Trong năm 2011 và 2012 vừa qua, thị trường Game Việt đã đón nhận khá nhiều tựa Webgame chiến thuật với bối cảnh Tam Quốc nhưng nổi bật nhất trong số đó phải nói tới Ngọa Long và Linh Vương.
Ngọa Long được coi là một webgame hot trên thị trường game Việt.
Xuất hiện muộn hơn so với Ngọa Long tới hơn nửa năm nhưng với những gì đã đến tay người dùng, có thể nói Chiến Ca hoàn toàn có thể chen chân trong thị trường vốn rất khó tính này. Để biết rõ hơn, chúng ta hãy cùng phân tích về vị trí hiện tại của sản phẩm này.
Quản lý tài nguyên
Ngọa Long cũng như Tam Quốc Truyền Kỳ, có lối chơi đơn giản hơn hẳn với người tiền bối Linh Vương của mình. Người chơi phải quản lý số lượng tài nguyên ít hơn, giao diện đơn giản, dễ quản lý tướng lĩnh cũng như vật phẩm. Để tấn công một người chơi khác trong Ngọa Long cũng rất đơn giản, bạn chỉ việc chọn thành trì đối phương và tấn công, không phức tạp và có lẽ sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy “thèm” cảm giác điều binh khiển tướng như Fate of Dragon, Romance of three kingdoms.
Trong khi đó, Chiến Ca trở lại với phong cách truyền thống của Linh Vương. Người chơi sẽ phải quản lý lượng tài nguyên rất lớn (thay vì chỉ có bạc và lúa), đồng thời phải có “tài thao lược” quản lý và quan sát tổng quát để có thể phát triển thành trì của mình một cách hợp lý, tránh khỏi các đợt tàn phá của quân thù. Chiến Ca cũng không vấp phải sai lầm của người tiền bối Linh Vương, tài nguyên của mỗi thành chủ sẽ được xây dựng trực tiếp ở ngoại thành của thành chủ đó, thay vì tùy thuộc vào vị trí trên bản đồ thế giới. Điều này sẽ tạo ra sự cân bằng trong Game hơn Linh Vương.
Hệ thống chiến tranh
Chiến Ca cũng cũng áp dụng các quy tắc về khoảng cách trong hành quân, hay nói cách khác, bạn sẽ mất thời gian dựa trên khoảng cách điều quân. Đây là một thiết kế dựa trên nền của những webgame kinh điển, không mới nhưng mẫu mực.
Người chơi sẽ sớm tham gia chiến đấu nếu muốn phát triển thế lực
Mặt khác, chiến thuật của Chiến Ca vẫn áp dụng những yếu tố mới như sắp xếp và quản lý đội hình. Ở Chiến Ca, ngoài cơ chế Bộ - Thương – Kỵ - Cung, chiến lực của quân chủng còn bị chi phối ở phạm vi tấn công. Một thành chủ có quân lực hùng hậu cũng không thể hời hợt điều quân đi trước khi kiểm tra kĩ lưỡng. Đồng thời, tấn công thành trì khác gần mình còn giúp cho người chơi tránh khỏi sự tranh chấp đất đai khu vực nội thành do độ phủ thế lực trùng nhau. Chính vì thế, bạn sẽ sớm phải tham gia vào các cuộc chinh phạt nếu muốn trở thành thế lực mạnh trong Game.
Hệ thống tướng lĩnh
Để tạo cho người chơi sự tự do trong chiến thuật, Chiến Ca không hạn chế tuyển mộ võ tướng. Với hệ thống Võ hồn, mỗi thành chủ có thể xây dựng cho mình đủ loại đội hình “trong mơ”.
Mỗi vị tướng sẽ mang trong mình “Tướng hồn” của các vị danh tướng lịch sử. Mỗi Võ hồn sẽ có chỉ số cơ bản và mức tăng trưởng riêng. Cùng với những tài nguyên đó, Võ hồn còn có 3 kĩ năng nội tại mang lại nhiều lợi ích lớn lao. Người chơi có thể chỉnh sửa được 3 kĩ năng nội tại đó khi võ tướng đạt cấp độ 50.
Tính năng Thiên phú giúp người chơi có thể tăng điểm kĩ năng cho võ tướng.
Cuối cùng, người chơi có thể tận dụng sức mạnh của các Tế đài đặc biệt để làm tăng trưởng chỉ số của võ tướng. Có ba loại tế đài: tăng sức chiến đấu, tăng phòng thủ và tăng trí tuệ. Tuy nhiên, trò chơi lại cung cấp đến 8 vị trí xây dựng. Chính vì vậy, tùy theo “cơ duyên” và sở thích, người chơi có thể xây dồn để tài bồi cho những tướng “văn” hoặc “võ”, nắm được hướng đi và vận mệnh của mình.
Lời kết
Dĩ nhiên, mỗi tựa game đều có cái hay và dở - thành công của chúng phụ thuộc vào cái duyên nội tại và sự gắn bó của cộng đồng game thủ nhiều hơn là những tính năng có thể cân đo đong đếm được. Chiến Ca có những tính năng chiến thuật ưu việt – điều này là không thể phủ nhận, nhưng số phận của trò chơi còn phải dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng nhiều hơn nữa.