Những cách hữu hiệu chống "lậm" game online cho game thủ Việt

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/04/2015 0:00 AM

Để thoát khỏi trạng thái "nghiện game online" này, những game thủ phải làm gì?

Khi một hành động được lặp đi lặp lại dưới dạng gần như "vô thức" trong một thời gian dài, có thể khiến cho bạn cảm thấy "hoảng sợ" hoặc "khó chịu" mỗi khi không được thực hiện điều đó. Có thể khẳng định rằng hiện tại có rất nhiều người đã rơi vào tình trạng này khi đam mê quá độ và gần như gắn chặt cuộc sống vào thế giới ảo của game online. Vậy thì, để thoát khỏi trạng thái "nghiện game online" này, chúng ta phải làm gì?

Chấp nhận rằng "mình có vấn đề"

Trước hết khi muốn từ bỏ một thói quen xấu đã bị quy thành "nghiện ngập" thì game thủ cần phải thừa nhận rằng mình đang gặp vấn đề và cần phải giải quyết điều này. Nếu như chúng ta khẳng định rằng mình không nghiện game thì thực chất những phương pháp sau chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Cách cai nghiện game hiệu quả trong 15 phút

Trước khi bắt đầu mua bán hay làm gì đó trong thế giới ảo, hãy tự đặt cho mình câu hỏi như sau: "Tương lai của mình sẽ ra sao? 2 - 3 năm nữa cuộc đời mình sẽ như thế nào? Vẫn sẽ như hiện tại, hàng ngày cắm mặt vào thế giới ảo? Học tập có hoàn thành? Liệu có kiếm được việc làm?". Sau khi tự trả lời được những vấn đề trên, niềm hứng khởi chơi game của chúng ta sẽ giảm bớt phần nào.

Tìm kiếm "nguyên nhân" khiến bạn nghiện game online

Có thể do một tính năng gì đó hấp dẫn trong thế giới ảo, ví dụ như các skill đỉnh cao, PK suốt ngày, hình ảnh đẹp mắt, nhiệm vụ hấp dẫn... Hãy cố gắng liệt kê chúng ra và tìm cách thay thế chúng bằng các hoạt động khác ở thế giới thực như: Đi học võ để trải nghiệm cảm giác đánh đấm PK, đọc sách để tìm thấy sự sáng tạo, hấp dẫn trong cốt truyện, học nhiếp ảnh, vẽ tranh để cảm nhận cái đẹp sâu sắc hơn...

Nhờ bạn thân "ngăn cản"

Cách cai nghiện game hiệu quả trong 15 phút

Rất nhiều game thủ lao vào thế giới ảo và chìm trong đó chỉ vì họ có rất nhiều bạn bè đang "sống chung" trong đó. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nhờ những người đồng đội này "giải thoát" chính bản thân họ và mình ra khỏi cơn nghiện game online. Cách thức đơn giản nhất chính là tìm cho mình một niềm vui chung trong thế giới thực.

Thiết lập chế độ "quản thúc" cho máy tính

Đây vốn là tính năng giới hạn giờ sử dụng máy tính của cha mẹ dành cho con cái. Game thủ có thể nhờ bạn bè, cha mẹ hoặc nghị lực bản thân để khởi tạo một password "không thể phá", từ đó giới hạn lại số giờ chơi game hàng ngày.

Khiến bản thân bận rộn

Hãy làm cho cuộc sống của bạn trở nên vô cùng bận rộn với rất nhiều công việc cần làm như đọc sách, tập luyện thể thao, đi chơi với bạn gái, tìm việc làm bán thời gian... và tất nhiên những giây phút thảnh thơi dành cho game online sẽ biến mất, đồng nghĩa với việc cai nghiện thành công.

Tặng, bán hoặc... xóa tài khoản

Hãy nhẫn tâm vất bỏ những thành quả đã đạt được trong thế giới ảo! Có nhiều cách để làm việc này như tặng cho một ai đó, rao bán lấy tiền hoặc thể hiện sự quyết tâm bằng cách kinh khủng nhất là ấn xóa nhân vật... Một khi công sức cày kéo trong thời gian dài dã biến mất thì sự đam mê game online cũng giảm đi rất nhiều, phần lớn mọi người đều sẽ bỏ game.

