Đi offline GO mình chơi luôn là một niềm vui với game thủ. Ngoài việc là cơ hội hiếm hoi để gặp gỡ những người bạn ảo trong game, đi offline game thủ còn được biết thêm về tương lai game, nhận quà. Nói chung, đây là dịp để nâng cao sự gắn bó của game thủ với game và NPH. Tuy nhiên, có những điều sẽ khiến họ... phát điên hay nhẹ nhàng hơn là mất cảm tình.
Sai giờ
Một trong những sai lầm phổ biến nhất của NPH là tổ chức sự kiện muộn hơn giờ ghi trên giấy mời hoặc được công bố. Điều này ngoài lý do có thể là do những sự cố, trục trặc trong khâu tổ chức còn có thể có nguyên nhân từ phía NPH muốn "trừ hao" sự cao su của game thủ. Thông thường, khoảng thời gian chậm trễ này giao động từ 30 phút tới 1h. Cá biệt, có một số game hẹn 7h nhưng... 9h mới bắt đầu.
Phải công nhận là không phải game thủ nào cũng đến đúng giờ nhưng sử dụng biện pháp này sẽ khiến cho những game thủ chân chính (đúng giờ) thất vọng và bực mình. Hơn nữa, việc tổ chức muộn của NPH khiến cho nhiều game thủ "quen mui" và đã muộn nay còn muộn hơn.
Trong thời gian delay như đã nói ở trên, các NPH thường chọn biện pháp là chiếu clip quảng cáo để bù lại khoảng trống. Việc này không có gì là sai nhưng nó tạo cảm giác ức chế cho những người đi sớm và chăm chú theo dõi màn hình. Việc phải xem đi xem lại một quảng cáo trong thời gian cả tiếng đồng hồ với nội dung ngắn ngủn lập đi lập lại có thể khiến bất cứ ai... phát điên.
Loa quá to hoặc quá "lởm"
Nếu như trường hợp đầu (loa quá to) hầu như chỉ ảnh hưởng đến những người thuộc hàng ghế đầu hoặc... gần loa thì trường hợp thứ hai sẽ khiến cho buổi offline mất đi một nửa ý nghĩa. Loa rè hay không rõ tiếng đồng nghĩa với game thủ, các quan khách... không thưởng thức được những bài hát, nhạc của chương trình hay tệ hơn là... không hiểu MC nói gì.
Phải biết rằng, với những ca khúc rock, tiếng loa bass quá to sẽ gây hại cho sức khỏe người nghe chứ không có lợi ích gì. Cảm giác khi đó không khác gì bị... búa đánh vào tai, nhiều người còn cảm thấy nôn nao buồn nôn hoặc tệ hơn là đau bụng.
Vấn đề này sẽ không phải là quá lớn với các game nhỏ tổ chức offline trong phòng cafe hay các không gian nhỏ nhưng là một bài toán khó giải khi các NPH sử dụng nhà thi đấu hay cung thể thao để tổ chức các sự kiện cho các game lớn.
Thời tiết không chiều lòng người
Đáng buồn là hầu hết các địa điểm offline đều không có hệ thống điều hòa nhiệt độ. Điều này có nghĩa là sự thành công của sự kiện phụ thuộc nhiều vào... ông trời. Nếu như bạn tổ chức vào buổi trưa một ngày siêu nóng hoặc khi đã... có bão đồng nghĩa với việc một biểu offline hầu như chắc chắn sẽ thất bại cay đắng. Điều này đặc biệt chính xác với các sự kiện được tổ chức ngoài trời.
Đã có một số trường hợp sự kiện đang diễn ra suôn sẻ thì trời mưa to, người xem ướt lướt sướt mà công tác dựng mái che tạm thời bằng bạt lại không được chuẩn bị trước nên hầu như không thực hiện được trong thực tế.
Tất nhiên, không thể trách NPH trong trường hợp này. Tuy nhiên, họ có trách nhiệm chọn ngày giờ hợp lý để tạo ra sự dễ chịu cho game thủ và thành công cho sự kiện.
Xô xát
Trong cộng đồng GO luôn có ít nhiều xích mích và không ít game thủ lựa chọn "PK" ngoài đời hơn là trong game. Sự thật là tại một sự kiện gần đây của một game khá hot hiện nay, các game thủ đã "thanh toán" lẫn nhau biến sự kiện thành một "võ đài" thực sự. Điều này vừa gây bực mình, sợ hãi cho game thủ đồng thời làm sự kiện mất ít nhiều sự thành công.
Ở trường hợp này, chính các bảo vệ và nhân viên an ninh của sự kiện là những người cần vào cuộc và làm bổn phận của mình. Tuy nhiên, đôi khi họ quá "bất lực" và không cản nổi. Vì vậy, NPH hãy cố gắng thuê những công ty chuyên nghiệp bảo vệ sự yên bình cho sự kiện của mình.
Nói chung, tổ chức một sự kiện không phải là dễ dàng và chắc chắn không thể làm vừa lòng mọi người cùng lúc. Thế nhưng để chúng gặp phải sự cố quá nhiều lần thì chẳng hay chút nào, trớ trêu thay, chuyện đó diễn ra gần như thường xuyên với làng game Việt.