Trong vài ngày qua,
DotA 2 cùng những câu chuyện xoay quanh tựa
game MOBA rất đáng chú ý này đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều
game thủ Việt, đặc biệt là những người đang hàng ngày hàng giờ đắm chìm trong những trận đấu đầy kịch tính của nó.
Điều đáng quan tâm trong câu chuyện
DotA 2 không về với làng game Việt chính là phản ứng của cộng đồng game thủ nước nhà. Thay vì đưa ra những bình luận mang nội dung tiếc nuối cho một tựa game đình đám, được nhiều game thủ trong nước quan tâm nhưng không thể về được thị trường Việt Nam, hầu hết những fan
DotA 2 đều cho rằng, việc không một NPH nào đủ tiềm lực mang MOBA này về nước ta là một điều… may mắn cho cộng đồng game thủ.
Tới đây, không ít người đã cho rằng,
làng game Việt đã “phát triển” tới một “tầm cỡ” đáng buồn, đặc biệt là những mảng tối của thị trường, từ cách hoạt động của một số nhà phát hành tới ý thức tham gia của một bộ phận game thủ trong nước.
Nỗi sợ mang tên “hút máu”
Một trong những nỗi sợ vô hình của cộng đồng game thủ Việt trước tin tức những game online hay, có chất lượng tại các thị trường game nước ngoài khi được mang về Việt Nam chính là nỗi sợ hãi mang tên “hút máu”.
Đành rằng, một khi đã bước chân vào thị trường game online Việt Nam, thì bên cạnh đam mê, các nhà phát hành luôn luôn cần phải có tầm nhìn chiến lược để mỗi sản phẩm, mỗi “lá bài” họ tung ra thị trường đều cần có lợi nhuận nhất định.
Với sự suy tàn của những tựa game online với mô hình kinh doanh thu phí trong vài năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, game miễn phí trở thành lựa chọn hàng đầu cũng như duy nhất để các nhà phát hành game trong nước tìm được thành công cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng. Vô tình cash shop hay những cửa hàng bán vật phẩm ảo trong game trở thành cứu cánh cho mọi game miễn phí.
Nói đi cũng phải nói lại, theo thống kê trong năm 2013 cho thấy, mỗi game thủ Việt tiêu vào game online trung bình 400 nghìn Đồng mỗi tháng. Nếu đem so sánh con số này với khoản tiền trung bình mỗi tháng cần bỏ ra cho một game thu phí là lớn hơn nhiều. Vậy nhưng game miễn phí có kèm cửa hàng trực tuyến vẫn thu hút đại đa số game thủ.
Tuy vẫn có người chơi trung thành, nhưng mọi nhà phát hành đều không thể chiều chuộng được tất cả khách hàng, những người chơi game online do họ phát hành được. Chính vì thế thực trạng game thủ phàn nàn hoặc thậm chí là sợ hãi trước những game online “hút máu” đã trở thành căn bệnh trầm kha trong cộng đồng game thủ.
Không có cộng đồng lành mạnh
Sẽ là không công bằng nếu trong một bài viết đề cập tới làng game mà chúng ta chỉ quy chụp hoàn toàn lỗi cho các nhà phát hành. Chính bản thân một số lượng không nhỏ gamer trong nước cũng đã góp những hành động không hay để biến làng game trở thành một nơi mà đến chính bản thân người Việt cũng còn e dè.
Từ việc văng tục chửi bậy như không cần biết tới ai, đến những thói xấu ít nơi nào có như PK bừa bãi, spam kênh chat quốc tế hay thậm chí là hack cheat, bức tranh mô tả bộ mặt chung của người chơi game online nước ta trong vài năm qua đã trở nên méo mó đến mức khó có thể tin được.
Lỗi ở các nhà phát hành game đã không mạnh tay để tạo ra một cộng đồng game thủ lành mạnh, có ý thức là một phần. Thế nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một khi đã không có ý thức tham gia cuộc chơi một cách nghiêm túc, tránh tuyệt đối những hành vi xấu như đã được mô tả ở trên, thì mọi công sức cố gắng của NPH cũng sẽ đổ sông đổ bể.
Điều đáng tiếc nữa chính là, mỗi khi có những vấn đề liên quan, game thủ thường lôi ngay tên NPH ra để buông những lời không mấy đẹp đẽ, vì theo họ, “nhà phát hành không quản nổi người chơi”.
Và hệ quả
Như đề cập ở đầu bài viết, hầu hết game thủ Việt đều cảm thấy may mắn và vui mừng vì (những) game hay đã không về với thị trường trong nước. Rõ ràng niềm tin của cộng đồng đối với thị trường đã sụt giảm mạnh tới mức, những vấn đề đáng lo ngại như NPH chộp giật, ý thức game thủ tồi tệ cũng như chất lượng quản lý game yếu kém đã khiến họ không mong đợi một game hay ra mắt phiên bản nội địa.
Trong tâm lý chung của những game thủ Việt, với thất bại của không ít những cái tên đình đám, thậm chí ngang tầm bom tấn trong quá khứ, một tựa game nữa về Việt Nam mà không thay đổi được quỹ đạo của thị trường như hiện nay, lập tức nó sẽ chất yểu. Trong trường hợp của DotA 2, đó là kịch bản dễ nhận thấy nhất, đặc biệt là khi thói quen chơi game của người Việt không còn hardcore như xưa.
Câu hỏi gây nhiều trăn trở được đặt ra là: Rồi làng game sẽ tiếp tục những ngày đen tối, game thủ không tin vào sức mạnh nội tại của thị trường trong nước tới bao giờ?