Có lẽ, chưa bao giờ làng game Việt đột ngột xuất hiện nhiều chiêu PR quái gở và thiếu tôn trọng game thủ như hiện nay.
Quảng cáo bằng tên nóng
Cách đây khoảng 2 năm, thị trường GO nước nhà bắt đầu xuất hiện cách quảng bá thông qua teaser "lạ - độc". Thường NPH sẽ tung ra một website với khẩu hiệu hoặc danh tính bí ẩn để game thủ chú ý rồi sau đó mới bật mí danh tính thật của dự án. Cách làm này tỏ ra cực kỳ thành công, hơn hẳn so với xu thế PR bằng hotgirl, người mẫu đã nhàm chán.
Tuy nhiên dường như càng ngày việc lợi dụng trang teaser để quảng bá game mới càng bị lợi dụng theo hướng tiêu cực. Kể từ khi biết game thủ cảm thấy "nhàm" với các trang web thông thường, một số doanh nghiệp bắt đầu nghĩ tới cách làm "độc" hơn và cũng phản cảm hơn rất nhiều. Việc xuất hiện 2 teaser "
CLGT" và "
vklchua" là ví dụ điển hình.
Nếu như "CLGT" viết tắt để gây chú ý trong thời gian ngắn thì "vklchua" đã khiến nhiều gamer phải bất ngờ. Thậm chí trên fanpage của trò chơi này, người quản lý còn cố tình tung ra các câu nói "VKL" một cách vô tội vạ, bất chấp sự phản đối từ phía người xem. Dĩ nhiên sau này họ có thể bật mí rằng các cụm từ trên chỉ để viết tắt cho tên game, nhưng rõ ràng mục đích quảng bá dựa trên những tiếng "tục tữu" của cư dân mạng là không thể chối cãi. Nếu tới đây tất cả các NPH đều học theo thì không biết làng game Việt sẽ còn trở nên bết bát thế nào.
Quảng cáo bằng banner trên yahoo
Cách đây ít ngày đột nhiên trên những cửa sổ chat của những người sử dụng Yahoo phiên bản 11 trở đi xuất hiện một kiểu quảng cáo gây bức xúc vô cùng lớn mỗi khi mở một cửa sổ chat mới với bạn bè. Cụ thể là cứ khi có người gọi bạn hoặc bạn chat với người khác thì sẽ có một dòng quảng cáo nhỏ hiện lên ở sát phía trên khung chat. Nếu nó chỉ là một dòng thì ok không mấy người tỏ ra bức xúc với những thứ như vậy, thế nhưng sau khi xuất hiện dòng quảng cáo nhỏ đó chừng 2 giây sau, môt cửa sổ pop-up quảng cáo khác sẽ bung ra chiếm gần như toàn bộ khung chat và tự động biến mất sau khoảng 5s.
Mỗi lần khung quảng cáo vô duyên này hiện ra, con trỏ tại nơi gõ nội dung chat sẽ bị mất và người dùng lại phải bấm 1 lần nữa vào khung này để viết tiếp. Có lẽ rằng Yahoo thực sự đang bắt đầu đi xuống một cách trầm trọng đến mức phải bán cả những thể loại quảng cáo rẻ tiền tới vậy nhằm cố gắng vơ vét nốt doanh thu từ những bộ phận đông đảo người dùng phía Châu Á vốn chưa thích nghi với những ứng dụng chat chit khác tốt hơn nhiều.
Đó là chưa kể trên cửa sổ contact, vị trí quảng cáo thông thường của Yahoo cũng bắt đầu trở nên "quái đản" hơn khi cố tình bung một quảng cáo khổ siêu lớn chiếm hết 1 nửa màn hình bên cạnh khung contact này nếu như bạn lỡ di chuột qua phần quảng cáo đó.
Cũng là một người bị dính tình trạng điên đầu kể trên tôi cũng đã cố gắng tìm thử mọi cách và hỏi nhiều người khác nhau về vấn đề này nhưng rút cục các ứng dụng chặn quảng cáo của Yahoo vẫn được các diễn đàn chia sẻ không thể làm gì được cửa sổ popup này và cũng không có lựa chọn nào có thể tắt tính năng quảng cáo này trong options của yahoo. Đây có thể coi là một hình thức ép người dùng phải xem quảng cáo chưa kể do bung hết toàn bộ khung chat nên không ít người dù không muốn nhưng vẫn phải click nhầm vào pop-up gây khó chịu này.
Quảng cáo trên google
Nắm bắt được tâm lý hay search google để tìm trang chủ game của của người chơi, nhiều NPH đã nhanh trí tìm ra cách quảng cáo tên tuổi của game mình trên Google. Cụ thể, đó là việc NPH đã kết hợp với Google để đăng quảng cáo dựa trên các từ khóa chính là các tên game. Rõ ràng hơn, khi bạn gõ một tên game online nào đó thì ngoài việc tìm được trang chủ của tựa game đó, chúng ta còn nhận thêm được quảng cáo về game online khác ở kết quả đầu tiên.
