Trên thực tế, các game online hiện đang được vận hành trên thế giới thường phải áp dụng một hình thức thu phí nhất định "ai cũng như ai".
Chơi World of WarCraft đòi 60 USD tiền bản quyền game, và thêm 15 USD phí chơi hàng tháng
Trên thế giới, nhiều tựa game online nổi tiếng như World of WarCraft, Final Fantasy XIV... đều yêu cầu người chơi phải chi trả một mức phí giờ chơi nhất định hàng tháng, và lúc này, tất nhiên trong game sẽ không còn tồn tại Cash Shop hay tiền nạp thẻ nữa. Trong game sẽ chỉ tồn tại duy nhất 1 loại đơn vị tiền tệ, và chỉ kiếm được in-game mà thôi, không thể dùng tiền bên ngoài để can thiệp.
Thậm chí, ngay cả những tựa game MOBA "cân bằng" như DOTA 2, hay Liên Minh Huyền Thoại, thì việc nạp tiền vào để chơi game cũng là điều khó tránh khỏi. Nếu như trong DOTA 2, người chơi sẽ cần phải nạp tiền để mua các loại sách Conpendium (để có được thêm nhiệm vụ, trang bị đẹp) thì trong Liên Minh Huyền Thoại, những người mới chơi thường bỏ tiền ra mua tướng mới, và đặc biệt là dùng tiền để mua ngọc.
Chơi MOBA như Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 thì cũng phải nạp tiền
Dẫu vậy, đây là chuyện ở bên "nước ngoài", còn tại nước ta, các game online đều là miễn phí giờ chơi. Do đó, việc chơi game với hình thức áp dụng thêm Cash Shop là điều không tránh khỏi.
Vấn đề "nạp tiền" ở đây đến từ tâm lý chung của game thủ Việt nói riêng, hay thậm chí cả game thủ tại một số nước trong khu vực Châu Á nói chung như Trung Quốc chẳng hạn. Cụ thể, khi nạp tiền vào trong game để mua một vật phẩm ảo, người chơi sẽ cảm thấy "thích thú" hơn hẳn so với cùng số tiền đấy, họ bỏ ra dùng vào việc trả tiền phí giờ chơi hàng tháng.
Người chơi tự nguyện nạp tiền để nhân vật của mình được mạnh lên ngay lập tức
Tâm lý chung này cũng đến từ việc khi bỏ tiền ra mua một vật phẩm cụ thể, người chơi sẽ thấy ngay rằng nhân vật của họ sẽ được mạnh lên ngay lập tức. Còn trong khi đó, nếu nạp tiền giờ chơi hàng tháng thì nhân vật của họ sẽ chẳng được lợi thêm gì cả.
Vấn đề này tác động mạnh lên thói quen chi trả, nạp tiền của game thủ, và khiến cho các tựa game online đa phần đều phải chuyển sang miễn phí giờ chơi, vì người chơi đều cảm thấy quá thiệt thòi khi chơi game thu phí.
Điều đáng nói hơn rằng tâm lý trả tiền của nhiều game thủ Việt đến từ khao khát muốn nhân vật của mình phải mạnh hơn, phải thật "bá đạo" trong thế giới ảo. Trên thực tế, ví dụ như việc thông thường, bạn phải mất 5 ngày để có thể kiếm đủ số ngọc ép vào vũ khí thì chỉ sau với việc nạp tiền, bạn lại có thể kiếm đủ số ngọc này ngay lập tức.
Dù chơi game miễn phí hay game trả phí thì người chơi vẫn sẽ nạp tiền mà thôi
Đây rõ ràng là hành động "tự nguyện nạp tiền" của người chơi, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng người chơi đã dùng tiền mặt để đổi lại "sức mạnh" của nhân vật ảo trong game và đặc biệt là... trong thời gian ngắn. Tất nhiên, khi nhân vật của bạn mạnh thì bạn có thể được "tận hưởng" niềm vui chiến thắng trong các hoạt động PvP như kiểu lôi đài, bang hội chiến, quốc chiến...
Điều này không chỉ tiếp tục đem đến cho người chơi được thêm nhiều phần thưởng từ các hoạt động này, mà còn giúp họ được tận hưởng "vinh quang" của người chiến thắng. Có lẽ, nếu như bạn có thể cảm nhận được điều này thì sẽ cảm thấy số tiền mà ta nạp vào game online khi chơi là không uổng phí.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, điều đáng tiếc là không phải lúc nào một tựa game online cũng có thể hoạt động mãi, bởi đôi lúc, sau khi hoạt động được vài năm thì lượng người chơi, dẫn đến việc trò chơi đó sẽ bị đóng cửa, dừng hoạt động.
Lúc này, số tiền mà người chơi nạp vào game đương nhiên sẽ bị mất, khi nhân vật của họ trong trò chơi đó sẽ không còn nữa. Với nhiều NPH, sau khi game đóng cửa, họ sẽ hỗ trợ người chơi chuyển sang các game online khác của mình, tùy theo lượng tiền mà người chơi đã nạp. Tuy nhiên, những hỗ trợ này thường không được trọn vẹn, cũng như chưa thể đảm bảo đủ quyền lợi của người chơi.
Do đó, khi game online đóng cửa thì game thủ vẫn là người phải chịu thiệt thòi lớn nhất. Chính vì vậy, các game thủ cũng nên cân nhắc về việc nạp tiền vào chơi game online, với mức độ vừa phải, phù hợp với khả năng của mình để kể cả khi game bị đóng cửa, bạn cũng không cảm thấy quá hụt hẫng vì... tiếc của.