Có lẽ bất kỳ game thủ nào trên toàn thế giới cũng biết rằng, những game thủ eSports thành công tại Hàn Quốc đều được coi như những niềm tự hào của quốc gia. Hàng triệu người hàng năm theo dõi những trận đấu mà họ tham gia trên truyền hình.
Game và giải trí tương tác đã trở thành một khía cạnh của văn hóa tại nhiều nước. Tuy nhiên tại Hàn Quốc, họ coi game nói chung và thể thao điện tử nói riêng là một mảng không hề nhỏ trong nền văn hóa của quốc gia Đông Á này. Những cặp đôi hẹn hò tại các PC Bang (cách gọi quán game tại Hàn Quốc) thậm chí còn đông đảo và dễ bắt gặp hơn cả những cặp đôi đi xem phim cùng nhau.
Một trong những điều khiến cho video game có được sự thăng hoa hiếm thấy như ở Hàn Quốc chính là nhờ vào những phát triển về công nghệ của xứ sở này. Từ đường truyền internet tốc độ cao, việc tiếp cận sớm với smartphone, cho tới sự quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả ngành công nghiệp eSports của các cơ quan chức năng nước này đã tạo ra một đất nước được người ta biết tới nhờ thể thao điện tử hơn là những giá trị văn hóa truyền thống.
Minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này là vào ngày chủ nhật vừa qua tại Seoul, 40.000 fan hâm mộ League of Legends đã tụ họp tại sân vận động từng được dùng để tổ chức kỳ World Cup năm 2002 để theo dõi những đội tuyển quê nhà của mình thi đấu tại giải vô địch LMHT thế giới.
Ngay cả Manuel Schenkhuizen, “Grubby” huyền thoại một thời của cộng đồng WarCraft 3 cũng phải nể phục khả năng tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp tại xứ Kimchi: “Rất nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng theo kịp thành công của thể thao điện tử Hàn Quốc và bắt chước những gì họ làm.”
Đối với giới trẻ Hàn Quốc, những game thủ, những đội tuyển eSports của đất nước họ được tôn vinh, thần tượng chẳng kém cạnh gì những siêu sao ca nhạc hay những diễn viên danh tiếng.
Bên trong một PC Bang
Về phần những game thủ trẻ tuổi, họ cố gắng tập luyện, theo dõi những đàn anh mà mình hâm mộ, với mơ ước một ngày họ sẽ được đứng trên đỉnh vinh quang giống như những ngôi sao đang tỏa sáng kia.
Trong khi đó thì cả thế giới cố gắng giải mã sức hút eSports tại quốc gia thuộc bán đảo Triều Tiên này. Một số người cho rằng, vào thập niên 90, khi châu Á đang gồng mình chống đỡ lại những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, thì chính phủ Hàn Quốc lại tập trung vào phát triển công nghệ viễn thông và cơ sở hạ tầng mạng internet. Đến đầu những năm 2000, nhờ vào những thay đổi của công nghệ, game thủ tại đất nước này mới được dịp phát huy khả năng, khi những PC Bang ngày một nhiều ở khắp nơi trên đất nước.
Busan năm 2004
Ngay cả chính phủ Hàn Quốc cũng nhận ra tiềm năng này và lập ra Liên đoàn Thể thao điện tử. Rồi đến cả những đài phát thanh truyền hình cũng bắt đầu phát sóng trực tiếp những trận đấu StarCraft, một trong những bộ môn mà Hàn Quốc khiến cả thế giới kinh sợ. Năm 2004, hơn 100.000 fan hâm mộ đã tụ hội tại bãi niểm Gwangalli thành phố Busan để theo dõi trận chung kết giải đấu StarCraft tổ chức tại đây.
Trong khi các quốc gia khác vẫn đang cố gắng đón đầu phong trào eSports, thì tại xứ sở Kimchi, nó đã trở thành một nét văn hóa và vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ vô cùng mãnh liệt.
>> Chung kết Liên Minh Huyền Thoại mùa 4: Vinh quang và nuối tiếc