Theo SGGP Online | 03/10/2014 02:12 PM
Cuộc chiến mua game
Câu chuyện Xạ Chiến là câu chuyện mới nhất, nhưng không phải là câu chuyện nóng nhất trong những cuộc chiến của các NPH tại Việt Nam.
Đã có rất nhiều “cuộc chiến” tranh mua xảy ra giữa những game online “bom tấn”, được kỳ vọng sẽ chiếm được thị trường lớn, giữa các NPH lớn. Game Thiên Long Bát Bộ là một ví dụ. Đầu tháng trước, gần như toàn bộ những người quan tâm đến làng game Việt đều giật mình, khi sản phẩm game Thiên Long Bát Bộ, sau 7 năm gắn bó với NPH FPT tại Việt Nam, bỗng nhiên được đối tác bán lại bản quyền cho VNG. Tại thời điểm cuộc “sang tên đổi chủ” này diễn ra, đây vẫn được coi là một trong số những tựa game online nhập vai có tuổi đời đáng nể và cũng là một trong những quân bài chủ lực nhất của FPT game tại Việt Nam hiện nay.
Chính vì lẽ đó, khi VNG bất ngờ công bố việc sẽ có được quyền phát hành Tân Thiên Long (tên gọi khác của Thiên Long Bát Bộ), cả làng game đã bị sốc. Dĩ nhiên để sở hữu bản quyền một game chủ lực từng là thương hiệu lớn của FPT game, cái giá mà VNG bỏ ra không phải là nhỏ. Trong số các doanh nghiệp phát hành game online lớn nhất Việt Nam, sự sang tên đổi chủ sản phẩm không chỉ đến từ VNG và FPT. Trước đây, “con gà đẻ trứng vàng” FiFa online 2 của VTC đã bị buộc phải đóng cửa tại Việt Nam, khi NPH Gerena giành được quyền phát hành FIFA Online 3.
Các game cài đặt trên máy tính (PC), trong nhiều năm qua luôn là một lĩnh vực quan trọng nhất của ngành game online. Và để có sản phẩm tốt, các NPH tại Việt Nam đã phải cạnh tranh nhau khốc liệt. Nhiều người cho rằng, sự cạnh tranh đó, phần nào giống như việc các nhà đài tranh nhau mua bản quyền một chương trình của nước ngoài, đã đẩy giá bản quyền lên, quay trở lại gây thiệt hại cho chính họ.
Sức hút từ game PC giảm so với thời điểm cách đây vài năm.
Sản xuất và “chết”
Game online có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, thông qua các phiên bản game “offline” cài đặt trên máy tính. Thế nhưng, khi trào lưu nối mạng tăng vọt, các tựa game online cũng theo chân các NPH Việt vào thị trường. Lúc đó, tuy các tựa game không nhiều như hiện tại nhưng nó đã mang lại nguồn doanh thu “khủng” cho các NPH game.
Không chấp nhận phụ thuộc vào việc mua bản quyền, và mơ ước tự sản xuất được hàng Việt, hàng loạt các NPH game thuộc cỡ “đại gia” như VNG, VTC Games, Emobi Games… quyết định đầu tư công sức, tiền bạc để làm game thuần Việt. Từ năm 2010, VNG khơi mào khi tung ra Thuận Thiên Kiếm, game nhập vai trực tuyến lấy bối cảnh thời hậu Lê (thế kỷ 15-16). Sản phẩm đã được làm từ năm 2007. Ngày đó, VNG tiết lộ chi phí đầu tư cho Thuận Thiên Kiếmkhoảng 25 tỷ đồng và dự kiến thu hồi vốn trong 3 năm. VTC Studio cũng đầu tư một khoản vốn rất lớn để triển khai các dự án game của mình. Cao điểm, số lượng nhân sự làm việc trong các dự án của VTC Studio tới cả trăm người, chưa kể đến các chuyên gia nước ngoài. Các thiết bị làm game cũng được đầu tư mua sắm thuộc loại tiên tiến nhất làng game Việt.
Thế nhưng, dù đầu tư bài bản, thời gian kéo dài, Thuận Thiên Kiếm vẫn chỉ là một sự kiện mang đến tinh thần cho người làm game hơn là khoản doanh thu mà nó mang lại. Duy trì đến tháng 3-2013, game này chính thức tuyên bố đóng cửa. Hàng loạt các tựa game “bom tấn” sau đó cũng tan vỡ còn nhanh hơn cả bong bóng xà phòng. Squad thất bại, Generation 3 vật vã bởi lỗi game. 7554 của Emobi Games ra mắt như một sự cứu cánh thế nhưng doanh thu có được chưa bằng con số lẻ so với kinh phí hơn 850.000 USD mà nhà đầu tư này đã bỏ ra.
Kết quả, những Thuận Thiên Kiếm, 7554 chỉ tạo nên cơn sốt trong cộng đồng game rằng chúng ta làm được. Chỉ thế thôi, không có cơn sốt nào khi những cái “chúng ta làm được” đó được phát hành ra thị trường. Game lần lượt chết! Doanh thu còn chưa bằng chi phí sản xuất, chứ đừng nói đến chuyện cộng thêm chi phí vận hành.
Tại sao? Có rất nhiều lý do, từ việc các doanh nghiệp chúng ta đi sau các quốc gia khác trên thế giới, đến việc ngành công nghiệp non trẻ này chưa nhận được sự ủng hộ của các chính sách. Thậm chí, trong khi nhiều nước có rất nhiều chính sách để khuyến khích các kỹ sư sáng tạo ra sản phẩm game, xuất khẩu đi và mang ngoại tệ về, thì ở Việt Nam, nhiều game các doanh nghiệp trong nước làm ra muốn phát hành cũng khó. Từ một thị trường game Việt sôi động trước đó không lâu, các studio lớn tan rã. Và cũng đã rất lâu rồi cộng đồng game thủ Việt không còn được nhìn thấy một tựa game PC thuần Việt thực sự ấn tượng và chất lượng.
Nhưng, trong khi vẫn chưa bao giờ được ưu đãi từ phía chính sách, vẫn chưa bao giờ thành công ở game PC, thì giấc mơ làm game, giấc mơ có sản phẩm Việt tham gia vào thị trường hơn 80 tỷ USD và có gần 1 tỷ người dùng trên thế giới, vẫn cháy trong tim nhiều người trẻ làm internet. Ngọn lửa đó đã bùng lên dữ dội hơn, khi game trên điện thoại - loại hình mới phát triển trên toàn thế giới, bắt đầu phổ biến. Và đặc biệt, nhiều bạn trẻ nhìn thấy một bài học thành công, khi Nguyễn Hà Đông đã vươn lên đứng đầu thế giới một thời gian cùng Flappy Bird.
>> Điểm truy nhập internet công cộng, game online chỉ được hoạt động đến 22h