Nạn ngộ nhận về game MOBA tại Việt Nam

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 26/04/2013 12:08 AM

Phải chăng các nhà phát hành game online Việt Nam đang lạm dụng cụm từ MOBA?

Kể từ khi những map DotA đầu tiên xuất hiện cho đến nay, chỉ nói riêng cộng đồng game Việt Nam, những tựa game với lối chơi MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) đã trở thành một trong số những thể loại không thể thiếu đối với những game thủ. Thế rồi thời gian trôi đi, đến cuối năm 2012, đầu năm 2013, làn sóng những tựa game MOBA mới cũng đã bắt đầu tấn công làng game Việt.

Nạn ngộ nhận về game MOBA tại Việt Nam 1

Cuối năm 2012, cái tên Mộng Tam Quốc bắt đầu xuất hiện trên nhiều trang tin tức cũng như những diễn đàn game online Việt Nam với danh nghĩa tựa game MOBA hiếm hoi được chính thức phát hành tại Việt Nam. Việc Mộng Tam Quốc ra mắt cũng chính thức phá vỡ thế giằng co của hai đại gia đang sở hữu số lượng tuyệt đối người chơi MOBA trong nước là LoLDotA 2 (lúc này số lượng người chơi DotA dưới dạng bản đồ mở rộng của WarCraft 3 đã không còn nhiều). Giờ game thủ biết đến Mộng Tam Quốc với cái tên Củ Hành.

Và rồi kể từ đó, không ít những game online trong nước khi phát hành cũng đã kịp “bắt nhịp” với làn sóng MOBA đang phát triển rất mạnh trên phạm vi toàn thế giới với những dự án đầy tham vọng của các studio. Thế nhưng những tựa game online được giới thiệu ồ ạt là game MOBA trong thời gian qua liệu có cùng lúc đề cao cả kỹ năng cá nhân lẫn sự phối hợp đồng đội? Hãy cùng GameK nhìn nhận lại một vài sự kiện đã từng gây chấn động cộng đồng game thủ thời gian vừa qua.

Nạn ngộ nhận về game MOBA tại Việt Nam 2

Đầu tiên là “MOBA One Piece”. Trang teaser được thiết kế với những lớp nhân vật và cốt truyện khá đầy đủ. Không ít game thủ đã tin tưởng rằng họ sẽ có thể được trải nghiệm một tựa game về chàng cướp biển Monkey D. Luffy mà không phải một webgame “trỏ và nhấn, tặng kèm auto” nhàm chán. Thế nhưng khi tựa game chính thức ra mắt, cộng đồng đã bày tỏ sự hụt hẫng không có điểm dừng khi hóa ra đây đơn thuần chỉ là phiên bản nâng cấp của tựa game Vua Hải Tặc đã được phát hành trước đó một thời gian.

Nói một cách khác, cụm từ MOBA hóa ra chỉ là chiêu trò quảng bá sản phẩm của nhà phát hành Game5 cho phiên bản mới của sản phẩm webgame Vua Hải Tặc.

Nạn ngộ nhận về game MOBA tại Việt Nam 3

Một cái tên khác, xuất hiện sau nhưng cũng không kém phần đình đám, đó chính là Trảm Tiên. Được nhà phát hành quáng cáo là “một webgame kết hợp giữa nhập vai và MOBA”, thế nhưng rốt cuộc khi ra mắt, tựa game này không khác nhiều (hay nói thẳng thắn ra là không khác gì) những game trình duyệt đang có trên thị trường. Giống ở điểm nào? Ở nền đồ họa 2D (một số game thủ còn than phiền game quá lòe loẹt) cũng như công cụ auto hỗ trợ người chơi từ đầu chí cuối.

Những hành động quảng bá game có phần quá lố như vậy của những nhà phát hành nếu không được nhìn nhận lại, sẽ có thể gây ra sự ngộ nhận của game thủ Việt về thể loại game MOBA. Nếu đã hỗ trợ game thủ một cách tối đa, đến quái vật cũng tự đánh hộ thì sao có thể đặt một tựa game online nền trình duyệt như vậy vào thể loại MOBA?

Nạn ngộ nhận về game MOBA tại Việt Nam 4

Sắp tới đây, làng game Việt Nam sẽ có thêm một cái tên MOBA mới, Chaos Online. Có thể chắc chắn rằng thị trường game MOBA (hay còn được gọi là A-RTS – Hành động chiến thuật) sẽ tiếp tục nóng lên, và cũng không ngoại trừ trường hợp những nhà phát hành game Việt Nam sẽ tiếp tục lạm dụng thuật ngữ MOBA cho những game nhập vai được mở cửa tại thị trường Việt Nam, ngay cả khi chúng chẳng có nổi đến… 1% chất MOBA bên trong. Nếu không có sự nhận định đúng đắn của những game thủ, kể cả đã quen thuộc hay lạ lẫm với khái niệm MOBA, thì một ngày nào đó, khái niệm MMORPG client hay webgame nhập vai chưa biết chừng sẽ bị bóp méo bởi chính những chiêu bài PR của các nhà phát hành game.