Những điều đáng lo nhất của GO Việt thời điểm này

PV  | 25/07/2012 0:00 AM

Nếu như 3 lý do trên là khách quan thì nỗi sợ lớn nhất của thị trường game Việt là dến từ chính khách hàng. Game thủ Việt đang chính tay mình đưa thị trường game Việt tới gần sự sụp đổ hơn bao giờ hết.

Một thực tế là cũng giống như kinh tế toàn cầu, game online Việt đang chìm sâu vào đợt khủng hoảng sâu và dài nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Lượng người chơi thì không rõ nhưng doanh thu toàn thị trường đã giảm/ tăng không đáng kể từ sau con số gây shock 109 triệu USD vào năm 2010. Một thực tế mà không cần bất cứ báo cáo nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy: sự suy yếu của MMO, sự nhàm chán của một (loại) kịch bản cứ lập đi lập lại từ game này sang game khác.
 
Một dòng chảy rõ ràng đang xuất hiện với điểm đầu là "kho" người chơi khổng lồ của GO sang các loại hình giải trí khác. Đâu là những vấn đề lớn nhất đang xảy ra với thị trường game Việt?
 
Chưa có một cơ chế quản lý rõ ràng

2 năm trở lại đây, kể từ sau quy chế quản lý tạm thời game online xuất hiện, việc phát hành thêm game mới dường như là điều không thể tại Việt Nam. Theo đó, tạm thời, các cơ quan quản lý chưa cấp phép cho bất cứ game online nào hoạt động mới trong thời gian này đồng thời kiểm tra và rà soát lại các game online đang có mặt trên thị trường.

Tất nhiên, đây là một hành động đúng đắn trong hoàn cảnh những tác hại của việc nghiện game là quá rõ ràng. Nhưng, đáng tiếc là một cơ chế quản lý game chính thức vẫn chưa xuất hiện sau 2 năm đằng đằng chờ đợi của thế giới GO. Một khi cơ chế này còn chưa xuất hiện, các NPH còn phải mò mẫm dài dài trong bóng tối và sự trở lại của game online Việt là điều gần như không thể.
 
Sự rút lui của các ông lớn
 
Có một sự thật có thể các bạn không nhận ra, các ông lớn đang dần tìm cách rút chân khỏi thị trường game online (có vẻ) đã bão hòa và đầy rủi ro. Tất nhiên, không phải một sự rút lui ngay tức khắc.
 
 
Hãy nhìn cái cách Asiasoft lặng lẽ biến mất khỏi thị trường cách đây khoảng 2 năm. Có thể Asiasoft Việt Nam đang thất bại ở một góc độ nào đó nhưng AS hoàn toàn có khả năng để trụ vững chờ cơ hội phát triển. Tuy nhiên, họ đã chọn cách rút lui.
 
Hay ngay cả doanh nghiệp game hàng đầu Việt Nam: VNG - Vinagame. Khoảng 3 năm trở lại đây, cho dù vẫn là lĩnh vực đem lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp (1700/2200 tỷ đồng doanh thu) nhưng lĩnh vực mà VNG tập trung trong tương lai lại không phải là game online. Ngoài tình trạng khó khăn chung của thị trường, sự chuyển hướng của VNG là một trong những dấu hiệu rất đáng lo cho tương lai của GO tại Việt Nam.
 
Cái nhìn thiếu khách quan của xã hội
 
Không một ai làm trong lĩnh vực game lại không cảm thấy bất công với cái cách mà game online và game thủ bị kỳ thị. Cách đây khoảng 1 tuần, tôi có một cuộc nói chuyện phiếm với một người bạn đang làm tại một công ty game online lớn tại Việt Nam: "Giờ cứ có vụ giết người nào là anh sợ lắm em ạ. Chẳng may thằng sát thủ nó khai ra mình có chơi game là toi anh em mình rồi". Sự thật là thế, đôi khi không cần biết lý do, một công thức gần như đã mặc định được ra đời như sau:
 
Có chơi game + (hư hỏng, giết người, ăn chơi, học tập xuống dốc....) = nạn nhân của game online.
 

 
Thật ra, suy nghĩ này không phải là hiếm và không hề đùa một chút nào. Nếu bạn không tin, hãy thử hỏi cha mẹ/ những người lớn tuổi xung quanh bạn. Tôi đảm bảo ít nhất 8/10 người có chung suy nghĩ kiểu này. Và thực sự, với việc bị kỳ thị như vậy, khó có "cửa" nào cho game online phát triển.

Xu hướng mỳ ăn liền hóa thị trường

Nếu như 3 lý do trên là khách quan thì nỗi sợ lớn nhất của thị trường game Việt là dến từ chính khách hàng. Game thủ Việt đang chính tay mình đưa thị trường game Việt tới gần sự sụp đổ hơn bao giờ hết.
 
Số là các game thủ Việt vốn lười suy nghĩ, chăm cày cuốc và khoái lên level. Đối với game thủ Việt, nội dung game, gameplay... tất cả chỉ là phụ, quan trọng là được lên level. Thế mới có chuyện không ít game thủ Việt phát biểu xanh rờn: Tôi không chơi WoW vì... max level nhanh quá.
 
 
Và sở thích của game thủ là như vậy nên NPH cũng không hơi đâu quan tâm chăm chút nội dung hay gây dựng cộng đồng. Họ chọn giải pháp phát hành game theo kiểu siêu tốc. Mà siêu tốc có nghĩa là quên Close Beta, Open Beta đi nhé, game chỉ còn 2 giai đoạn: tiền thương mại hóa (rất ngắn) và thương mại hóa. Thêm nữa, exp, gold, item rate luôn ở mức x3 x 4 thậm chí x10 so với game gốc. Mà để rate cao đồng nghĩa với tuổi thọ game rút ngắn một con số tương đương nhưng thế. Mà thực tế nữa là dù có cố đưa game hay về thì game cũng nhanh chóng chết vì... khó quá và không lên level được.
 
Kết
 
Tôi viết bài này không có ý định "dìm hàng" game thủ Việt hay gì đó tương tự. Nhưng một khi thị hiếu của game thủ Việt còn là mỳ ăn liền, các NPH không tập trung như thế này, tương lai của thị trường game Việt thật sự quá đen tối.