Tất nhiên, khi thực hiện hình thức quảng cáo này thì NPH thường bắt tay với Google dựa trên các từ khóa hot, cũng là tên những Webgame đang khá hot hiện nay. Qua một thời gian khảo sát trên Google thì những Webgame đông người chơi nhất làng game Việt hiện nay như Tam Quốc Truyền Kỳ, Chân Long Giáng Thế, Võ Lâm Chi Mộng... hay các Webgame mới được phát hành như Cung Đình Kế, Thủy Hử Chi Mộng... đều "dính" phải hình thức quảng cáo này.
Chưa bàn về tình đúng sai của hình thức quảng cáo này nhưng một số NPH đang tỏ ra không vừa lòng khi tên game của họ lại bỗng nhiên trở thành chiêu PR cho một tựa game online khác không phải do mình quản lý. Theo họ, hình thức quảng cáo này là không đứng đắn và có phần sai trái. Không chỉ có vậy, nếu điều này lan rộng ra nhiều game online thì sẽ rất dễ đến việc nhiều người chơi bị "loạn" vì khi search game này lại ra tận... vài ba tựa game khác, thậm chí không thể tìm được game mình cần vì "hoa mắt" trước các dòng quảng cáo.
Mượn danh của game khác
Việc mượn danh tiếng của những game online đang "hot" khác để PR cho bản thân mình vốn không phải là chuyện quá xa lạ. Tuy nhiên, không chỉ mượn "danh tính" trên google, nhiều game online hiện nay còn đang cố gắng "ăn theo" các game online khác mặc dù... chẳng liên quan. Cụ thể, nhiều game online phát hành sau lại cố quảng bá cho mình như là phiên bản tiếp theo của một MMO đang hot ở Việt Nam bằng cách "mượn" tên của chính game online đấy. Điển hình của việc này chính là những tên game như Kiếm Thế Web hay Tam Quốc Truyền Kỳ 2 vậy.
Trên thực tế, cả Kiếm Thế Web hay Tam Quốc Truyền Kỳ 2 đều chẳng hề liên quan, dính dáng gì đến tựa game gốc. Tuy nhiên, chúng vẫn được đưa vào và sử dụng để "đánh lừa" game thủ, đơn giản bởi đây đều là những tựa game hot và bạn sẽ dễ dàng tưởng nhầm rằng chúng chính là phiên bản tiếp theo của các MMO này.
Dẫu rằng theo luật, vì tên của các game online này đều không đăng ký thương hiệu nên bất cứ ai cũng có thể sử dụng chúng nhưng cách đặt tên này rõ ràng là đã thiếu tôn trọng game thủ.
Đại sứ khoe... ngực khủng
Có vẻ như, rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây, khi mời đại sứ thì các NPH thường chỉ tập trung thực hiện những bộ ảnh ấn tượng, gợi cảm với Bikini hay những trang phục "thiếu vải". Cụ thể hơn, nếu bạn để ý kĩ thì hầu hết các bộ cosplay đều tập trung... khoe ngực là chính.
Các đại sứ cũng không đóng một vai trò quá quan trọng mà gần như chỉ thực hiện một vài bộ cosplay "mát mắt", tạo ấn tượng ban đầu với người chơi rồi cũng... biến mất. Thậm chí, những bộ cosplay trang phục trong game còn bị game thủ chê là quá màu mè, xấu và không đáng để xem. Chính vì vậy, có thể xem đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho Cosplay "Bikini" xuất hiện ngày càng nhiều trong làng game Việt.
Nhiều ví dụ về đại sứ game thậm chí còn bị chính game thủ lên tiếng tẩy chay như Mai Thỏ... Với gương mặt kém sắc xuất hiện trong cosplay Nami của game Vua Hải Tặc, nhiều người chơi đã lên tiếng chỉ trích và thậm chí còn mạnh mồm khẳng định rằng Mai Thỏ đã làm mất đi hình tượng của nhân vật nữ xinh đẹp trong truyện One Piece.
Tuy nhiên, trên thực tế thì với tình trạng 1 tháng có tới cả chục MMO Client hay Webgame được ra mắt như hiện nay thì nếu không tạo dựng được tiếng vang cho game của mình ngay từ đầu thì trò chơi đó nhiều khả năng sẽ... chẳng ai chơi. Nếu như trước kia, cứ mỗi khi nghe tin có game mới nào sắp về nước là gamer sẽ đổ xô vào tìm hiểu thông tin, chơi thử thì hiện nay, tâm lý của gamer đang ngày càng thờ ơ khi nghe tin có game mới về. Đây âu cũng là cái khó của những người làm PR.