Phát hiện tài khoản Đột Kích có nhiều báu vật nhất

Một trong những lý do bỏ game phổ biến nhất trong cộng đồng game thủ chính là đã lên tới đỉnh cao trong thế giới ảo và không còn đích đến nào hấp dẫn nữa. Vì thế, nếu muốn bỏ game online một cách hoành tráng nhất, hãy cố gắng cày max level, chiến thắng trong những cuộc PK bang hội hoành tráng, làm hết các tính năng hấp dẫn... Khi đó chính sự "chán" sẽ khiến chúng ta hết "nghiện game".

Hướng đến thế giới thực

Hãy nghĩ tới thế giới thực của bạn với những công việc cần kíp và có ích hơn, ví dụ như học nấu ăn, tìm hiểu kỹ năng sống, sinh tồn, hay đơn giản là hoàn thành các khóa học lớn như nghề nghiệp, đại học...

Hoạt động ngoại khóa

Một trong những lý do khiến cho game thủ bỏ nhiều thời gian vào thế giới ảo, từ đó dần dần tiến tới tình trạng không thể dứt được khỏi những tựa game online và “nghiện game” chính là việc thiếu hụt những hoạt động ngoại khóa cho các game thủ tham gia sau giờ học, giờ làm.

Không có những việc buộc con người đứng dậy rời mắt khỏi màn hình máy tính, cũng như di chuyển cơ thể khỏi việc dính chặt với chiếc ghế, dần dà người chơi sẽ dẫn đến tình trạng không muốn làm bất kỳ việc gì ngoài việc chơi game. Điều này rất có hại cho cả sức khỏe lẫn cuộc sống.

Một buổi đi bơi hay đi đá bóng cùng bạn bè, một chuyến đạp xe kiêm picnic về vùng ngoại thành, những hoạt động như vậy chắc chắn có nhiều lợi ích trong cuộc sống thực dành cho các game thủ: Đầu tiên là việc họ sẽ tăng sức khỏe do hoạt động nhiều.

Kế đến là nếu như chơi game, nhân vật ảo của họ trong game nhận được điểm kinh nghiệm, thì việc tham gia một số hoạt động ngoại khóa lại tặng cho những game thủ những kinh nghiệm rất thật, rất bổ ích cho cuộc sống sau này.

Thêm bạn bè

“Thêm bạn, thêm vui”, điều này đúng trong đại đa số trường hợp. Thật may mắn là điều này cũng đúng với trường hợp những game thủ Việt đã và đang có xu hướng gắn bó quá mức với những game online. Việc có được những người bạn mới sẽ giúp cho game thủ có được những giây phút vui vẻ ngoài đời thực với những câu chuyện hay những buổi đi chơi cùng nhau.

Một số người lo ngại rằng các game thủ đã chìm đắm khá lâu trong game sẽ khó có thể có đủ kinh nghiệm giao tiếp để làm quen với một người bạn mới, chứ chưa nói đến chuyện làm bạn với họ, kể cả những người bạn đồng giới lẫn khác giới.

Kinh nghiệm cho thấy việc tự tin, cách nói chuyện và mắt thẩm mỹ trong việc ăn mặc đóng những vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm quen một người bạn mới. Điều này cũng như giải pháp cho chúng đã được GameK đề cập trong một số bài viết trước đây. Vậy vấn đề sẽ trở thành, game thủ sẽ… tìm bạn ở đâu? Câu trả lời không quá khó như mọi người nghĩ: Hoạt động tập thể của trường lớp hay cơ quan nơi bạn đang làm việc, bạn bè của những người bạn đã quen biết, tình cờ gặp trong những buổi café hay đi chơi theo nhóm…

>> Nghiện Game có phải do thiếu chỗ chơi cho trẻ em?