Có lẽ ở thời điểm hiện tại, số lượng những bài viết vạch mặt những thói hư tật xấu của một bộ phận
game thủ Việt ở trong và ngoài nước đã quá nhiều.
Những tình trạng trong
game online như spam kênh chat thế giới, hack, cheat, văng tục chửi bậy hay thậm chí là ỷ mạnh hiếp yếu đã trở thành một trong những “thương hiệu” mà game thủ nước ngoài luôn nghĩ tới khi nhắc tới “gamer Việt”.
Dĩ nhiên việc vơ đũa cả nắm là điều không ai mong muốn, thế nhưng đó lại là sự thật đáng buồn gây khó khăn cho bất kỳ game thủ Việt nào có hứng thú thưởng thức những game online đình đám chưa ra mắt tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, liệu rằng tất cả game thủ quốc tế đều hội tụ đủ những phẩm chất của một gamer chân chính để có thể lên tiếng chê bai những game thủ Việt chúng ta? Dĩ nhiên là chưa.
Kỳ thị đến mức tiêu cực
Một người bạn của tôi đã từng chia sẻ khi chơi
game online nước ngoài:
“Có lần mình xin vào một clan cũng hạng xoàng thôi, mục đích là để đi cho có đội, mình chơi class buff, đi solo thì chẳng làm được tích sự gì. Thế nhưng chỉ mới gõ chat giới thiệu mình là người Việt, họ đã kick thẳng tay, không cho mình cơ hội giải thích gì thêm.”
“Tất nhiên là cũng mang tiếng lắm chứ, vì hầu hết trong số họ đều đã có không ít ác cảm với người chơi đến từ Việt Nam, từ việc gây lag cho party, đến cả việc “khua” đồ chẳng nhường nhịn ai. Thế nhưng kỳ thị tới mức không dám tự nhận mình là người Việt thì đúng là cũng phải xem lại cách suy nghĩ của những game thủ kia. Chưa chắc họ đã là gamer chân chính đâu, nhưng Việt Nam nhiều con sâu làm rầu nồi canh quá, thành ra đi đến đâu cũng bị hắt hủi.”
Cũng không thiếu những người tuy chưa gặp phải bất kỳ sự ức chế nào, nhưng vẫn lên tiếng đòi trả lại “quyền lợi” bằng cách ban IP nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thực sự, những người như vậy chỉ khiến cho tình hình thêm mất kiểm soát, và người ngoài nhìn vào lại vô tình có định kiến với game thủ Việt nói chung.
Cũng xấu tính chẳng kém những “con sâu”
Tiếp tục với câu chuyện “game thủ chân chính”, người bạn của tôi tiếp tục chia sẻ: “Cứ tự nhận mình chơi game biết đoàn kết, biết nhường nhịn, nhưng ngay cả cộng đồng nước ngoài cũng chẳng thiếu gì những kẻ tư lợi cá nhân, xấu tính, thậm chí hack cheat cũng có, chẳng riêng gì một bộ phận người Việt.”
“Nhìn vào một party mình từng tham gia là thấy ngay. Lần này mình không dám tự nhận là game thủ Việt như lần trước nữa, cộng thêm việc chơi class buff khá nhiệt tình nên họ cũng không gây trở ngại gì. Đến khi tiêu diệt xong con boss mới vỡ lẽ, clan nước ngoài nhiều khi cũng chẳng khác gì clan Việt Nam.
Mạnh ai nấy nhặt đồ, chẳng chừa đồ gì. Nhiều người đã phải bật chat lên hỏi xem có rớt đồ gì có ích cho class của họ không, nhưng những game thủ kia phớt lờ, cứ nhặt đầy hòm đồ và… tắt máy, làm như chưa có chuyện gì xảy ra.
Những tình huống như vậy xảy ra khá nhiều lần. Khi đó nhiều game thủ đã phải than phiền với quản lý của clan để tìm ra đối sách. Đời thì không như mơ, hóa ra gamer xấu tính kia lại là… bạn thân của quản lý clan. Vậy là chẳng có chuyện gì xảy ra. Người chơi thì bất mãn vì công sức của mình không được đền đáp, người có quyền thì làm ngơ, vậy là một lần nữa mình tự rời clan.”
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện văng tục chửi bậy cũng là một vấn nạn của bất kỳ tựa game nào. Từ tiếng Anh đến tiếng bản địa, những câu nói với mục đích thóa mạ những game thủ khác xuất hiện với tần xuất liên tục là điều hoàn toàn bình thường. Đáng buồn thay, chủ nhân của những câu nói vô văn hóa như vậy lại không phải là những người Việt.
Tạm kết
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Điều khó có thể chối cãi là ý thức chơi game của một bộ phận game thủ Việt vẫn chưa thể giúp họ hòa nhập được với môi trường thế giới, thế nhưng chính bản thân game thủ nước ngoài cũng vẫn tồn tại thực trạng như vậy. Liệu điều này có phải đã và đang khiến cho cộng đồng game thủ Việt Nam tại nước ngoài cảm thấy bị phân biệt đối xử một cách không công bằng?