Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 23/06/2014 12:35 AM

Để phát hiện ra một game thủ Việt đang chơi game ở nước ngoài không hề khó khăn.

Đã có không ít những lần game thủ Việt trở thành chủ đề để cộng đồng game thủ nước ngoài bàn tán, thậm chí chê bai, dè bỉu vì những thói xấu mà một bộ phận game thủ nước ta đang chơi game online nước ngoài đang vướng phải.

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 1

Chính vì lý do đó, ngay cả bản thân nhiều game thủ Việt Nam đã phải “chối bỏ” nguồn gốc của bản thân, đơn giản chỉ để hòa nhập vào cộng đồng game nước ngoài, những người vốn đã phải chịu đựng không ít vấn đề từ một bộ phận người chơi game Việt tràn sang như văng tục chửi bậy, hack cheat, v.v…

Thế nhưng, để phát hiện ra một game thủ Việt đang chơi game ở nước ngoài không hề khó khăn. Hãy cùng GameK điểm qua một vài biểu hiện dưới đây để có thể phát hiện được một game thủ Việt đang thưởng thức game nước ngoài. 

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 2

Dĩ nhiên, việc nhận biết bằng tên nhân vật đã quá xưa cũ. Giờ đây bản thân nhiều gamer Việt cũng có xu hướng sử dụng những cái tên nước ngoài, vừa đem lại cảm giác ấn tượng cho nhân vật, lại vừa phần nào giấu đi được xuất xứ của game thủ.

Luôn coi mình là nhất

Mới đây, một game thủ Việt đang chơi game ở nước ngoài đã có những chia sẻ rất thật:

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 3

“Điển hình tuần trước mình chơi Onigiri, gặp bạn Kasuga, bạn ấy nói "dấu hiệu để nhận biết một người chơi đến từ Việt Nam không phải là tên, mà qua cách họ nói chuyện, họ không bao giờ nói "please", và thường chỉ gửi tin nhắn riêng đến bạn với nội dung "Dragon Temple" nếu họ muốn bạn giúp họ vượt qua phó bản đó".

Sau một thời gian, do game chỉ là CBT nên mình quay về giúp mấy bạn mới chơi, lại gặp 1 "bạn Việt Nam", vào nhóm của mình và pm cho mình "clear Izumo" (một bản đồ trong game với 5 phó bản).”

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 4

Thật sự, một vấn đề với nhiều game thủ Việt Nam chính là cách họ nói chuyện và tương tác với những người chơi khác. Họ hoàn toàn không có khái niệm về lịch sự, và chỉ luôn coi mình là nhất. Họ mặc định rằng, những người chơi cấp cao hơn phải giúp đỡ họ, trong khi những người chơi level thấp hơn thì mặc định sẽ chẳng giúp gì được cho họ. Bằng chứng là họ gửi những tin nhắn không khác gì ra lệnh cho những người chơi khác.

Thái độ vẫn là một trong những thứ khiến game thủ Việt đang thưởng thức nhiều tựa game bị chê bai, dè bỉu. Gần đây nhất, trong một giải đấu DOTA 2 chuyên nghiệp, một game thủ cũng đã buông lời xúc phạm những thành viên của đội bên kia sau khi chiến thắng. Ngay cả trên đấu trường gaming chuyên nghiệp, vẫn có những game thủ có thái độ bất lịch sự như thế này. Đây là điều đáng báo động.

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 5

Nếu như không có những cách thay đổi ý thức chơi game, thì việc nhiều game thủ Việt bị coi là “trẻ trâu” sẽ khó lòng có thể thay đổi.

Thuộc nằm lòng những công cụ “vượt rào”

Đối với những game thủ hay thưởng thức game online nước ngoài, đặc biệt là những sản phẩm như Vindictus hay Tera phiên bản Bắc Mỹ, thì nhiều công cụ như ProxyCap để fake IP đăng nhập, hay những công cụ giảm ping thu phí.

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 6

Kỳ thực, các nhà phát hành game nước ngoài không hề muốn nhưng người chơi ngoài khu vực họ phát hành tham gia game, vì sẽ ảnh hưởng tới những game thủ khác. Tuy nhiên xét ở một mức độ nào đó, việc game thủ mày mò tham gia game cũng là điều đáng khen ngợi, vì họ dám vượt rào cả những công cụ khóa IP chỉ để thỏa mãn niềm đam mê với game online.

Hay văng tục chửi bậy

Không chỉ văng tục chửi bậy, mà còn có cả spam kênh chat quốc tế một cách vô tội vạ, gây ảnh hưởng đến rất nhiều những game thủ khác.

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 7

Hãy lấy một ví dụ điển hình mới xảy ra gần đây. Mặc dù đã bị các NPH chặn IP vì sắp có phiên bản dành riêng cho Việt Nam song việc vượt qua rào cản này vốn đã quá dễ dàng đối với các game thủ nước nhà, đơn giản là sử dụng phần mềm thay đổi địa chỉ mạng. Tuy nhiên sự phổ biến của các phương pháp fake IP đã khiến cho số lượng "trẻ trâu" quá khích tăng mạnh tại server Kingdom Under Fire II tiếng Anh và khiến nơi đây trở thành chỗ phô diễn sự vô văn hóa của họ.

Cụ thể hơn, một bộ phận game thủ thiếu ý thức đã tiếp tục "diễn" lại trò cũ là làm loạn kênh chat, hàng loạt những ngôn từ thô tục, bậy bạ bằng tiếng Việt được quăng lên cho tất cả cùng thấy. Tình trạng này khiến cho những gamer chân chính không khỏi buồn lòng, và cũng không muốn chỉ cách fake IP cho cộng đồng nữa, điển hình như admin của trang fanpage Kingdom Under Fire II Việt Nam:

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 8

"Đây là lý do ad không muốn phổ biến cách fake IP, kênh chat chung đầy câu hô hào và chửi bậy bằng tiếng Việt, đại loại như: Việt Nam điểm danh, VN đâu hết rồi... bla bla bla... thậm chí mình phải pm riêng họ nói rằng đừng có chat tiếng việt ở kênh chung nhưng rốt cuộc ad là người vô cớ bị "trâu húc" khiến ad nhớ lại 1 câu thế này: "Internet ở Việt Nam phổ cập tới mức trâu bò cũng có thể lên mạng chém gió và điểm danh"".

Hack cheat theo “trào lưu”

Việc game thủ Việt Nam sử dụng hack một cách tràn lan không còn là câu chuyện gì mới mẻ. Thế nhưng vấn đề sẽ hoàn toàn khác khi một số gamer Việt đã đem cả thói quen khi còn ở “cái ao làng” này ra sân chơi quốc tế.

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 9

Hầu hết thời gian, lý do cho việc sử dụng hack cheat của game thủ là từ tính a dua, hiếu thắng của một số người chơi. Bạn bè họ sử dụng hack, vì tò mò họ cũng sẽ dùng thử. Dần dà, việc sử dụng hack cũng “gây nghiện”, giống như auto vậy. 

Những dấu hiệu nhận biết game thủ Việt ở nước ngoài 10

Sẽ đến một lúc nào đó game thủ khó có thể rời khỏi phần mềm hack khi chơi mỗi tựa game, đơn giản vì họ đã quá quen với chiến thắng dễ dàng, cũng như kỹ năng chơi game đã bị những phần mềm độc hại này bào mòn. Đó là lỗi, là trách nhiệm trực tiếp của những người chơi game online sử dụng hack cheat.