn chút công sức nào vẫn cạnh tranh thành công. Đó là chưa kể đến việc nếu không cẩn thận, thương hiệu bị đánh cắp cũng dễ mất đi uy tín với các đối tác nước ngoài.

Lợi bất cập hại

Ở một chừng mực nhất định, cạnh tranh là chất xúc tác hoàn hảo để thúc đẩy thị trường phát triển. Thế nhưng quá chú tâm vào việc gây khó dễ đối thủ cũng như cho chính doanh nghiệp mình đang phục vụ vì lợi ích cá nhân, không chừng hệ quả sẽ là gậy ông đập lưng ông.

Rõ ràng những chiêu bài như thế này của một số nhà phát hành game online Việt Nam lại dấy lên những lo ngại về những chiêu trò cạnh tranh mang tính lợi bất cập hại hiện nay. Hệ quả của chúng đôi khi khá giống với việc sử dụng những teaser 18+ chẳng hạn, khi sẽ chỉ có làng game Việt nói chung phải chịu thiệt hại nặng nề.