Cuộc đổ bộ của game online vào nước ta mở màn cho một kỉ nguyên giải trí mới của giới trẻ. Thay bằng những trò chơi dân dã thường ngày, chúng ta đắm mình vào thế giới kì ảo của game online trong những chuyến phiêu lưu, những thử thách, những cột mốc cần chinh phục. Có thể nói, game online đã mang đến một tầm mức hoàn toàn khác cho giới trẻ về thứ gọi là giải trí.
Cũng từ đó, sau cuộc đổ bộ của MU online với những server lậu, ngành game của nước nhà cũng dần phát triển từng bước, cho đến nay, có lẽ chúng ta đã có được một thị trường kinh doanh khá ổn định, với gần như hầu hết các NPH đều là doanh nghiệp trong nước, thừa sức đáp ứng nhu cầu của game thủ nước nhà. Chúng ta cũng bắt đầu làm game với những kết quả khá khả quan. Đó là những tín hiệu mừng.
Tuy nhiên, phàm cái gì phát triển nhanh cũng không thể tốt và bền vững. Chúng ta đang tiến nhanh, nhưng lại không có một nền móng thật sự vững chắc. Liệu có phải tất cả đã ổn định cho game thủ nước nhà có thể thỏa thích giải trí, yên tâm đầu tư chơi game?
Phát triển nhanh nhưng lại chưa có móng
Chúng ta được đánh giá là thị trường lớn nhất Đông Nam Á với doanh thu cao nhất và lượng game thủ cũng đông nhất. Nó được ví như thể chúng ta đang đứng trên một cái mỏ tài nguyên và thỏa sức đầu tư khai thác.
Với dân số gần 90 triệu người, lượng người trong độ tuổi thành niên là hơn 35 triệu, đó là một con số rất lớn. Lượng người đó có thể xem là các người chơi tiềm năng, và họ đang cần một sân chơi để giải trí. Nắm bắt điều đó, hàng loạt công ty liên tục mở ra để phát hành game phục vụ người chơi nước nhà.
Tuy nhiên, điều trước hết chúng ta cần nhìn rõ, đó là chúng ta không hề có trường lớp nào đào tạo để làm game. Chính vì điều đó, lượng nhân viên có thể đảm đương công việc làm game một cách chuyên sâu là rất ít. Hầu hết họ từ các lĩnh vực khác nhảy vào làm, với một chút hiểu biết có về game. Một số khác lại đi lên từ vị trí một game thủ. Tóm lại là hầu như không có ai qua đào tạo bài bản.
Vì vậy, việc vận hành game không phải lúc nào cũng trơn tru, ngon lành. Những năm gần đây, liên tục các công ty mở ra, game mới ồ ạt về, nhưng những bức xúc của khách hàng cũng tăng lên theo. Game vận hành không tốt, liên tục lỗi, thậm chí mau chóng đóng cửa, đó là tình trạng nhức nhối mà hậu quả hầu hết là do game thủ phải chịu.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh game thường có tư duy rằng chỉ cần mở công ty phát hành game, rồi sau đó tìm cách kiếm tiền thật mau, thật nhiều, cái đó gọi là có lãi, là lợi nhuận béo bở. Bởi vậy, chúng ta có một loạt game “cùi bắp” được nhập về, vài tháng sau đóng cửa. Với tư duy kiểu “ăn xổi ở thì” đó, thị trường không có được sự bền vững mà rất bấp bênh, còn game thủ thì ngay ngáy lo âu.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện về những đàn cá hồi vẫn vượt thác để đẻ trứng vào cuối vòng đời của mình. Thịt cá quá ngon, và người ta thay nhau đánh bắt ồ ạt, khiến cho cá không về nổi đến đầu nguồn sông để đẻ trứng, và năm sau, không còn những đàn cá đông đúc vượt thác cho người ta khai thác nữa. Thế nên người ta phải rút kinh nghiệm, chỉ đánh bắt một ít, còn lại để chúng sinh sôi, những năm sau còn có cái khai thác.
Kinh doanh game cũng cần phải có một kiểu “tư duy cá hồi” như thế.
Chữ tín cần được coi trọng
Kiểu tư duy cò con đã tồn tại từ lâu, và không chỉ trong lĩnh vực game, mà vô số lĩnh vực khác cũng vẫn có những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu đó. Lợi nhuận tức thời khiến cho người ta lóa mắt, và người ta cứ nhắm mắt làm, để hậu quả cho khách hàng lãnh chịu.
Nếu như gọi việc game đóng cửa khi game thủ vẫn đang muốn chơi là đơn phương chấm dứt hợp đồng, vậy thì các NPH có phải đền bù cho game thủ cái gì không? Có luật nào bắt buộc NPH phải công khai hình thức mua game, thời gian được phép vận hành game theo hợp đồng với NSX không? Những câu hỏi đó chỉ dẫn tới một điều là game thủ luôn chỉ nắm đằng lưỡi.
Âu thì cũng chỉ là game – một trò chơi thôi mà! Nếu như một bên “chán chơi”, họ có quyền nghỉ! Cái giá họ phải trả chính là uy tín của mình. Nếu như họ nghĩ rằng nhảy vào làm game, lấy một chút tiền lời rồi rút, thì có thể coi như game thủ đã bỏ ra một chút tiền để nhận được một vài bài học.
Những doanh nghiệp tận tâm, có năng lực dần dần sẽ trụ lại, được game thủ tin tưởng. Âu đó cũng là điểm tốt. Khi đó, họ có thể yên tâm chơi game của NPH mình đặt niềm tin. Phải trải qua thì mới biết được đâu là nơi đáng tin, đâu là nơi không thể tin. Sự cạnh tranh sẽ chọn ra những NPH có năng lực, có tâm huyết, và game thủ chính là người được lợi từ điều đó.
Sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc là điều đáng mừng. Game về nhiều thì game thủ càng có nhiều sự lựa chọn. Nhưng sẽ tốt hơn nếu như mỗi NPH đều lấy chữ tín lên làm đầu trong việc kinh doanh game, khi đó, thị trường mới thực sự bền vững như mong muốn của đôi bên.