Thời gian qua, chúng ta đã nghe nhiều về các dự án game thuần Việt, "offline" cũng có mà "online" cũng chẳng thiếu, thậm chí còn có cả sản phẩm dành riêng cho mobile. Tất cả đều đòi hỏi công sức rất lớn cùng với số tiền đầu tư không nhỏ từ phía đội ngũ phát triển, đây là điều rất đỗi bình thường vì yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn.
Những yêu cầu kỹ thuật cộng với sự bền bỉ cao như vậy khiến nhiều "tay mơ" tưởng rằng việc tự làm ra một tựa game cho mình là điều bất khả thi. Tuy nhiên dù không có kỹ năng lập trình và chỉ làm "cho vui", thì một số công cụ dưới đây vẫn giúp bạn tươi cười mà khoe với bạn bè rằng mình vừa cho ra lò một trò chơi "made in Việt Nam".
RPG Maker
Đây là cái tên không thể thiếu trong bất cứ danh sách game engine cho dân không chuyên nào. Thậm chí nó còn thích hợp cả cho người... chưa đạt đến mức độ không chuyên, tức là chẳng biết chút gì về lập trình lẫn thiết kế. Nói một cách dễ hiểu, một học sinh tiểu học cũng hoàn toàn có thể dùng RPG Maker (2003, XP, VX) để làm ra game chơi được.
Nam Quốc Sơn Hà, một game RPG làm bằng RPG Maker XP.
Điểm mạnh của RPG Maker là khả năng kéo thả để xây dựng màn chơi, thư viện hình ảnh có sẵn đi kèm với engine cho phép người sử dụng thoải mái lựa chọn và cho ra thành phẩm chỉ trong vài phút. Bạn muốn dựng một game đơn giản với nhân vật đi loanh quanh một bãi cỏ? Với engine này, chỉ mất chừng... 5 phút mà thôi.
Chính vì sự tiện lợi ấy, không hiếm tựa game "made in Việt Nam" như Truyền Thuyết LangBiang, Final Sword, Ngũ Kỳ Châu, Nam Quốc Sơn Hà... đã ra đời. Tuy nhiên điểm yếu của chúng là đồ họa chỉ dừng lại ở mức 2D và khả năng tùy biến gameplay khó hơn nhiều so với các engine khác.
M.U.G.E.N
Nếu như RPG Maker còn mất tiền mua, thì M.U.G.E.N là engine miễn phí hoàn toàn, đổi lại, nó chỉ có thể làm ra các game đối kháng 2D như Street Fighter, Guilty Gear X... Ra mắt từ năm 1999, các phiên bản khác nhau lần lượt ra đời giúp hỗ trợ nền tảng đồ họa khá hơn ban đầu.
Với MUGEN, game đối kháng không phải là chuyện khó.
Là engine thuộc loại "ăn sẵn", M.U.G.E.N không đòi hỏi kỹ năng lập trình, chỉ cần thành thạo việc sửa đổi các file có sẵn là bạn đã có thể tạo nên một game đối kháng của riêng mình. Thư viện các nhân vật cũng cực kỳ phong phú, chủ yếu được cư dân mạng... cắt gọt từ các trò chơi fighting nổi tiếng một thời.
Số lượng các tài liệu hướng dẫn sử dụng công cụ này có khá nhiều trên mạng, vì thế chẳng khó khăn gì cho bất kỳ ai muốn tạo ra một "Street Fighter Việt Nam". Dĩ nhiên, nếu muốn sáng tạo võ sỹ của riêng minhg thì công đoạn tự vẽ nhân vật và cử động của họ sẽ ngốn không ít thời gian.
FPS Creator
Ở trên chúng ta đã nói tới 2 engine dành cho thể loại RPG và Fighitng, và các fan của FPS game đừng vội thất vọng vì nếu họ muốn tự làm một game bắn súng của riêng mình, FPS Creator hoàn toàn đủ sức làm điều đó. Đây thực sự là engine hấp dẫn khi nó đủ khả năng làm ra game FPS tầm trung bình với thời gian phát triển "siêu ngắn".
Dù là engine "ăn sẵn", FPS Creator đủ sức tạo ra các game tầm trung.
Hỗ trợ người sử dụng tới tận răng, FPS Creator cho phép bạn chỉ cần vài cú kéo thả chuột là một màn chơi bắn súng đã hoàn thành, với nhiệm vụ đa dạng, lối chơi FPS thuần túy, vũ khí nhiều vô kể và phần chơi Multiplayer lôi cuốn. Dĩ nhiên, khía cạnh Multiplayer đòi hỏi thêm một số kỹ năng cao cấp hơn là dành cho "tay mơ".
Điểm yếu của công cụ này là ở chỗ khả năng dựng hình 3D của nó có hạn, các màn chơi khó có thể bóng bẩy như các engine đời mới và tính tùy biến cũng kém hơn hẳn. Bù lại, thư viện vũ khí và mô hình nhân vật phong phú giúp ai cũng có thể làm FPS game dễ dàng.
Adventure Game Studio
Dùng để phát triển các tựa game theo thể loại Phiêu lưu, vì thế Adventure Game Studio chỉ tập trung cho kiểu chơi khám phá bí mật và hoàn toàn không có tính hành động như các trò chơi khác. Tuy nhiên nếu là một người có khiếu viết truyện... trinh thám, bạn hoàn toàn có thể tạo nên một tựa game phiêu lưu cuốn hút.
Một game làm bằng Adventure Game Studio.
Hoàn toàn không yêu cầu am hiểu về code, engine này cũng cho phép người sử dụng kéo thả hình ảnh, đồng thời tự tạo các đoạn hội thoại cho mình. Dĩ nhiên, Adventure Game Studio chỉ hỗ trợ nền tảng đồ họa 2D mà thôi.
Renpy
Gần giống như Adventure Game Studio, Renpy cũng không sử dụng để làm game dạng hành động. Thế nhưng đặc biệt ở chỗ nó dành riêng cho thể loại Visual Novel (tiểu thuyết điện tử của Nhật Bản) mà giới tuổi teen rất hâm mộ. Game Visual Novel khá là phổ biến ở Nhật, nơi mà chúng chiếm gần 70% số game được sản xuất.
Visual Novel "made in VN", còn gì tuyệt hơn?
Renpy hoàn toàn miễn phí, sử dụng ngôn ngữ Python để lập trình. Tuy nhiên trên thực tế người sử dụng nó chỉ cần... biết vẽ (nếu tự vẽ được nhân vật), còn nếu không thì cắt ghép các nhân vật trong manga, anime cũng không sao. Điều quan trọng là cốt truyện họ tạo ra phải thật hấp dẫn, khiến người chơi không thể rời mắt khỏi màn hình.
Các hiệu ứng hình ảnh mà engine này hỗ trợ khá khiêm tốn và chỉ dừng lại ở mức 2D, tuy nhiên cộng đồng sử dụng nó rất lớn và lượng tài liệu hướng dẫn là cực kỳ phong phú.
Tóm lại, "gà mờ" không có nghĩa là không thể tự làm game. Còn bạn, bạn đã sẵn sàng chọn cho mình một công cụ nào trong số trên chưa?