Nhìn Trung Quốc, chỉ biết khóc cho cosplay Việt Nam

S&L  | 31/07/2011 12:02 AM

Cosplay trong game Việt không còn non trẻ tuy nhiên còn quá nhiều điều phải làm nếu như muốn biến đây trở thành một cách quảng bá hiệu quả.

Cosplay luôn là một hình thức quảng cáo đơn giản, hiệu quả và được hầu hết các NSX game trên thế giới áp dụng. Cosplay không chỉ đơn giản là các diễn viên mặc quần áo giống các nhân vật trong game mà một cosplay giỏi còn phải thể hiện được sắc thái, tình cảm và những hành động gợi nhớ đến nhân vật trong game.
 

So với Trung Quốc, cosplay Việt không bằng một phần... mười.
 
Ở Việt Nam, cosplay cũng đã xuất hiện từ lâu nhưng có vẻ nó chưa được (hay không được) đầu tư đúng mức khiến cho hiệu quả đem lại chưa cao, trong khi đó tại các quốc gia như Trung, Hàn, Nhật mọi chuyện ngược lại hoàn toàn. Vậy đâu là hiện trạng, nguyên nhân của việc này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
 
Lịch sử cosplay Việt
 
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu đề cập đến cosplay trong game online.
 
Thật khó để xác định chính xác bộ cosplay đầu tiên của game online Việt là do nhà phát hành nào thực hiện. Tuy nhiên, game online đầu tiên của Việt Nam là VLTK đã manh nha sử dụng hình thức quảng bá này. Cụ thể, hai nhân vật với trang phục quen thuộc trên loading screen đã xuất hiện rất nhiều tại các sự kiện quảng bá của VLTK. Chưa kể, trong đại hội võ lâm lần 1, tất cả các môn phái với các vũ khí quen thuộc đều xuất hiện.
 

Minh Hằng trong cosplay Ran.
 
Game thực sự sử dụng hình thức này để quảng bá rộng rãi đầu tiên có lẽ là Ran Online. Chắc hẳn, các tín đồ của GO Việt còn nhớ bộ ảnh quảng bá rất đẹp và nổi tiếng của Minh Hằng thời điểm đó. Sự thành công (trong quảng bá) của Ran Online đã mở ra trào lưu đại sứ GO và có lẽ là cả trào lưu cosplay sau này.
 
Sau đó, nhận thấy lợi ích của hình thức này, các NPH đua nhau tung ra các bộ "cosplay" cho game. Rất nhiều game khi ra mắt đã chọn đây là một trng những cách quảng bá của mình mà gần đây nhất là Minh Châu Game.
 
Tuy nhiều nhưng sự thật thì chất lượng của cosplay Việt...
 
... Rất yếu kém
 
Phải nói thẳng và nói thật rằng trừ một số bộ ảnh được đầu tư mạnh tay và nghiêm túc, các bộ cosplay nói chung làm rất xấu, ẩu và phản cảm. Hãy nhớ rằng, cosplay không phải chỉ là mặc lên người bộ đồ của nhân vật trong game là được, cosplay còn phải thể hiện được thần thái và phong cách của nhân vật.
 

Một màn cosplay game khó... xấu hơn.
 
Thậm chí, ngay cả yêu cầu có quần áo đúng còn không nhiều NPH có được. Thực tế, nếu như xem qua các bộ cosplay nếu không có watermark hay chú thích, ngay cả những fan trung thành nhất của game cũng khó có thể nhận ra được đây là hoạt động quảng bá cho game của mình.
 
Kể cả nếu bỏ qua yếu tố trang phục (vốn không mấy rõ ràng trong GO Việt), chúng ta cũng khó hài lòng về cách mà các NPH thực hiện chúng. Thường thì, các bộ ảnh này được thực hiện rất cẩu thả và qua loa. Thậm chí, gần đây một bộ ảnh cosplay còn nguyên cả... vỏ lon nước ngọt trong hình.
 

Các NPH còn cẩu thả và qua loa trong thiết kế trang phục.
 
Nguyên nhân?
 
Rõ ràng, các NPH chưa quan tâm một cách đúng mức đến hình thức quảng bá này. Có thể, do tâm lý đây chỉ là yếu tố phụ, không đáng quan tâm và cũng không mang lại hiệu quả trước mắt. Hầu hết, số tiền đầu tư cho các bộ cosplay này chỉ là tiền quần áo (khoảng vài triệu đồng). Công tác hậu kỳ vốn rất quan trọng cũng chưa được quan tâm.
 
Tuy nhiên, có lẽ các yếu tố khách quan mới là nguyên nhân chính cho sự yếu kém của cosplay trong làng game Việt.
 

Hiếm có series cosplay nào mang ý tưởng độc đáo.
 
Đầu tiên phải kể đến là hầu hết các game online thành công Việt Nam đều có những game 2D, đồ họa tầm tầm. Trang phục của nhân vật nói chung quá... phổ biến, hầu như không có cái riêng của từng game. Rõ ràng, với game 2D, nhìn trang phục của game để thực hiện lại đã khó chứ đừng nói đến chuyện... sắc thái nhân vật. Hành động và tư thế cũng vậy.
 
Trong hoàn cảnh như thế, thật khó để các NPH có thể truyền tải được cái riêng của game khi mà bản thân game không thể hiện được qua trang phục và sắc thái nhân vật.
 
Thứ hai, ở Việt Nam chưa có các cơ sở may cosplay thực sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Hơn nữa, việc truyền tải ý tưởng cũng như thực hiện là cực khó khăn.
 

Tất cả mới chỉ dừng lại ở "showgirl" tại các sự kiện offline game.
 
Thứ ba, ở Việt Nam chưa có đội ngũ cosplayer chuyên nghiệp. Rõ ràng, với thu nhập thấp, thất thường là không đủ động lực để họ tập luyện và gắn bó với con đường cosplayer chuyên nghiệp. Hầu hết các cosplayer hiện nay đều là tự phát hoặc chọn những cô gái có vóc dáng tương đối. Vì vậy, thật khó để yêu cầu họ thể hiện được sắc thái của nhân vật.
 
Kết
 
Cosplay trong game Việt không còn non trẻ tuy nhiên còn quá nhiều điều phải làm nếu như muốn biến đây trở thành một cách quảng bá hiệu quả. Hy vọng trong tương lai gamer nước nhà sẽ không phải dõi theo bóng dáng những series cosplay nước ngoài vì đã "no nê" với "cây nhà lá vườn".