Nếu là một game thủ lâu năm của làng game Việt, chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được nhóm “tứ trụ” của làng game Việt, bao gồm bốn nhà phát hành được coi là mạnh nhất tại Việt Nam trong thời gian đầu khi những game online đầu tiên cập bến làng game nước nhà, song hành cùng sự phát triển chóng mặt của internet tại mảnh đất hình chữ S: FPT Online, VNG, Asiasoft và VTC.
Thế nhưng, vật đổi sao dời, sự phát triển như vũ bão của làng game trong nước cũng kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của không ít những nhà phát hành game Việt. Từ những cái tên nhỏ, chuyên phát hành game mobile hay webgame nhỏ lẻ, cho tới những cái tên với sức mạnh tài chính dồi dào, đủ sức vận hành những cái tên lớn mà nhiều game thủ nước ngoài chưa chắc đã được thưởng thức phiên bản tại khu vực mà họ sống.
Chính vì tốc độ phát triển quá nhanh như vậy, mà trong năm 2014 vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến những thay đổi cực kỳ mạnh mẽ trong thị phần game online Việt Nam. Có những NPH lớn đã phải “gục ngã”, nhưng cũng có những cái tên mới, có được những bước phát triển thần tốc để đứng vào hàng ngũ những ông lớn của làng game Việt:
VNG
Là một trong số những NPH đầu tiên khai thác thị trường game online tại Việt Nam, giờ đây VNG được đặt vào vị trí của một trong số những NPH cũng như đơn vị R&D về ngành game nói riêng cũng như internet nói chung mạnh nhất tại Việt Nam hiện nay. Khởi đầu với những sản phẩm đình đám như Võ Lâm Truyền Kỳ, Boom Online hay về sau là Kiếm Thế, tên tuổi của VNG đã được khẳng định sau hơn một thập kỷ game online chính thức đặt chân vào mảnh đất hình chữ S.
Trong năm 2013, với việc tập trung đầu tư dàn trải để phát triển những dịch vụ internet trên mobile để bắt kịp với nhịp độ phát triển quá nhanh chóng của thị trường smartphone Việt, mảng game của VNG đã có xu hướng chững lại. Thậm chí, trong cuộc đua giành danh hiệu ngôi vương thống trị phòng máy chơi game tại Việt Nam, VNG cũng bị Garena qua mặt.
Tuy nhiên trong năm nay, với những thay đổi kịp thời, và đặc biệt là tấn công vào thị trường game mobile, cùng lúc vẫn tập trung phát triển mảng game cổ điển với nhiều sản phẩm client hay webgame được nhiều game thủ Việt ưa chuộng, VNG vẫn giữ vững một trong bốn vị trí trụ cột của làng game nước nhà trong năm 2014.
SohaGame
Được biết đến là NPH tiên phong phát hành game trên smartphone, đầu năm 2013 NPH này đã mạo hiểm dấn thân vào thị trường game mobile phân khúc game smartphone và nhanh chóng nắm bắt thời cơ, ra mắt 25 game trong năm, doanh thu đạt 200 tỉ, chiếm 5% thị phần toàn ngành game Việt và 53% thị phần game cho di động, lọt vào top 5 NPH có doanh thu lớn nhất Việt Nam tính đến tháng 09/2014.
SohaGame đã nhanh chóng chiếm giữ vị trí số 1 tại thị trường game Smartphone. Khi các Nhà phát hành khác còn đang e ngại thì SohaGame nhanh chóng ra mắt liên tục các tựa game mobile chất lượng cao, cho cả thị trường thấy tiềm năng và sức hấp dẫn của thể loại này. Đến nay, hầu như mọi Nhà phát hành, từ lão làng như VNG, VTC, FPT đến các Nhà phát hành nhỏ cũng bắt đầu nhảy vào khai thác mảng game mobile.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng SohaGame đã kịp ăn sâu bén rễ, xây dựng một cộng đồng đông đảo và trung thành. Các game mobile của Nhà phát hành này thường dễ dàng nhận được sự chú ý của game thủ, thường xuyên xuất hiện trên Top ứng dụng App Store và Google Play.
VTC
Cho dù trong khoảng thời gian 2 năm 2013 và 2014 vừa qua đã đem tới cho VTC không ít những biến cố lớn, thế nhưng với những gì thể hiện trong năm 2014 vừa qua, VTC vẫn xứng đáng góp mặt trong nhóm tứ trụ của làng game Việt khi năm 2014 đã gần kết thúc.
Ở thời điểm hiện tại, với những sản phẩm như Đột Kích, Warface, hay trong tương lai rất có thể còn có cả Counter Strike Online và War Thunder, VTC vẫn giữ được ngôi vương của làng game bắn súng Việt Nam, với cộng đồng hâm mộ cực kỳ đông đảo, trải rộng ở nhiều lứa tuổi, từ đó cộng đồng cũng trở nên mạnh hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, việc tấn công mạnh mẽ vào những thị trường game di động hay những sản phẩm MMO dành cho smartphone cũng giúp cho VTC có được một mảnh thị phần không hề nhỏ trên bản đồ game online Việt Nam hiện nay.
Garena
Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2012 tại Việt Nam, Liên Minh Huyền Thoại, tựa game MOBA đình đám trên toàn thế giới cũng đã có được sự bùng nổ một cách mạnh mẽ ở mảnh đất hình chữ S. Cho tới năm 2013, Liên Minh Huyền Thoại trở thành một trong những game online thành công nhất tại thị trường Việt Nam, cùng lúc đó độc chiếm thị trường MOBA nước nhà. Số lượng người chơi LMHT trở nên quá đông đảo, cộng thêm quả bom FIFA Online 3 ra mắt vào cuối năm ngoái, GCafe cũng như NPH Garena lại càng có đất phát triển.
Nếu như những NPH lớn khác đều tập trung vào mảng game online cũng như game mobile online, thì Garena lại trở thành ông hoàng của thể thao trực tuyến với Liên Minh Huyền Thoại. Cái tên Garena đã quá quen thuộc với cộng đồng game thủ, đặc biệt là với các tín đồ MOBA. Mặc dù ra sau nhưng cộng đồng của Liên Minh Huyền Thoại đông đảo và sôi động không kém gì so với DotA. Cho đến hiện tại tựa game online này có doanh thu “khủng” nhất làng game Việt rơi vào khoảng 21 tỷ đồng/tháng.
Không cần sử dụng chiêu trò quảng cáo hay giật gân câu khách, Garena từng bước chiếm lĩnh các phòng máy với phần mềm Gcafe, đánh bật CMS của VNG ra khỏi các phòng máy – mảng thị trường rất quan trọng của VNG. Với các giải dấu diễn ra thường xuyên cùng các phần thưởng hấp dẫn, Garena đã cho người chơi cảm giác được chăm sóc đích thực, chứ không phải ăn xổi như nhiều NPH game PC hiện tại.
>> Những sự kiện đình đám nhất làng game Việt trong năm 2014