Đến hẹn lại lên, một trong những sự kiện về giải trí tương tác được quan tâm nhất tại châu Á là ChinaJoy lại rục rịch những bước khởi động đầu tiên. Đối với những game thủ đang sống tại đất nước tỷ dân, đặc biệt là những fan cuồng game online, thì ChinaJoy 2014 tới đây là một sự kiện khó có thể bỏ qua.
Thế nhưng đó là câu chuyện ở phía bên kia biên giới. Vậy còn Việt Nam thì sao? Tính đến thời điểm hiện tại, những sự kiện có các nhà phát hành game online góp mặt tại Việt Nam hiện nay đều chỉ là những hội chợ về tin học hay điện tử tiêu dùng.
Chắc hẳn các bạn độc giả còn nhớ vào khoảng tháng 10 năm 2011, khi 7554, tựa game FPS đình đám của Emobi đã khiến số lượng người tham dự Triển lãm Quốc tế Điện tử Tiêu dùng và Tin học Viễn thông tăng vọt, một phần vì cộng đồng game thủ muốn có mặt tại đây để chơi thử tựa game hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt làng game Việt vào lúc bấy giờ.
Tuy nhiên xét cho cùng, đối tượng phục vụ của những triển lãm điện tử viên thông và những sự kiện về game là không giống nhau. Có thể bạn sẽ thấy trong những bức ảnh nhóm phóng viên GameK gửi về từ Thượng Hải, Trung Quốc vào năm ngoái vẫn có những gian hàng của các tập đoàn máy tính hay thiết bị, tuy nhiên chúng vẫn là những món đồ cần thiết cho game thủ thưởng thức những game online như chuột, bàn phím, tai nghe, phần cứng máy tính, v.v...
Thị trường doanh thu rất lớn
Một trong những chia sẻ của CEO Lê Hồng Minh trong cuộc hội thảo về công tác quản lý trò chơi trực tuyến được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 07 năm ngoái chính là về số lượng người chơi game tại Việt Nam, cũng như doanh thu của thị trường giải trí tương tác Việt Nam. Chia sẻ này đã khiến không ít người phải giật mình vì doanh thu mà game mang lại là quá lớn, nếu xét đến việc cộng đồng phần đông vẫn coi nó là "trò chơi trẻ con".
Cụ thể hơn, Việt Nam là một thị trường với tổng doanh thu hàng năm ước tính lên tới 6.000 tỉ, với “tổng số lượng người chơi game trên tất cả các phương tiện ở Việt Nam là 20 triệu người”, đi kèm với số lượng “40 công ty phát hành game, và 20 công ty phát triển game”, đại diện VNG đánh giá “thị trường game Việt Nam, cũng như khả năng sản xuất và phát triển game Việt Nam có thể đứng số 1 Đông Nam Á”.
Bên cạnh con số 6.000 tỉ Đồng doanh thu trực tiếp của cả làng game Việt, thì ngành game Việt Nam còn đem lại “doanh thu gián tiếp cho các bên như máy tính, internet, điện thoại di động đến cả công ăn việc làm cho những người nằm trong chuỗi cung cấp giá trị cho ngành game.” Thậm chí phần doanh thu gián tiếp này, theo VNG, là khoảng “gấp ba đến bốn lần doanh thu trực tiếp”.
Nhưng phát triển không được coi trọng
Vậy thì lý do gì khiến cho một thị trường với giá trị lớn như vậy lại không có được một sự kiện của riêng mình, chí ít là một hội chợ hay một sự kiện nơi game thủ có thể tham quan gian hàng quảng bá những tựa game của nhà phát hành, cũng như có được sân chơi với những giải đấu game được tổ chức tại chỗ.
Đầu tiên, như đã đề cập trong một bài viết gần đây về việc những nhà phát hành game Việt Nam đang bỏ quên mảng thiết kế game mà chỉ tập trung vào mảng mua game và phát hành. Đó cũng là lý do khiến cho những sự kiện về game nếu có tại Việt Nam cũng sẽ chỉ là cuộc chơi của những nhà phát hành lớn, đem những game online họ mua về để quảng bá.
Thời gian vừa qua, một xu hướng làm game mới đã được các nhà làm game Việt… triển khai một cách nhiệt tình, tạo ra một cuộc chạy đua trong thời gian qua, đó chính là những game mobile “chết não”, ăn theo âm hưởng thành công của Flappy Bird lừng danh.
Sự thành công bất ngờ của Nguyễn Hà Đông nhanh chóng khiến cho các Studio game mobile trước đây nhận ra rằng, nhu cầu giải trí trên điện thoại khác khá xa máy tính, và phần lớn game thủ điện thoại cần thứ gì đó giải trí nhanh gọn, có tính thử thách và đặc biệt là không cần động não quá nhiều. Flappy Bird đặc biệt thành công cũng 1 phần vì lỗi chơi hoàn toàn không cần động não tư duy và đặc biệt là hoàn toàn không có cốt truyện.
Và như thế là, hàng loạt những game mobile với lối chơi tương tự như Flappy Bird lần lượt được các nhà làm game trong nước sản xuất với tốc độ ào ạt chẳng thua kém gì những chiếc xe đua cả.
Lý do là, việc làm game không cốt truyện cắt giảm đi rất nhiều thời gian và công sức của Studio, bớt được công đoạn viết kịch bản là công đoạn đòi hỏi sự sáng tạo rất nhiều. Nhờ đó các nhà phát triển tập trung được thời gian để đầu tư làm ra game nhanh hơn.
Tạm kết
Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào những tựa game như vậy, thì ngành phát triển game Việt Nam chúng ta sẽ rất khó vươn lên, vì bên cạnh những game casual dễ chơi, dễ nghiện, thì những tựa game với lối chơi có chiều sâu và đồ họa ấn tượng vẫn cứ chiếm thị phần lớn trong ngành công nghiệp game thế giới hiện tại. Bỏ quên mảng này, có nghĩa là chúng ta đang tự dẫn mình vào lối mòn và mù quáng đi theo thành công của một sản phẩm đi đầu.
Nếu chỉ là một nước thuần nhập khẩu game mà không có những cái tên đáng chú ý để phục vụ chính cộng đồng game thủ trong nước, thì một sự kiện dành riêng cho các NPH cũng như các nhà phát triển game tại Việt Nam cũng sẽ vô cùng xa vời vì mức độ bất khả thi của nó.
>> Điểm mặt những webgame sắp ra mắt làng game Việt