Như đã đưa tin, kế hoạch truyền thông cho
Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D ở Việt Nam xấp xỉ
100 tỷ VNĐ. Số tiền này sẽ được dùng vào việc chạy thị trường, quảng bá trò chơi và thậm chí sẽ phủ rộng khắp Việt Nam.
Ngay lập tức, nhiều ý kiến từ phía gamer vẫn cho rằng việc VNG hé lộ thông tin này chỉ là một chiêu trò quảng bá của NPH này, và rằng 100 tỷ VNĐ là một số tiền quá lớn, thậm chí là không tưởng, và nó lại chỉ được dùng để quảng bá cho một tựa game online.
Nếu như bạn còn nhớ thì trước đây, mỗi khi những tựa game quan trọng như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Kiếm Thế ra mắt, VNG đều có các chiến dịch marketing rầm rộ, lan tỏa đến khắp các phòng máy ở mọi miền trên đất nước. Vì vậy, ngoài việc gameplay cuốn hút thì vai trò của truyền thông cũng đóng phần quan trọng để tạo nên thành công cho 2 tựa game online này.
Tuy nhiên, thời thế đã khác, khi mà ở Việt Nam hiện nay có tới hàng trăm tựa game online đang được phát hành, chính vì vậy, rất khó có một tựa game online nào có thể gặt hái được thành công cũng như lượng người chơi đông đảo như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Kiếm Thế đã từng làm được, đơn giản vì cộng đồng game thủ hiện đã bị xé nhỏ chứ không còn tập trung như trước.
Có lẽ, hiểu rõ được điều này nên VNG đã cố gắng tổ chức một chiến dịch marketing thật rầm rộ cho đứa con của mình. Hơn thế nữa, trên thực tế thì việc một tựa game online có thể kiếm được từ hàng chục tỷ VNĐ hàng tháng ở Việt Nam vốn không phải là chuyện hiếm.
Ở thời kỳ hoàng kim, hàng loạt tựa game online có thể kiếm về cho NPH trung bình khoảng 30 tỷ VNĐ mỗi tháng, như Võ Lâm Truyền Kỳ I, Võ Lâm Truyền Kỳ II, Kiếm Thế, Thiên Long Bát Bộ, Đột Kích, Audition, FIFA Online 2. Thậm chí, ngay cả những Webgame như Gunny, Tam Quốc Truyền Kỳ, Võ Lâm Chi Mộng cũng từng có khoảng thời gian đạt doanh thu hàng chục tỷ VNĐ mỗi tháng. Do vậy, nếu như Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D thành công thì khoản tiền 100 tỷ cũng chỉ bằng doanh thu của tựa game đấy trong vòng từ 3 tháng đến nửa năm mà thôi.