Năm 2013 các NPH Việt đi mua game thế nào?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 06/02/2013 12:05 AM

Đã có nhiều sự thay đổi so với các năm trước đây.

Nếu như với game thủ việc chọn game để chơi là chuyện muôn thủa thì với các NPH, chuyện mua game cũng là vấn đề quan trọng nhất. Làm sao chọn ra được một MMO hợp với thị trường Việt Nam và để mua được nó là cả một quá trình cực kỳ khó khăn và gian nan, đòi hỏi họ phải lập ra cả bộ phận riêng (R&D) chuyên trách vấn đề này.
 
Và cũng vì mua game là chuyện sống còn với một doanh nghiệp nên bên cạnh cuộc chiến phát hành thì việc tranh đấu để đạt được thỏa thuận với đối tác nước ngoài luôn cực kỳ phức tạp. Có nhiều lúc 3, 4 hãng cùng chú ý đến một trò chơi nên người chiến thắng là người trả giá khôn ngoan nhất để không bị lố hoặc bị loại khỏi cuộc chơi.
 
Năm 2013 các NPH Việt đi mua game thế nào? 1
Chọn mua và mua được một MMO là điều không hề dễ dàng.
 
Trong khoảng 6, 7 năm đầu của ngành game Việt thì quá trình mua game khá giống nhau, tuy nhiên sang đến năm 2013 này thì đã có một số thay đổi. Dự kiến những thay đổi đó rất có thể sẽ làm bộ mặt MMO nội địa đi theo hướng hoàn toàn khác.
 
Mua game kiểu cũ: Cạnh tranh một mất một còn
 
Trước đây, quan điểm của các NPH Việt Nam là chỉ chọn những trò chơi đã thành công từ trước tại thị trường nước ngoài (mà chủ yếu là Trung Quốc) để mua về. Chính vì thế đa phần MMO được nhòm ngó đều có vị trí rất cao trên các bảng xếp hạng hoặc ít nhất cũng phải có lượng CCU cao.
 
Dĩ nhiên, một game thành công mà nhiều người muốn mua thì phía NSX sẽ chiếm phần lợi thế. Họ thoải mái ra giá, thậm chí nói thách giá gấp rưỡi đến gấp đôi với các doanh nghiệp nhỏ, trong khi cố tình bán giá thấp cho công ty lớn (vì khả năng thu lời qua ăn chia doanh số cao hơn). Chính vì thế trong khoảng 2 năm gần đây thì giá game nhập về mới bị đội lên nhiều so với giá trị thực.
 
Năm 2013 các NPH Việt đi mua game thế nào? 2
Đằng sau những hợp đồng mua game là quá trình chiến đấu khó khăn.
 
Việc cạnh tranh trên không có gì là xấu, vì âu đó cũng là quy luật thị trường. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ một game có thể thành công tại Trung Quốc nhưng chưa chắc đã hợp với dân Việt, mà việc sửa chữa gameplay gần như là điều không thể vì tựa game đó đã hoàn thiện từ lâu. Chính sự rủi ro đó khiến nhiều MMO chi đến hàng chục tỷ để vận hành và PR nhưng rồi vẫn chịu lỗ. Hoặc tệ hơn có thể là các bug, hack hoành hành mà không sửa chữa kịp thời.
 
Mua game kiểu mới: Từ trong trứng
 
Sang năm 2013, theo ghi nhận sơ bộ thì một số doanh nghiệp đã bắt đầu xem xét mua game theo hướng mới. Nói một cách dễ hiểu thì họ chọn lựa sản phẩm ngay từ khi nó còn đang trong quá trình sản xuất. Cách làm này có nhiều lợi thế hơn hẳn so với xu thế cũ.
 
Năm 2013 các NPH Việt đi mua game thế nào? 3
Nhắm game khi còn "trong trứng" là cách làm thông minh.
 
Thứ nhất, mua game từ khi đang sản xuất thì giá thành rẻ hơn, việc ký kết hợp đồng cũng nhanh hơn vì số lượng các dự án đang phát triển là rất nhiều (ở Trung Quốc gần như không đếm xuể, nhất là khi tốc độ "đẻ" game nhanh trong vài ba tháng xong một sản phẩm), khi đó sẽ ít đơn vị nhòm ngó đến nó hơn. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều kinh nghiệm cũng như thông minh.
 
Theo chia sẻ từ đại diện một NPH trong nước thì giá mua game khi đang phát triển có thể chỉ bằng 2/3 so với khi nó đã thành hình. Đơn giản vì họ không bị ép giá (trừ những dự án cực lớn mà truyền thông khắp nơi đều biết), hơn nữa các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ cũng rất dễ tính vì họ không phải lo khâu bán cho ai sau khi đầu tư tiền làm game.
 
Thứ hai, mua game từ khi đang sản xuất thì khả năng can thiệp vào nội dung để phù hợp với thị hiếu người Việt cũng cao hơn. Thậm chí là sửa đổi hoàn toàn đồ họa hoặc phần lớn gameplay theo hướng mới. "Thời gian tới sẽ có nhiều game mà nếu game thủ chơi trước ở Trung Quốc rồi chơi bản Việt Nam sẽ không nhận ra", một chuyên gia trong ngành cho hay.
 
Năm 2013 các NPH Việt đi mua game thế nào? 4
Việc tự do điều chỉnh nội dung nhanh chóng là rất cần thiết với game ngoại nhập.
 
Hơn nữa, khi mà việc tự phát triển game của Việt Nam còn khá sơ khai, thiếu kinh nghiệm thì cách làm trên cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu sửa đổi nhanh chóng của NPH. Thời gian vừa qua thì một số MMO theo dạng này đã được phát hành và thậm chí chỉ cần lên concept event cho NSX thì 2 ngày sau họ đã hoàn thiện, đó là quãng thời gian "trong mơ" với nhiều team vận hành game nội địa.
 
Đó là mặt tốt, còn rủi ro thì đương nhiên vẫn có. Đơn giản vì đặt niềm tin vào một game chưa hoàn thiện đồng nghĩa với tỷ lệ thất bại khi ra mắt cao hơn nhiều so với một game đã thành công từ trước. Tuy nhiên xét cho cùng, người được lợi nhiều nhất vẫn là game thủ, vì họ sẽ được trải nghiệm những MMO được hỗ trợ tối đa. Ngay cả các NPH cũng sẽ phải chọn game kỹ càng hơn, chất lượng hơn thay vì mua bừa rồi phát hành theo kiểu hút tiền lấy lãi rồi khai tử.